Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 15-21/10/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Singapore: Trong quý III/2018, kinh tế Singapore tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 4,1% của quý II/2018.

Trong đó,lĩnh vực sản xuất, động lực chính của nền kinh tế , chỉ tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 10,6% trong quý II/2018, chủ yếu do:

(i) Nhu cầu về các sản phẩm điện tử trên toàn cầu suy yếu;lĩnh vực xây dựng giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2017 do những yếu kém trong các dự án xây dựng tại khu vực công; (ii) Ngành công nghiệp dịch vụ tăng trưởng 2,9% nhờ sự hỗ trợ của các lĩnh vực như tài chính và bảo hiểm, dịch vụ kinh doanh, bán buôn và bán lẻ.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Singapore sẽ ở nửa trên trong khoảng dự báo 2,5 - 3,5% và tăng nhẹ vào năm 2019; lạm phát cũng sẽ tăng nhẹ do tác động của giá dầu và giá thực phẩm toàn cầu cũng như tốc độ gia tăng của tiền lương và nhu cầu tiêu thụ nội địa. (Theo Bộ Công Thương Singapore - MTI ngày 12/10)

Lạm phát

- Eurozone: Trong tháng 9/2018, tỷ lệ lạm phát của Eurozone tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với tỷ lệ 2% của tháng 8/2018, do chi phí năng lượng và thực phẩm chưa qua chế biến tăng cao.

Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá) tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2017, bằng mức tăng của tháng 8/2018. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu ngày 17/10)

- Anh: Trong tháng 9/2018, tỷ lệ lạm phát tại Anh tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với tỷ lệ 2,7% của tháng 8/2018 và 2,6% theo dự báo của thị trường.

Đây là mức lạm phát thấp nhất trong 3 tháng qua, do chi phí lương thực, vận tải và giải trí tăng chậm, trong khi chi phí quần áo giảm.

Tuy nhiên, mức lạm phát này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ngày 17/10)

- Trung Quốc: Trong tháng 9/2018, CPI của Trung Quốc tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với mức tăng 2,3% của tháng 8/2017 và phù hợp với dự báo của thị trường, do giá lương thực tăng mạnh.

Mức lạm phát trên vẫn thấp hơn mục tiêu 3% của Chính phủ Trung Quốc. (Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 16/10)

- Italy: Trong tháng 9/2018, tỷ lệ lạm phát của Italy tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với tỷ lệ 1,6% của tháng 8/2018, do giá thực phẩm và dịch vụ (giao thông và năng lượng) tăng chậm.

Lạm phát cơ bản (bao gồm năng lượng và thực phẩm chưa chế biến) tăng 0,7%, thấp hơn so với mức tăng 0,8% của tháng 8/2018. (Theo Văn phòng Thống kê Italy ngày 16/10)

Đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm 41% xuống 470 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2005. Nguyên nhân chính là do cuộc cải cách thuế quan ở Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc (UNCTAD) cho rằng, bức tranh FDI nhìn chung vẫn “ảm đạm” và viễn cảnh không có nhiều lạc quan.

Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho FDI, với hơn 70 tỷ USD vốn đầu tư vào, tăng 6%; Anh vươn lên vị trí thứ hai với 66 tỷ USD vốn vào; Hoa Kỳ là điểm đến thứ ba với 46,5 tỷ USD dòng vốn vào. (Theo số liệu sơ bộ từ UNCTAD ngày 15/10)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 15 - 19/10/2018 tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 tăng lần lượt là 0,4%; 0,02% và Nasdaq Composite giảm 0,6% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (12/10/2018). Trong ngày giao dịch 19/10/2018:

+ Dow Jones tăng 64,89 điểm (0,26%), lên 25.444,34 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 36,11 điểm (0,48%), xuống 7.449,03 điểm.

+ S&P 500 giảm 1 điểm (0,04%), xuống 2.767,78 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,2 điểm (-0,76%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (19/10/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 106,85 điểm (0,42%), lên 25.561,4 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 64,05 điểm (2,58%), lên 2.550,47 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 149,75 điểm (-0,2%), xuống 23.532,08 điểm.

Dầu mỏ

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đạt trung bình 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2019, giảm khoảng 110.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, do giá dầu tăng cao, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và triển vọng kinh tế thế giới kém lạc quan. (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA ngày 12/10)

IEA đánh giá các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thực hiện thành công cam kết tăng sản lượng khai thác dầu mỏ theo Thỏa thuận Vienna ở mức 121%, trong khi các nước ngoài OPEC ở mức 37%.

Theo báo cáo tháng 10 của IEA công bố ngày 14/10, các nước OPEC đã tăng sản lượng khai thác trong tháng 9 vừa qua thêm 100.000 thùng/ngày, lên mức cao nhất trong năm nay là 32,78 triệu thùng/ngày.
Saudi Arabia và các nước ở châu Phi cũng như Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã hoàn thành được mức tăng này.

Theo số liệu của IEA, Saudi Arabia đã tăng sản lượng khai thác thêm 100.000 thùng/ngày, lên 10,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Iran lại giảm sản lượng khai thác 180.000 thùng, xuống còn 3,45 triệu thùng/ngày.

Tuần từ ngày 15 - 19/10/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 3,1% và 0,8%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (19/10/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 11/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,47 USD (0,7%), lên 69,12 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,49 USD (0,6%), lên 79,78 USD/thùng.

Châu Âu

- EU: Trong tháng 9/2018, doanh số bán ô tô tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2017 xuống còn 1,09 triệu xe, trong bối cảnh Quy trình kiểm tra đồng bộ dành cho xe hạng nhẹ toàn cầu (WLTP) được ban hành vào ngày 01/9làm cho các nhà sản xuất ô tô áp dụng các chương trình giảm giá nhằm “xả kho” vào tháng 8/2018 trước khi bước vào các cuộc kiểm tra khí thải khắc nghiệt. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu - ACEA ngày 17/10)

- Eurozone: Trong tháng 8/2018, thặng dư thương mại của Eurozone đạt 11,7 tỷ EUR, thấp hơn so với 15,24 tỷ EUR cùng kỳ năm 2017 và 15,3 tỷ EUR theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thặng dư thấp nhất kể từ tháng 01/2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 181,5 tỷ EUR; kim ngạch nhập khẩu tăng 8,4% lên 169,8 tỷ EUR. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu ngày 16/10)

- Italy: Trong tháng 8/2018, thặng dư thương mại của Italy đạt 2,56 tỷ EUR, thấp hơn so với mức thặng dư 2,76 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2017 và 4,34 tỷ EUR theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thặng dư thấp nhất kể từ tháng 01/2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,1% lên 30,89 tỷ EUR so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch nhập khẩu tăng 6,4% lên 28,33 tỷ EUR. (Theo Văn phòng Thống kê Italy ngày 16/10)

- Nga: Trong tháng 9/2018, tỷ lệ thất nghiệp của Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,5% từ 5% của cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với tỷ lệ 4,7% theo dự báo của thị trường.

Số người thất nghiệp giảm 72 nghìn người so với tháng trước xuống 3.434 triệu người. Mức lương thực tế tại Nga tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng 6,4% theo dự báo của thị trường. (Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Nga ngày 17/10)

- Anh: Nước Anh sẽ phải thanh toán khoảng 30 - 36 tỷ GBP nếu Anh và EU không đạt thỏa thuận Brexit. Theo Bộ trưởng Hammond, Anh có thể không giành được phần thắng trong bất kỳ cuộc chiến pháp lý nào để tránh phải thanh toán hóa đơn Brexit nói trên và nước Anh chỉ có thể “tiết kiệm” được nhiều nhất là 3 - 9 tỷ GBP nếu rời EU mà không đạt thỏa thuận nào. (Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond ngày 17/10)

Châu Á

- Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố từ đầu tháng 11/2018 sẽ giảm thuế xăng dầu (đang ở mức 30% giá thành), trong bối cảnh giá dầu tại Hàn Quốc tiếp tục leo thang theo xu hướng tăng chung của giá dầu thế giới.

Biện pháp này của Chính phủ Hàn Quốc nhằm giảm gánh nặng cho các tầng lớp dân cư thu nhập thấp và trung bình như những tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, từ đó kích thích tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ giảm thuế xăng dầu sẽ mang lại ưu đãi nhiều hơn cho tầng lớp thu nhập cao, vốn sử dụng nhiều phương tiện di chuyển là xe ô tô.

Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc giảm thuế xăng dầu trong vòng 10 năm qua, kể từ sau năm 2008, thời điểm chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. (Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Hàn Quốc ngày 15/10)

- Indonesia: Trong tháng 9/2018, thặng dư thương mại của Indonesia đạt 0,23 tỷ USD, thấp hơn so với mức thặng dư 1,79 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017 và 0,5 tỷ USD theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1,7% lên 14,83 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 14,18% lên 14,6 tỷ USD. (Theo Văn phòng Thống kê Indonesia ngày 15/10)

Hoa Kỳ

Trong năm tài khóa 2018 (kết thúc vào ngày 30/9/2018), thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ là 779 tỷ USD, tăng 17% so với tài khóa 2017 và là mức cao nhất kể từ năm 2012, trong đó thu ngân sách đạt khoảng 3.300 tỷ USD, chi ngân sách khoảng 4.100 tỷ USD. Nguyên nhân là nguồn thu ngân sách từ thuế giảm (do chính sách cắt giảm thuế) trong khi Chính phủ bội chi.

Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ trong tài khóa 2018 là 9% GDP, tăng mạnh so với mức 3,5% GDP của tài khóa 2017, trong khi mức thâm hụt ngân sách trung bình trong 40 năm qua của Hoa Kỳ là 3,2% GDP. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 15/10)

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) cảnh báo, tình trạng thâm hụt ngân sách liên tục gia tăng sẽ làm cho nợ công của nước này tăng mạnh trong 30 năm tới nếu các đạo luật hiện hành không được điều chỉnh.

Quy mô nợ công của Hoa Kỳ có thể chạm mức 100% GDP vào cuối thập kỷ tới và tăng lên mức cao kỷ lục 152% GDP vào năm 2048.

Hoa Kỳ được xếp hạng là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới với điểm số 85,6/100, vượt qua Singapore, Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản - 4 thị trường hàng đầu khác, nhờ văn hóa kinh doanh “sôi động” và thị trường lao động cũng như hệ thống tài chính “mạnh mẽ”.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ giành vị trí này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. (Theo kết quả cuộc khảo sát cạnh tranh toàn cầu hằng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF công bố ngày 16/10)

Đa phần các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nhất trí rằng, việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ phù hợp với giai đoạn lạm phát ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục hiện nay của Hoa Kỳ (tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9/2018 là 3,7%, thấp nhất kể từ năm 1969).

FED dự định tiếp tục tăng lãi suất chủ đạo vào tháng 11/2018, đây sẽ là lần tăng thứ 9 kể từ năm 2015, đồng thời có kế hoạch tăng lãi suất 3 lần nữa trong năm 2019. (Theo biên bản cuộc họp của FED công bố ngày 17/10)

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (16/10) thông báo kế hoạch khởi động đàm phán về các hiệp định thương mại song phương riêng rẽ với Anh, EU và Nhật Bản như một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đạt được sự công bằng và cân bằng hơn trong thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác.

Cụ thể, Hoa Kỳ sẽ khởi động đàm phán thương mại với Nhật Bản và EU vào giữa tháng 01/2019, trong khi đàm phán với Anh được tiến hành sau khi nước này rời khỏi EU (dự kiến ngày 29/3/2019).

Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hoàn tất các cuộc đàm phán với các kết quả thực chất và đúng thời điểm cho người lao động, nông dân, giới chủ trang trại gia súc và các doanh nghiệp.

Trung Quốc

Trong tháng 9/2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã tăng lên mức kỷ lục 34,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng lên 46,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu giảm xuống 12,6 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng mạnh do các doanh nghiệp tăng cường mua hàng hóa trước khi lệnh áp thuế của Hoa Kỳ có hiệu lực.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ là 225,79 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 196,01 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017.Số liệu mới này được đánh giá sẽ làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.(Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 12/10)

 

Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 15/10 thông báo, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng thuế suất thuế tiêu dùng từ 8% hiện nay lên 10% vào tháng 10/2019 nhằm hỗ trợ cho việc chi an sinh xã hội. Nhật Bản sẽ nỗ lực tránh một tác động tiêu cực đến nền kinh tế thông qua việc triển khai mọi biện pháp có thể, nhất là khi nợ công đang ở mức rất cao.

Trong cuộc họp Nội các bất thường ngày 15/10, Chính phủ Nhật Bản còn thông qua một khoản ngân sách bổ sung trị giá khoảng 940 tỷ JPY (8,4 tỷ USD) cho tài khóa 2018 nhằm thúc đẩy hoạt động tái thiết các khu vực bị thiệt hại bởi thiên tai.

Việc tăng thuế suất thuế tiêu dùng theo kế hoạch phải được thực hiện từ tháng 10/2015 nhưng đã buộc phải hoãn lại do lo ngại những tác động tiêu cực tới chi tiêu tiêu dùng và không có lợi cho nền kinh tế.

Trong tháng 9/2018, thặng dư thương mại của Nhật Bản đạt 140 tỷ JPY, giảm mạnh so với mức thặng dư 654 tỷ JPY của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn so với 50 tỷ JPY theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 7% lên 6,59 nghìn tỷ JPY; kim ngạch xuất khẩu bất ngờ giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2017 xuống 6,73 nghìn tỷ JPY, đây là lần giảm đầu tiên trong vòng 22 tháng qua, trong bối cảnh có nhiều quan ngại về chiến tranh thương mại và những ảnh hưởng do thiên tai. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 18/10)

Venezuela

Ngày 16/10, Chính phủ Venezuela đã công bố quyết định loại đồng USD khỏi rổ tiền tệ trên thị trường hối đoái nội địa nhằm đáp trả những hành động của Hoa Kỳ chống lại quốc gia này.

Theo đó, người dân và các doanh nghiệp tư nhân sẽ được phép tham gia hoạt động đấu giá trên Hệ thống ngoại tệ hối đoái bổ sung (Dicom) bằng đồng EUR, NDT hoặc bất cứ đồng tiền chuyển đổi nào khác, ngoại trừ đồng USD. Trong khi đó, các giao dịch ngân hàng sẽ dựa trên cơ sở đồng EUR.

Chính phủ Venezuela cho biết, nước này buộc phải đưa ra những biện pháp như vậy để vượt qua sự bao vây tài chính, cũng như cuộc tấn công của Hoa Kỳ nhằm vào đồng nội tệ, gây mất ổn định cho hệ thống tài chính của nước này.

Ngân hàng Trung ương Venezuela dự kiến tung ra thị trường hối đoái khoảng 2 tỷ EUR kể từ tháng 11/2018, sau hơn 1 năm dừng bán vì khan hiếm ngoại tệ.

(Theo TTXVN ngày 16/10)

Đàm phán - Ký kết

CPTPP

Sáng 17/10, Thượng viện Australia đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với việc Hạ viện phê chuẩn hiệp định này ngày 17/9, Australia đã chính thức hoàn tất thủ tục phê chuẩn CPTPP và trở thành quốc gia thứ tư phê chuẩn văn kiện này.

Ba quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Nhật Bản, Singapore và Mexico. New Zealand và Canada chuẩn bị hoàn tất tiến trình thông qua. CPTPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi ít nhất 6 quốc gia thành viên phê chuẩn. (Theo TTXVN ngày 17/10)

Nhận định
chuyên gia

Công ty ADM Dịch vụ Đầu tư quốc tế - ADMISI (11/10):

Thị trường đường thế giới có thể sụt giảm trong niên vụ 2019/2020 sau hai năm dư thừa nguồn cung, do Brazil và EU cắt giảm sản lượng.

Cụ thể, trong niên vụ 2019/2020, thị trường đường bị thiếu hụt 2 triệu tấn, so với mức thặng dư khoảng 4 - 5 triệu tấn trong niên vụ 2018/2019.