Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 17-21/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng  -Lạm phát

Tăng trưởng

Nhật Bản: Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,9% trong tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019) và 1,3% vào tài khóa 2019, , do thiên tai và nhu cầu bên ngoài yếu gây sức ép lên nền kinh tế.

CPI trong tài khóa 2018 và tài khóa 2019 lần lượt tăng 1% và 1,1%, thấp hơn so với các mức tương ứng là 1,1% và 1,5%. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng được dự báo tăng 0,7% trong tài khóa 2018 và 1,2% trong tài khóa 2019. (Theo dự báo của Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 18/12) 

Campuchia: Nền kinh tế Campuchia dự kiến vẫn khởi sắc trong ngắn và trung hạn với mức tăng trưởng khoảng 7% mặc dù gặp bất ổn trong  hệ thống thuế ưu đãi mà một số đối tác thương mại dành cho nước này. 

Cụ thể, trong năm 2019, kinh tế Campuchia tăng trưởng khoảng 7,1%, nâng GDP của nước này lên 27,2 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 1.706 USD, tăng 9,1% so với năm 2018. Nền kinh tế Campuchia chủ yếu dựa vào hoạt động xuất khẩu hàng may mặc, xây dựng và bất động sản, du lịch và nông nghiệp. 

Ngành công nghiệp , chủ yếu là may mặc và xây dựng,  tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2019, trong khi lĩnh vực dịch vụ, chủ yếu là du lịch, vận tải, viễn thông, thương mại và bất động sản,  tăng trưởng  khoảng7% và nông nghiệp tăng trưởng khoảng 1,8%. (Theo Bộ trưởng Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth ngày 18/12) 

Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm tốc từ 6,5% trong năm 2018 xuống còn 6,2% trong năm 2019, khi những “cơn gió ngược” ngày một gia tăng.

Thách thức chủ đạo đối với các chính sách của Trung Quốc là việc quản lý rủi ro liên quan đến vấn đề thương mại, trong khi vẫn phải nỗ lực để hạn chế rủi ro tài chính. Tiêu dùng vẫn là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh đà tăng trưởng tín dụng yếu đi và ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư tại nước này. (Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới - WB ngày 10/12)

Nga: GDP tăng 1,7%; dự trữ vàng và dự trữ ngoại tệ tăng; lần đầu tiên kể từ năm 2011 Nga đạt được thặng dư ngân sách; lạm phát được duy trì ở mức hợp lý. Mức lương cũng như thu nhập thực tế của người dân Nga trong năm 2018 tăng 0,5% so với năm 2017. Ngành chế biến tăng trưởng 3,2%, công nghiệp nhẹ cũng phát triển nhanh hơn trước, trong đó sản xuất giày và quần áo tăng 9%. (Theo TTXVN ngày 21/12) 

Lạm phát:

Nhật Bản: Trong tháng 11/2018, CPI của Nhật Bản tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 1,4% của tháng 10/2018 và là mức thấp nhất trong 5 tháng qua, do chi phí lương thực và giao thông tăng chậm, trong khi chi phí nhà ở tiếp tục giảm. Lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) tăng 0,9%, thấp hơn so với mức tăng 1% của tháng 10/2018. (Theo Văn phòng Thống kê Nhật Bản ngày 21/12)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 17/12 - 22/12/2018, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 6,87%; 7,05% và 8,37% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (14/12/2018). Trong ngày giao dịch ngày 21/12/2018:

+ Dow Jones giảm 414,23 điểm (-1,81%), xuống 22.445,37 điểm.

+ S&P 500 giảm 50,8 điểm (-2,06%), xuống 2.416,62 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 195,41 điểm (-2,99%), xuống 6.331,99 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 4,07 điểm (-2,74%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (21/12/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 20,02 điểm (-0,79%), xuống 2.516,25 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 226,39 điểm (-1,11%), xuống 20.166,19 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 129,89 điểm (0,51%), lên 25.753,42 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 17/12 - 22/12/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 10,96% và 8,31%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (21/12/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 01/2019:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,29 USD (-0,64%), xuống 45,59 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,53 USD (-0,53%), xuống 53,83 USD/thùng.

Trong tuần (10 - 14/12), lượng dầu thô dự trữ của Hoa Kỳ đã giảm 497 nghìn thùng, thấp hơn so với mức giảm 2,4 triệu thùng theo dự báo của giới phân tích, trong khi lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu dùng để sưởi ấm, giảm 4,2 triệu thùng, trái ngược với dự báo tăng 573 nghìn thùng.

Nhu cầu đối với các sản phẩm dầu chưng cất đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 01/2003, qua đó thúc đẩy hoạt động mua vào. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 19/12)

Châu Âu

Châu Âu: Ngày 19/12, Liên minh châu Âu (EU) thông báo chính phủ các nước thành viên đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm kiểm soát hoạt động rửa tiền bằng cách tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng thông qua Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA).

Biện pháp cải cách đã được Ủy ban EU đưa ra hồi tháng 9, sau khi có nhiều quan ngại cho rằng quy định chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng không phải lúc nào cũng được giám sát và thực thi hiệu quả trên toàn EU. (Theo TTXVN ngày 20/12)

Italy: Italy đã đạt được thỏa thuận với Ủy ban châu Âu (EC) về kế hoạch ngân sách năm 2019. Theo kế hoạch ngân sách đã sửa đổi của Italy, mục tiêu thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 2,04% GDP, từ mức 2,4% GDP theo dự thảo ngân sách đưa ra trước đó. (Theo TTXVN ngày 19/12) 

Ukraine: Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản vay có đảm bảo trị giá 750 triệu USD cho Ukraine, đồng thời gọi đây là bằng chứng cho thấy "sự tiến bộ rõ ràng của Ukraine trên con đường cải cách".

Trong bốn năm qua, WB đã cung cấp tổng cộng 5,5 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có các khoản vay chính sách phát triển và nhiều hoạt động đầu tư. WB cũng ký với Ukraine một thỏa thuận đảm bảo khí đốt trị giá 500 triệu USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/12 đã thông qua thỏa thuận cho Ukraine vay 3,9 tỷ USD. Trong đó, Ukraine sẽ tiếp nhận khoản vay đầu tiên trị giá 1,4 tỷ USD vào ngày 25/12. Dự kiến IMF sẽ đưa quyết định liên quan đến hai đợt tiếp nhận tiếp theo lần lượt vào tháng 5 và 11/2019.

(Theo Reuters và Sputniknews ngày 18/12) 

Hy Lạp: Hy Lạp đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2019, với nhiều biện pháp “khắc khổ” hơn, ghi dấu ngân sách đầu tiên không có cứu trợ tài chính từ bên ngoài sau gần 10 năm. Dự thảo ngân sách mới sẽ vẫn chú trọng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nhằm đảm bảo Hy Lạp đạt thặng dư ngân sách, phù hợp với thỏa thuận giảm nợ với các chủ nợ quốc tế.

Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp đã dành khoản hỗ trợ 900 triệu EUR (1 tỷ USD) dưới hình thức cắt giảm thuế cũng như các chương trình an sinh xã hội nhằm hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn. Hy Lạp đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2,5% vào năm 2019, cao hơn so với 2,1% của năm 2018 và nợ giảm xuống còn 167,8% GDP vào năm 2019 từ 180,4% GDP trong năm 2018. (Theo TTXVN ngày 19/12)

Châu Á

Châu Á: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu đã chấp thuận 5 quốc gia châu Phi làm thành viên mới, cụ thể Libya, Algeria, Maroc, Ghana và Togo ở châu Phi, cùng với Serbia ở châu Âu, sẽ gia nhập AIIB. Như vậy tính tới nay, AIIB có tổng cộng 93 thành viên. 

AIIB bắt đầu hoạt động vào năm 2016 với 57 quốc gia, trong khi đối thủ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do Nhật Bản và Hoa Kỳ dẫn đầu, hiện có 67 thành viên.

(Theo Kyodo ngày 19/12) 

Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc đã công bố Phương hướng chính sách kinh tế năm 2019, trong đó dự báo kinh tế năm 2019 tăng trưởng khoảng 2,6 - 2,7%; đà tăng của xuất khẩu sẽ chững lại. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, giải ngân sớm 61% ngân sách trong nửa đầu năm nhằm phát triển kinh tế, giảm những rủi ro về thị trường việc làm và sức tiêu dùng trong nước. (Theo TTXVN ngày 17/12) 

Indonesia: Trong tháng 11/2018, thâm hụt thương mại của Indonesia là 2,05 tỷ USD, cao hơn so với mức thâm hụt 1,77 tỷ USD của tháng 10/2018 và 830 triệu USD theo dự báo của Reuters. Đây cũng là mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 7/2013. Kim ngạch xuất khẩu giảm 3,28% so với cùng kỳ năm 2017 xuống 14,83 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017, chủ yếu do sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng như dầu thô, dầu cọ, trang sức, bột giấy và giấy. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 11,68% lên 16,88 tỷ USD. (Theo Công ty Dữ liệu thị trường Refinitiv ngày 17/12)

Thái Lan: Trong tháng 11/2018, kim ngạch thương mại của Thái Lan thâm hụt 1,18 tỷ USD, trái ngược so với mức thặng dư 1,89 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017 và 0,89 tỷ USD theo dự báo của thị trường.

Kim ngạch nhập khẩu tăng 14,66% so với cùng kỳ năm 2017 lên 22,41 tỷ USD; trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm 0,95% xuống 21,23 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại của Thái Lan thặng dư 1,37 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức thặng dư 15,31 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017. (Theo Văn phòng Thống kê Thái Lan ngày 21/12)

Châu Mỹ

Chính phủ Canada ngày 18/12 đã tài trợ 1,6 tỷ CAD (1,2 tỷ USD) cho ngành dầu mỏ trong bối cảnh ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn do giá dầu thấp và thiếu hệ thống dẫn dầu  tới các thị trường mới ở nước ngoài.

Khoản tiền trên bao gồm tiền hỗ trợ trực tiếp và các khoản cho vay thúc đẩy xuất khẩu để hỗ trợ ngành dầu mỏ đa dạng hóa thị trường, đưa dầu đến nhiều thị trường khác ngoài Hoa Kỳ. Ngoài ra, Canada cũng đã có sẵn một khoản ngân quỹ bổ sung để giải quyết tình trạng đình trệ của hệ thống vận tải hàng hóa đường sắt. (Theo TTXVN ngày 19/12)

Trung Quốc

Trong tháng 11/2018, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 5/2003. Trong khi đó, sản lượng của các nhà máy và công xưởng chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn so với mức tăng 5,9% của tháng 10 và là mức tăng thấp nhất trong 33 tháng. (Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 14/12)

Bộ Tài chính Trung Quốc (14/12) thông báo sẽ tạm ngừng áp thuế bổ sung đối với ô tô nguyên chiếc và phụ tùng xe hơi nhập khẩu từ Hoa Kỳ (25% đối với 144 loại phụ tùng ô tô và 5% đối với 67 mẫu ô tô) trong ba tháng, bắt đầu từ ngày 01/01 - 31/3/2019.

Đây được xem là một bước đi nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng thương mại giữa hai nước. Bộ Tài chính Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng giới chức hai nước có thể đẩy nhanh tiến độ đàm phán nhằm dỡ bỏ toàn bộ các loại thuế bổ sung đối với hàng hóa của đối phương. (Theo TTXVN ngày 14/12)

Hoa Kỳ

Ngày 14/12, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) chính thức lùi kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 01/01/2019 sang ngày 02/3/2019. Quyết định này không ảnh hưởng đến mức thuế 25% đang được áp với số hàng hóa công nghệ trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm thiết bị bán dẫn, các thiết bị điện tử, máy móc và ô tô.

Theo ước tính của Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Hoa Kỳ, các biện pháp thuế quan của nước này đối với mặt hàng nhập khẩu liên quan đến công nghệ từ Trung Quốc làm tăng tiền thuế lên 1 tỷ USD/tháng. (Theo TTXVN ngày 15/12)

Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn dự luật cấp ngân sách tạm thời cho một số cơ quan liên bang, trong đó có Bộ An ninh nội địa, nhằm giúp duy trì hoạt động của các cơ quan này cho đến ngày 8/02/2019.

Dự luật trên giúp duy trì ngân sách tạm thời cho khoảng 25% hoạt động của Chính phủ. Tuy nhiên, Thượng viện không đề cập tới khoản chi 5 tỷ USD cho việc xây dựng bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ - Mexico như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu. (Theo TTXVN ngày 20/12)

Nhật Bản

Văn phòng Nội Các Nhật Bản giữ nguyên đánh giá rằng nền kinh tế nước này vẫn duy trì đà phục hồi vừa phải và tăng trưởng tháng thứ 73 liên tiếp trong tháng 12/2018; tiêu dùng tư nhân - chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản - cũng đang đi lên, trong khi chi tiêu doanh nghiệp cũng được duy trì nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 20/12)

Saudi Arabia

Saudi Arabia công bố ngân sách chi tiêu năm 2019 dự kiến tăng 7% lên 295 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang có dấu hiệu trì trệ do ảnh hưởng từ giá dầu thấp. Saudi Arabia quyết tâm thúc đẩy cải cách kinh tế, thắt chặt kỷ luật tài chính, tăng cường tính minh bạch và tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân. (Theo TTXVN ngày 19/12)

Đàm phán - Ký kết

Indonesia và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA:

Ngày 16/12, Indonesia và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA (gồm Thụy Sỹ, Liechtenstein, Na Uy và Iceland) đã ký thỏa thuận song phương nhằm tăng cường thương mại và đầu tư sau gần 8 năm đàm phán. Theo thỏa thuận, Indonesia và các quốc gia thuộc EFTA sẽ xóa bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng nghìn loại sản phẩm xuất khẩu sang đối tác.

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Indonesia là dầu cọ, thủy sản, cà phê và hàng dệt may sẽ được hưởng các ưu đãi khi vào thị trường các nước EFTA. Ngược lại, các sản phẩm chính của các đối tác EFTA như vàng, dược phẩm và các sản phẩm từ sữa sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận thị trường Indonesia. (Theo TTXVN ngày 17/12)

 

Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU):

Ngày 17/12, đại diện khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kinh tế và thương mại, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, hội nhập, cũng như tạo cơ hội kinh doanh giữa hai khối - hiện chiếm hơn 6,5% GDP toàn cầu.

Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế của EAEU, bà Veronika Nikishina đánh giá đây là bước tiến đầu tiên trong việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa Mercosur và EAEU. (Theo TTXVN ngày 17/12)

Chính sách

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) ngày 19/12 thông báo tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm từ 2,25% lên 2,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Đây là lần nâng lãi suất thứ tư trong năm nay của Fed và theo dự báo sẽ có hai đợt nâng lãi suất trong năm 2019, thay vì ba đợt như Fed dự đoán hồi tháng 9. (Theo TTXVN ngày 20/12)