Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 03-08/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Hoa Kỳ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong năm 2018 đạt 2,9%, cao hơn so với mức tăng trưởng 1,6% và 2,2% của năm 2016 và 2017, tuy nhiên vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 3% của Tổng thống Donald Trump.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống 2,7% do tình hình căng thẳng thương mại; tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm từ 3,7% hiện nay, mức thấp nhất trong 49 năm qua, xuống còn 3,6%; tỷ lệ lạm phát vẫn duy trì mức 2,1% như  năm 2018. (Theo Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Hoa Kỳ - NABE ngày 03/12)

- Ấn Độ: Trong quý III/2018, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 7,1%, thấp hơn so với mức tăng 8,2% của quý II/2018 và thấp hơn dự báo của các nhà phân tích theo khảo sát của Bloomberg. Tuy nhiên, tăng trưởng của Ấn Độ vẫn vượt qua Trung Quốc (6,5% trong cùng kỳ) và tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. (Theo CNN ngày 30/11)

- Hàn Quốc: Trong quý III/2018, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 0,6% so với quý II/2018, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý IV/2017. Đây là quý thứ 2 liên tiếp nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng dưới ngưỡng 1%.

So với cùng kỳ năm 2017, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2%, mức tăng trưởng theo năm thấp nhất kể từ quý III/2009 do nhu cầu nội địa yếu. Trong đó, đầu tư trong lĩnh vực xây dựng của Hàn Quốc giảm 6,7%, mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ quý I/1998; đầu tư của doanh nghiệp giảm 4,4%; chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 0,5%, cao hơn mức tăng 0,3% của quý II/2018; chi tiêu ngân sách chính phủ tăng 1,5%; xuất khẩu tăng 3,9%, trong khi nhập khẩu giảm 0,7%.

CPI của Hàn Quốc trong tháng 11/2018 tăng 2%, lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm và dầu mỏ biến động) tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 04/12)

- Canada: Trong quý III/2018, kinh tế Canada tăng trưởng 0,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 0,7% của quý II/2018, chủ yếu do chi tiêu hộ gia đình giảm tốc. Tốc độ tăng trưởng theo năm đạt 2%, thấp hơn mức tăng 2,9% của quý II/2018 và bằng mức dự báo của thị trường. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 30/11)

- Brazil: Trong quý III/2018, kinh tế Brazil tăng trưởng 0,8%, cao hơn so với mức tăng trưởng 0,2% của quý II/2018 và phù hợp với dự báo của thị trường. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2017, chủ yếu do sự phục hồi trong đầu tư và chi tiêu chính phủ. (Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil ngày 30/11)

- Australia: Trong quý III/2018, kinh tế Australia tăng trưởng 0,3%, thấp hơn so với mức tăng 0,9% của quý II/2018 và 0,6% theo dự báo của thị trường. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý III/2016, do tiêu dùng cá nhân giảm mạnh. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 05/12) 

Lạm phát

- Eurozone: Trong tháng 11/2018, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone là 2%, thấp hơn mức lạm phát 2,2% của tháng 10/2018 và 2,1% theo dự báo của thị trường, do giá dịch vụ, năng lượng, thực phẩm tăng chậm. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 30/11)

- Philippines: Trong tháng 11/2018, tỷ lệ lạm phát của Philippines là 6%, thấp hơn so với tỷ lệ 6,7% của tháng 10/2018 và  là mức thấp nhất trong 4 tháng, do chi phí thực phẩm và nhà ở giảm. Mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương Philippines trong giai đoạn 2018 - 2020 trong khoảng 2 - 4%. (Theo Văn phòng Thống kê Philippines ngày 05/12)

- Nga: Trong tháng 11/2018, lạm phát của Nga tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với tỷ lệ 3,5% của tháng 10/2018 và thấp hơn so với 3,9% theo dự báo của thị trường.

Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 7/2017 do giá các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm tăng cao. Lạm phát cơ bản tăng 3,4%, cao hơn so với mức tăng 3,1% của tháng 10/2018 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Nga ngày 06/12)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 03/12 - 07/12/2018, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 4,5%; 4,6% và 4,93% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (30/11/2018). Trong ngày giao dịch ngày 07/12/2018:

+ Dow Jones giảm 558,72 điểm (-2,24%), xuống 24.388,95 điểm.

+ S&P 500 giảm 62,87 điểm (-2,33%), xuống 2.633,08 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 219,01 điểm (-3,05%), xuống 6.969,25 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,42 điểm (-1,54%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (07/12/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,71 điểm (0,03%), lên 2.605,89 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 177,06 điểm (0,82%), lên 21.678,68 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 92,62 điểm (-0,35%), xuống 26.063,76 điểm.

Dầu mỏ

Dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần (26 - 30/11) tăng thêm 5,4 triệu thùng lên 448 triệu thùng, báo hiệu thị trường dầu mỏ Hoa Kỳ đang trong tình trạng thừa nguồn cung. Trong khi đó, Ngân hàng Bank of America dự báo, giá dầu Brent và WTI sẽ lần lượt ở mức trung bình 70 USD/thùng và 59 USD/thùng trong năm 2019. (Theo Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ - API ngày 05/11)

Tuần từ ngày 03/12 - 07/12/2018, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 1,01% và 0,15%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (07/12/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 01/2019:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,12 USD (2,13%), lên 52,61 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,61 USD (2,61%), lên 61,67 USD/thùng.

Châu Âu

- EU: Ngày 04/12, các Bộ trưởng tài chính thuộc 27 nước thành viên Liên minh châu Âu - EU (không có Anh) đã nhất trí thúc đẩy cải cách Eurozone để có giải pháp chống đỡ tốt hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính.

Theo thỏa thuận mới, trách nhiệm của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) được mở rộng. ESM được ví như “lính cứu hỏa” đối với các nước Eurozone gặp khủng hoảng nợ công và là giải pháp cuối cùng mà các nước EU cầu viện trong trường hợp các ngân hàng lớn ở châu Âu bị khủng hoảng. (Theo TTXVN ngày 04/12)

- Anh: Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng sản lượng của các nhà máy tại Anh là 0,3%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 1,1% ước tính của năm 2018 và là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2015, do sự bất ổn trước việc Anh rời Liên minh châu Âu - EU (Brexit) đã tác động đến nhu cầu nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước bị thiếu nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Lĩnh vực sản xuất đóng góp khoảng 10% GDP của kinh tế Anh. (Theo Hiệp hội Thương mại Anh - EEF ngày 03/12)

- Pháp:

+ Ngày 04/12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo sẽ hoãn việc tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng; hoãn tăng giá khí gas và điện, dự kiến có hiệu lực từ tháng 01/2019, trong vòng 3 tháng mùa đông.

Ngoài ra, kế hoạch siết chặt việc đánh giá kỹ thuật đối với ô tô, vốn nhằm vào các xe đời cũ gây ô nhiễm môi trường, cũng được hoãn lại trong vòng 6 tháng.

Trong khoảng thời gian 6 tháng, Chính phủ Pháp sẽ thảo luận các biện pháp nhằm hỗ trợ nhóm lao động nghèo vốn phụ thuộc vào các phương tiện giao thông. (Theo TTXVN ngày 04/12)

+ Ngày 05/12, Chính phủ Pháp thông báo sẽ cân nhắc khôi phục lại "thuế nhà giàu" (ISF) nhằm vào những hộ gia đình có thu nhập cao. Đây là một trong những yêu cầu chủ chốt của những người biểu tình tại nước này với mong muốn Tổng thống Emmanuel Macron đảo ngược chính sách cắt giảm thuế mà ông đã áp dụng cho những người giàu nhất nước Pháp để thúc đẩy đầu tư.

Được thi hành từ năm 1982, ISF quy định những hộ gia đình Pháp có giá trị tài sản trên 1,3 triệu EUR (1,4 triệu USD) sẽ phải đóng thêm thuế dù họ đã bị đánh thuế thu nhập cá nhân. Với khoảng 350.000 hộ gia đình được miễn ISF, ngân sách Pháp sẽ mất khoảng hơn 4 tỷ EUR/năm (4,5 tỷ USD). (Theo TTXVN ngày 05/12)

- Đức: Ngày 03/12, Chính phủ Đức quyết định bổ sung thêm ngân sách cho quỹ tài trợ các thành phố  nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, được xác định có liên quan đến khí thải từ các phương tiện lắp động cơ chạy bằng dầu diesel. 

Theo đó, khoản ngân sách dành cho chương trình “Cleaner Air” được Chính phủ Đức phát động và kéo dài từ năm 2017 - 2020 sẽ tăng từ 1 tỷ EUR lên 1,5 tỷ EUR (khoảng 1,7 tỷ USD). (Theo TTXVN ngày 03/12)

Châu Mỹ

- Canada: Trong tháng 10/2018, kim ngạch thương mại của Canada thâm hụt 1,17 CAD, cao hơn so với mức thâm hụt 0,89 CAD của tháng 9/2018 và 0,7% theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2% so với tháng 9/2018 xuống 49,32 tỷ CAD, đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô giảm; kim ngạch nhập khẩu giảm 0,6% xuống 50,49 tỷ CAD. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 06/12)

- Venezuela: Ngày 06/12, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc tiếp nhận khoản đầu tư trị giá 6 tỷ USD vào các lĩnh vực dầu mỏ và khai khoáng, trong đó có 1 tỷ USD được đầu tư cho các hoạt động khai thác vàng.

Các hợp đồng đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ sẽ tập trung vào công ty liên doanh giữa hai nước với mục tiêu nâng sản lượng khai thác dầu của Venezuela đang bị sụt giảm  từ 3,2 triệu thùng xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày trong một thập kỷ qua.

Chính phủ Nga cũng cam kết cung cấp cho Venezuela khoảng 600 nghìn tấn ngũ cốc vào năm 2019, qua đó giúp cho nước này đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực. (Theo TTXVN ngày 06/12)

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý trì hoãn việc áp thuế mới trong vòng 90 ngày khi hai nước sẽ tiến hành các đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại. Cụ thể, Hoa Kỳ đồng ý trì hoãn việc tăng thuế lên 25% từ mức 10% hiện nay đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.

Ngược lại, Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Hoa Kỳ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương.

Tuy nhiên, nếu  hai bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp trong vòng 90 ngày, Hoa Kỳ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25%. (Theo Chính phủ Hoa Kỳ ngày 01/12)

Trong tháng 10/2018, kim ngạch thương mại xuất - nhập khẩu của Hoa Kỳ thâm hụt 55,5 tỷ USD, cao hơn mức thâm hụt 54,6 tỷ USD của tháng 9/2018 và 54,9 tỷ USD theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thâm hụt thương mại cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,1% so với tháng 9/2018 xuống 211 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 0,2% lên mức cao kỷ lục 266,5 tỷ USD, do người dân Hoa Kỳ tận dụng đồng USD mạnh để chi tiêu.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2018, tổng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2017 lên 51,3 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 06/12)

Ngày 06/12, Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn, giúp nhiều cơ quan Liên bang, bao gồm Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa, tránh bị đóng cửa do hết ngân sách hoạt động tới ngày 21/12/2018.

Trong thời gian từ nay tới khi dự luật chi tiêu trên hết hạn, các nhà lập pháp trong Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đàm phán nhằm giải quyết những bất đồng đối với dự luật phân bổ ngân sách cho Bộ An ninh nội địa (khoảng 5 tỷ USD) để xây dựng bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico theo đề nghị của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và thông qua dự luật phân bổ ngân sách cho tài khóa 2019. (Theo TTXVN ngày 06/12)

Trung Quốc

Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy cải cách lĩnh vực ngoại hối, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trên thế giới mở rộng tiếp cận thị trường vốn nước này. Tính đến cuối tháng 11/2018, khoảng 280 tổ chức nước ngoài đã nhận được hạn ngạch đầu tư 100,56 tỷ USD theo chương trình QFII (nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có đủ các tiêu chuẩn quy định của Trung Quốc), tăng 300 triệu USD so với cuối tháng 10/2018, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dòng vốn chảy vào nền kinh tế Trung Quốc. (Theo Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc - SAFE ngày 05/12)

 

Australia

Trong tháng 10/2018, kim ngạch thương mại của Australia đạt thặng dư 2,32 tỷ AUD, thấp hơn so với mức thặng dư 2,94 tỷ AUD của tháng 9/2018 và 3,2 tỷ AUD theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1% so với tháng 9/2018 lên mức cao kỷ lục 38,05 tỷ AUD; kim ngạch nhập khẩu tăng 3% lên mức cao kỷ lục 35,73 tỷ AUD. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 06/12)

Hàn Quốc

Có 81% ý kiến khảo sát nhất trí rằng các tranh cãi thương mại kéo dài là vấn đề lớn nhất có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống tài chính Hàn Quốc; 67% cho rằng các dấu hiệu gần đây về việc nền kinh tế giảm tốc là một mối đe dọa nghiêm trọng khác đối với hệ thống tài chính; trong khi 59% cho rằng quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn là mối nguy đối với hệ thống này.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới, do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và các thị trường nước ngoài.

Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, với những căng thẳng thương mại gần đây giữa hai nước làm dấy lên các lo ngại về sự thu hẹp thương mại toàn cầu. (Theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK công bố ngày 05/12)

Đàm phán - Ký kết

G20

Ngày 01/12, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã thông qua tuyên bố chung, khẳng định thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này. (Theo TTXVN ngày 01/12)