Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 12-17/9/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Hoa Kỳ: Dự báo tăng trưởng GDP quý III/2016 của Hoa Kỳ đạt 3%, giảm so với mức dự báo 3,3% (09/9), nhưng vẫn khả quan hơn mức tăng 1,1% của quý II/2016. (Theo Văn phòng Dự trữ bang Atlanta, Hoa Kỳ ngày 15/9)

- Argentina: Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Argentina sẽ đạt 3,5%, lạm phát tăng 17% và thâm hụt ngân sách là 4,2% GDP. (Theo Bộ trưởng Kinh tế Argentina ngày 15/9)

Thị trường
tài chính

Dự báo trong năm 2016, Đức là nước có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới (khoảng 310 tỷ USD - tương đương 8,9% GDP), cao hơn mức 285 tỷ USD của năm 2015; đứng thứ 2 là Trung Quốc (260 tỷ USD) và thứ 3 là Nhật Bản (170 tỷ USD). (Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo Đức ngày 07/9)

Thị trường
hàng hóa

Chỉ số giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đạt 165,6 điểm trong tháng 8/2016, tăng 1,9% so theo tháng (sau khi giảm 0,8% trong tháng 7), do đà tăng giá của các sản phẩm sữa (tăng 8,6%), của dầu ăn và các sản phẩm giàu chất béo (tăng 7,4%). So với cùng kỳ năm 2015, chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng gần 7% (sau khi giảm 1,4% trong tháng 7). Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) nâng mức dự báo về sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm 2016 lên 2,566 tỷ tấn, tăng 22 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7. (Theo FAO ngày 08/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: dù giảm nhẹ vào phiên cuối tuần nhưng nhờ phiên tăng điểm mạnh hôm 15/9 đã giúp chứng khoán Hoa Kỳ phục hồi trở lại. Tính chung cả tuần (12 - 16/9/2016), hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm, chỉ số Dow Jones tăng 0,21%, S&P 500 tăng 0,53% và Nasdaq Composite tăng 0,55% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (09/9/2016).Trong ngày giao dịch cuối tuần (16/9) so với phiên giao dịch ngày 15/9, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.123,80 điểm, giảm 0,49%.

+ S&P 500 đạt 2.139,16 điểm, giảm 0,38%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.244,57 điểm, tăng 0,10%.

- Chứng khoán châu Á: chứng khoán châu Á giảm điểm trong bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi thông tin từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (kết thúc ngày 21/9). Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,31% xuống 137,10 điểm.

Các thị trường chính giảm điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 2,63% xuống 16.519,29 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 3,17% xuống 23.335,59 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 2,47% xuống 3.002,849 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,87% xuống 1.999,36 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,77% xuống 5.296,699 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 8/2016, sản lượng khai thác dầu thô của Saudi Arabia đạt mức cao nhất thế giới (12,58 triệu thùng/ngày), do nước này bơm thêm khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày từ các giếng dầu có chi phí sản xuất thấp. Sản lượng dầu của Hoa Kỳ đạt 12,2 triệu thùng/ngày, đứng thứ 2 (sau khi giữ vị trí nhà sản xuất dầu thô và khí hóa lỏng lớn nhất thế giới kể từ tháng 4/2014), do phải giảm khoảng 460.000 thùng dầu mỗi ngày vì chi phí sản xuất lớn. (Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEA ngày 13/9)

Dự báo sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga trong năm 2016 tăng 2,2% so với năm 2015 lên 546 - 547 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 30 năm. Trong tuần đầu tháng 9, sản lượng khai thác dầu của Nga đạt bình quân khoảng 11 triệu thùng/ngày, cao hơn mức trung bình 10,71 triệu thùng/ngày của tháng 8/2016. (Theo Reuters ngày 12/9)

Đầu tư vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí toàn cầu trong năm 2016 dự báo giảm 24%, sau khi giảm 25% trong năm 2015 (trong 2 năm 2015 - 2016 ước giảm hơn 300 tỷ USD) - lần đầu tiên đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí giảm hai năm liên tiếp trong 40 năm qua và chưa có dấu hiệu cải thiện trong năm 2017. Trong năm 2015, đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu mỏ, khí đốt và than trên thế giới giảm 18% so với năm 2014 xuống 900 tỷ USD; đầu tư vào hoạt động thăm dò, khai thác tất cả các loại năng lượng giảm 8% xuống 1.800 tỷ USD.(Reuters ngày 16/9 dẫn số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA)

Dự báo nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2016 là 1,3 triệu thùng/ngày, năm 2017 là 1,2 triệu thùng/ngày, giảm so với các mức dự báo tương ứng là 100.000 và 200.000 thùng/ngày (8/2016), do nhu cầu của các nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đang giảm dần, đà tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ và châu Âu giảm đáng kể. (Theo IEA ngày 13/9)

Nguồn cung dầu từ các nước ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC trong năm 2017 được dự báo tăng 200.000 thùng/ngày, do giếng dầu Kashagan của Kazakhstan được đưa vào khai thác và sản lượng dầu đá phiến của Hoa Kỳ giảm ít hơn dự báo; nhu cầu dầu thô của OPEC trên toàn cầu năm 2017 dự báo đạt bình quân 32,48 triệu thùng/ngày, giảm 530.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Điều này làm tăng thách thức đối với OPEC và các nước ngoại khối trong nỗ lực hạn chế nguồn cung. (Theo OPEC ngày 12/9)

Sau khi phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch ngày 15/9, giá dầu thô đã giảm mạnh trở lại trong phiên ngày 16/9 do Iran tăng cường xuất khẩu (thêm 2 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 8/2016) làm tình hình thừa cung càng trở nên trầm trọng. Tính chung cả tuần (12 - 16/9/2016), giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 6,84% và 4,67% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (09/9/2016). Chốt phiên giao dịch cuối tuần (16/9/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,88 USD (2%) xuống 42,74 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,82 USD (1,76%) xuống 45,77 USD/thùng.

Châu Á

Hàn Quốc

Trong tháng 8/2016, thặng dư thương mại Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD. Trong đó so với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,6% - tháng tăng đầu tiên trong vòng 20 tháng qua, đạt 40,1 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu tăng 0,7% lên 35 tỷ USD. (Theo Cục Hải quan Hàn Quốc ngày 13/9)

Ấn Độ

Trong tháng 8/2016, thâm hụt thương mại của Ấn Độ giảm 38,1% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 7,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu giảm 0,3% xuống 21,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu giảm 14,1% xuống 29,2 tỷ USD. Tính từ tháng 4 đến 8/2016, kim ngạch xuất khẩu giảm 3%, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm tới 15,9% nên thâm hụt thương mại giảm xuống còn 34,7 tỷ USD (từ 58,4 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015). (Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ ngày 15/9)

Singapore

Xuất khẩu phi dầu mỏ (NODX) so theo tháng của Singapore trong tháng 8/2016 giảm 1,9% , thấp hơn mức dự báo giảm 3,1% của các nhà kinh tế và tăng so với mức giảm 1,8% của tháng 7; so với cùng kỳ năm 2015, NOXD trong tháng 8 không đổi, thấp hơn dự báo giảm 3,3%, (tháng 7 giảm 10,6%). (Theo Thời báo Tài chính Anh ngày 16/9)

Châu Âu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề xuất tăng gấp đôi Quỹ đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2016 đến năm 2022 lên 630 tỷ EUR nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quỹ sẽ đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các khoản cho vay ưu đãi. (Theo AFP ngày 14/9)

Hoa Kỳ

Thu nhập bình quân của các hộ gia đình tại Hoa Kỳ năm 2015 tăng 5,2% so với năm 2014, đạt 56.500 USD/năm, mức cao nhất kể từ năm 2007, nhờ thị trường lao động được cải thiện, kinh tế phục hồi sau khủng hoảng (2008). (Theo Cơ quan Thống kê Hoa Kỳ ngày 13/9)

Chuyên gia Chris Christopher (IHS Global Insight) dự báo, thu nhập của các hộ gia đình sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2017, nhờ tỷ lệ người có việc làm cao hơn (tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức đỉnh 10% trong tháng 10/2009 xuống 4,9% trong tháng 8/2016) và lạm phát ở mức “vừa phải”.

Trong tháng 8/2016, doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ giảm 0,3% so với tháng 7, giảm mạnh hơn mức dự báo giảm 0,1% đưa ra trước đó (trong khi tháng 7/2016 tăng 0,1%). Doanh số bán lẻ lõi (không tính ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và thực phẩm) giảm 0,1% trong tháng 8, bằng mức giảm trong tháng 7. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/9)

Trong tháng 8/2016, sản lượng sản xuất công nghiệp của Hoa Kỳ giảm 0,4%, giảm mạnh hơn mức dự báo giảm 0,3% đưa ra trước đó (trong khi tháng 7/2016 tăng 0,6%), chủ yếu do sản lượng sản xuất điện, nước giảm mạnh. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 15/9)

Trong tháng 8/2016, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ tăng 67% so với cùng kỳ năm 2015 lên 107 tỷ USD, do chi tiêu chính phủ tăng 23% lên 338 tỷ USD trong khi thu ngân sách chỉ tăng 9,5% lên 231 tỷ USD. Lũy kế 12 tháng (8/2015 - 8/2016), thâm hụt ngân sách đạt 530 tỷ USD, tăng 25% so với lũy kế cùng kỳ năm 2014 - 2015. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 13/9)

Trong tháng 7/2016, vay tiêu dùng tại Hoa Kỳ tăng 17,7 tỷ USD, cao hơn so với mức tăng 14,5 tỷ USD trong tháng 6. Trong đó tín dụng tuần hoàn (bao gồm cả thẻ tín dụng) tăng 2,8 tỷ USD, sau khi tăng 9,2 tỷ USD trong tháng 6; tín dụng bao gồm các khoản vay của sinh viên và vay mua ô tô tăng 14,9 tỷ USD, sau khi tăng 5,4 tỷ USD trong tháng 6. (Theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 08/9)

Trong tuần (29/8 - 02/9), số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 4.000 đơn so với tuần trước đó xuống 259.000 - tuần thứ 79 liên tiếp con số này ở mức dưới 300.000, giai đoạn dài nhất kể từ năm 1970. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 08/9)

Hiệp hội Kinh tế kinh doanh Quốc gia Hoa Kỳ (NABE) ngày 12/9 dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô:

- GDP tăng trưởng 1,5% trong năm 2016 (thấp hơn mức dự báo 1,8% đưa ra hồi tháng 6/2016) và 2,3% trong năm 2017, do đầu tư của các doanh nghiệp thấp (dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp Hoa Kỳ không thay đổi trong năm 2016 và tăng 4,2% trong năm 2017).

- Lạm phát năm 2017 đạt 2%.

- Tăng trưởng việc làm đạt trung bình khoảng 185.000 việc làm/tháng, thấp hơn mức dự báo 201.000 việc làm (6/2016) và đạt 168.000 việc làm/tháng trong năm 2017.

Trung Quốc

Trong tháng 8/2016, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn dự báo tăng 6,2% của Bloomberg; doanh số bán lẻ tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2015, sau khi tăng 10,2% trong tháng 7; đầu tư tài sản cố định tăng 8,1% trong 8 tháng đầu năm 2016. Số liệu trên cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 13/9)

Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (PSBC) dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trị giá 8,1 tỷ USD trên thị trường Hồng Kông vào cuối tháng 9/2016, trong đó 72% cổ phiếu sẽ được bán cho các nhà đầu tư chiến lược. Đây sẽ là đợt phát hành IPO lớn nhất trong năm 2016 trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương không có nhiều đợt chào bán trong 6 tháng đầu năm 2016 (số lượng các đợt IPO thấp nhất kể từ năm 2008). PSBC là ngân hàng lớn thứ 5 Trung Quốc nhưng có số lượng chi nhánh nhiều nhất. . (Theo Bloomberg ngày 13/9)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC đã bơm 160 tỷ CNY vào thị trường trong ngày 13/9 thông qua các thỏa thuận mua vào trái phiếu có kỳ hạn:

+ 60 tỷ CNY kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 2,55%, giảm so với mức 2,6% của lần mua vào trước đó (05/02/2016).

+ 30 tỷ CNY kỳ hạn 14 ngày, lãi suất không đổi là 2,4%.

+ 70 tỷ CNY kỳ hạn 7 ngày, lãi suất không đổi là 2,25%.

Theo các chuyên gia kinh tế, PBoC sử dụng công cụ cho vay kỳ hạn 28 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 02/2016 nhằm hạn chế những biến động của thị trường tiền tệ trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ dài.

(Theo Bloomberg)

Trong tháng 8/2016, khoảng 51 tỷ USD vốn đầu tư đã rút khỏi Trung Quốc, tăng nhẹ so với 50 tỷ USD trong tháng 7. Điều này đã gây áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ và buộc Chính phủ Trung Quốc phải tiếp tục bổ sung thanh khoản thông qua các công cụ định lượng, đồng thời phải đối mặt với nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản. (Theo Ngân hàng Standard Chartered ngày 15/9)

Brazil

Trong thời gian tới, Chính phủ Brazil sẽ thực hiện kế hoạch tư nhân hóa nhiều dự án dầu khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng nhằm thu về hàng tỷ USD để khôi phục kinh tế đất nước.Kế hoạch bao gồm việc đấu thầu quyền khai thác các mỏ dầu khí, các sân bay tại nhiều thành phố lớn, một số tuyến đường cao tốc liên bang tại miền Nam và miền Tây, hệ thống cảng biển, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng và phát triển các dự án năng lượng. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8% - mức thấp nhất trong 25 năm, thâm hụt ngân sách trên 10% GDP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, năm 2016 kinh tế Brazil tiếp tục suy thoái và tăng trưởng âm 3,5%.(Theo Chính phủ Brazil ngày 13/9)

Ai Cập

IMF đã giải ngân cho Ai Cập 1 tỷ USD trong khoản vay trị giá 3 tỷ USD trong năm 2016. Số tiền này sẽ được sử dụng để tạo việc làm và cải thiện đời sống của người dân. Ngoài ra, Ai Cập cũng đã đàm phán vay 3 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) (đã giải ngân được 1,5 tỷ USD),1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) (đã giải ngân được 500 triệu USD) để đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế, ưu tiên các dự án sử dụng nhiều lao động. Những khoản vay ưu đãi này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ Ai Cập trong việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính nhằm vực dậy nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn và giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ. (Theo Bộ Hợp tác Quốc tế Ai Cập ngày 09/9)

Nhận định
chuyên gia

Lael Brainard - Ủy ban Thị trường Mở của FED (12/9) nhận định:

Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế đang còn nhiều bất ổn của Hoa Kỳ, trong khi chính sách tiền tệ hiện nay có hiệu quả khá tốt, giúp nước này tiếp tục tạo ra việc làm và cải thiện lạm phát trong những tháng gần đây. Do đó, FED cần thận trọng trong quyết định nâng lãi suất.

Giám đốc điều hành các công ty giao dịch hàng hóa lớn ở Singapore đưa ra nhận định (13/9):

Giá dầu thô sẽ biến động trên biên độ hẹp 40 - 60 USD/thùng và khó vượt ngưỡng 60 USD/thùng trong thời gian tới, do dự trữ dầu đang khá dồi dào và các công ty dầu đá phiến của Hoa Kỳ thường xuyên điều chỉnh sản lượng để đối phó với sự biến động của giá.

OPEC nhận định (12/9):

Các gói kích thích kinh tế tại các nước đang giảm bớt hiệu quả, lãi suất ở mức thấp tại các nền kinh tế lớn. Do đó, quyết định về những chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là FED, sẽ có ảnh hưởng tới thị trường. Ngoài ra, dư địa để mở rộng các gói kích thích tài khóa cũng đang bị hạn chế tại các nền kinh tế chủ chốt do nợ công ở mức cao.