Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 18-23/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng:

- Eurozone: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone đạt 2,4% trong năm 2017; 2,3% vào năm 2018 và 1,9% vào năm 2019, cao hơn so với các mức tăng tương ứng là 2,2%, 1,8% và 1,7% (dự báo tháng 9/2017). Tuy nhiên,Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB vẫn triển khai các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Eurozone do lo ngại khu vực này không đạt được chỉ tiêu lạm phát 2% - mức được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của Eurozone vào năm 2020. (Theo dự báo của ECB ngày 14/12)

- Anh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm 2017 đạt 1,6%, thấp hơn so với mức tăng 1,7% (dự báo tháng 10/2017), năm 2018 giữ nguyên ở mức 1,5%. Theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF Christine Lagarde, tăng trưởng kinh tế Anh đang chậm lại do hậu quả của quyết định rời khỏi EU (Brexit), trong khi những diễn biến của tiến trình đàm phán Brexit chưa chắc chắn. Tuy nhiên, nếu Anh và EU đạt được một thỏa thuận giảm tối thiểu các rào cản thuế quan và phi thuế quan, bảo đảm các doanh nghiệp có thể tiếp cận được lao động mà họ cần thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng. (Theo dự báo của IMF ngày 20/12)

- Hoa Kỳ: Trong quý III/2017, kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 3,2%, thấp hơn so với mức tăng 3,3% (ước tính đưa ra vào tháng 11/2017), tuy nhiên đây là mức tăng nhanh nhất kể từ quý I/2015 và là lần đầu tiên kể từ năm 2014, kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng trên 3% trong 2 quý liên tiếp. Trong khi đó, tổng thu nhập quốc nội (GDI) tăng 2%, thấp hơn so với mức tăng 2,5% (ước tính đưa ra vào tháng 11/2017).

(Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 21/12)

- Pháp: Trong năm 2017, GDP của Pháp tăng trưởng 1,9%, cao hơn so với mức tăng 1,8% (dự báo đưa ra trước đó) và nền kinh tế Pháp có thể tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng trong năm 2018, do nhu cầu nội địa và đầu tư tăng mạnh. (Theo dự báo của Văn phòng Thống kê Quốc gia Pháp - Insee ngày 19/12)

- Đức: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức đạt 2,6% trong năm 2017 và 2,5% trong năm 2018, cao hơn so với các mức tăng tương ứng là 1,9% và 1,7% (dự báo đưa ra trước đó), do nhu cầu tiêu dùng trong nước và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và rủi ro toàn cầu của các công ty trong các ngành chế tạo và chế biến giảm. Tuy nhiên, Bundesbank cũng cảnh báo đà tăng trưởng này sẽ chậm lại trong những năm tiếp theo (1,6 - 1,9% vào năm 2019) do tình trạng thiếu hụt lao động tại nước này.(Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Đức - Bundesbank ngày 15/12)

- Trung Quốc:

+ Ngân hàng Thế giới - WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2017 lên 6,8%, cao hơn so với mức tăng 6,7% (dự báo tháng 10/2017), nhờ chi tiêu tiêu dùng cá nhân cũng như thương mại quốc tế của Trung Quốc gia tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong hai năm 2018 và 2019 được giữ nguyên ở các mức lần lượt là 6,4% và 6,3%, do chính sách tiền tệ thắt chặt và nỗ lực của nước này trong việc hạn chế tín dụng cũng như kiểm soát các tác động đòn bẩy khác. (Theo WB ngày 19/12)

+ Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,8% trong năm 2017 và giảm xuống 6,7% trong năm 2018,do hoạt động đầu tư của Chính phủ tăng trưởng chậm lại, giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo nước này đang xác định lại động lực tăng trưởng. Mức tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định (FAI) giảm xuống 6,3% trong năm 2018, thấp hơn so với 7,2% trong 11 tháng đầu năm 2017. (Theo Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - CASS ngày 20/12)

- Nhật Bản: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm tài chính 2017 (kết thúc ngày 31/3/2018) và 2018 đạt 1,9% và 1,8%, cao hơn các mức tương ứng là 1,5% và 1,4% (dự báo đưa ra trước đó), do sự phục hồi của xuất khẩu đã thúc đẩy sản xuất trong nước. (Theo dự báo của Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 19/12)

Lạm phát:

- Eurozone: Trong năm 2017, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone sẽ giảm từ 1,5% xuống 1,4% vào năm 2018 và tăng lên 1,7% vào năm 2019, thấp hơn so với mục tiêu lạm phát 2%. (Theo dự báo của ECB ngày 14/12)

- Nhật Bản: Trong năm tài chính 2017, lạm phát tiêu dùng chỉ đạt 0,7% và 1,1% trong năm tài chính 2018, là thách thức đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong việc thúc đẩy lạm phát tăng lên mức mục tiêu 2%. (Theo dự báo của Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 19/12)

- Malaysia: Trong tháng 11/2017, lạm phát của Malaysia tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức tăng 3,7% của tháng 10/2017 và phù hợp với dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 7/2017, do chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn, giao thông vận tải, nhà ở và dịch vụ tiện ích giảm. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 20/12)

- Canada: Trong tháng 11/2017, lạm phát của Canada tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức tăng 1,4% của tháng 10/2017 và 2% theo kỳ vọng của thị trường. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2017 do giá xăng dầu và thực phẩm tăng cao. Lạm phát lõi (không bao gồm các hàng hóa có giá biến động) tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức tăng 0,9% của tháng 10/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 21/12)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư lạc quan về chương trình cải cách thuế tại Hoa Kỳ.Tính chung cả tuần (18/12 - 22/12/2017), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,42%; 0,29% và 0,34% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (08/12/2017).Trong ngày giao dịch ngày 22/12/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq giảm 5,4 điểm (-0,08%) xuống 6.959,96 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 giảm 1,23 điểm (-0,05%) xuống 2.683,34 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones giảm 28,23 điểm (-0,11%) xuống 24.754,06 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,5 điểm (1,46%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (22/12/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 10,71 điểm (0,44%) lên 2.440,54 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 36,66 điểm (0,16%) lên 22.902,76 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 51,17 điểm (0,2%) lên 6.069,7 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 210,95 điểm (0,72%) lên 29.578,01 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 2,7 điểm (-0,08%) xuống 3.297,36 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 18/12 - 22/12/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 2,04%; 3,19%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (22/12/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 01/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,11 USD (0,19%) lên 58,47 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,35 USD (0,54%) lên 65,25 USD/thùng.

Trong tuần từ ngày 11 - 15/12, dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ giảm 6,5 triệu thùng, cao hơn so với mức giảm 3,6 triệu thùng (dự báo của các chuyên gia phân tích). Lượng dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ, không tính kho dự trữ dầu chiến lược là 436,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015, do nước này đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và một số nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nỗ lực hạn chế nguồn cung.(Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 20/12)

Châu Á

- Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập quỹ trị giá 1.000 tỷ KRW (918 triệu USD) để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn tại nước này, đây một phần trong nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp theo định hướng thị trường. Theo kế hoạch, 8 ngân hàng quốc doanh và ngân hàng bán lẻ Hàn Quốc sẽ huy động 500 tỷ KRW đến hết tháng 02/2018, được gọi là các quỹ “mẹ”.

500 tỷ KRW còn lại sẽ được huy động từ các nhà đầu tư tư nhân, phần lớn là từ các quỹ cổ phần tư nhân, được gọi là các quỹ “con”. Theo Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC), cơ cấu quỹ “mẹ - con” nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường tái cơ cấu doanh nghiệp. Các quỹ đầu tư “con” sẽ được phép chọn lựa mục tiêu đầu tư mà không có sự can thiệp từ các quỹ “mẹ”. (Theo FSC ngày 18/12)

- Singapore: Trong tháng 11/2017, Singapore đạt thặng dư thương mại 4,35 tỷ SGD, cao hơn so với mức thặng dư 4,17 tỷ SGD của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 44,91 tỷ SGD, do xuất khẩu các sản phẩm điện tử và phi điện tử đều tăng cao; kim ngạch nhập khẩu tăng 10,7% lên 40,56 tỷ SGD. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 18/12)

Hoa Kỳ

Trong quý III/2017, thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ là 100,6 tỷ USD (2,1% GDP), thấp hơn so với mức thâm hụt 124,4 tỷ USD (2,6% GDP) của quý II/2017 và 116,8 tỷ USD theo dự báo của thị trường. Đây cũng là mức thâm hụt tài khoản vãng lai thấp nhất kể từ quý III/2014, cho thấy nỗ lực của nước này trong việc giảm thâm hụt tài khoản vãng lai. (Theo Văn phòng Phân tích kinh tế Hoa Kỳ - BEA ngày 19/12)

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật cải cách thuế lớn nhất nước này trong vòng 30 năm qua. Dự luật cải cách sẽ cắt giảm thuế cho 95% người dân Hoa Kỳ trong năm 2018, nhưng mức giảm thuế trung bình cho thành phần có thu nhập cao nhất vượt xa mức giảm thuế cho những người có thu nhập thấp. Dự luật này sẽ hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc y tế giá rẻ và tăng mức nợ liên bang lên gần 1.500 tỷ USD trong thập niên tới.(Theo TTXVN ngày 20/12)

Trung Quốc

Tính chung 11 tháng năm 2017:

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc Đại lục đạt 803,62 tỷ NDT, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng 1,9% của 10 tháng đầu năm 2017. Tính riêng tháng 11/2017, FDI vào thị trường Trung Quốc Đại lục đạt gần 125 tỷ NDT (19 tỷ USD), tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2016, do số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập mới tăng nhanh (tăng 161,5% lên 4.641 doanh nghiệp).

- Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phi tài chính (ODI) của Trung Quốc đạt 107,55 tỷ USD, giảm 33,5% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức giảm 40,9% trong 10 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, hoạt động ODI của Trung Quốc vào các quốc gia nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến “Vành đai và con đường” tiếp tục được mở rộng với 12,37 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng lượng ODI của Trung Quốc và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Bộ Thương mạiTrung Quốc ngày 14/12)

Trong tháng 10/2017, giá thép xuất khẩu của Trung Quốc đạt 798,8 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ tháng 02/2014 và đạt mức trung bình 700,8 USD/tấn trong 10 tháng năm 2017, tăng 211 USD (43%) so với cùng kỳ năm 2016, do sự cải thiện cả về cơ cấu và chất lượng trong các hoạt động xuất khẩu thép của Trung Quốc.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thành viên của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc - CISA đã đạt mức lợi nhuận bình quân 4,41%, cao hơn so với 2,77% trong quý I/2017, nhờ những nỗ lực cắt giảm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất - bộ phận chủ chốt trong chính sách cải cách cơ cấu nguồn cung của Chính phủ Trung Quốc. (Theo CISA ngày 18/12)

Trung Quốc đã ban hành điều lệ về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty tư nhân, trong bối cảnh Chính phủ nước này đang nỗ lực ngăn chặn những hoạt động đầu tư rủi ro. Điều lệ khuyến cáo các hoạt động đầu tư ra nước ngoài cần nằm trong khả năng tài chính và năng lực của công ty, tuân thủ luật pháp và các quy định về thuế của địa phương sở tại, cũng như các hoạt động có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc - NDRC cũng đang xem xét đưa ra điều lệ tương tự đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đưa ra một “danh sách đen” những nhà đầu tư vi phạm pháp luật. (Theo NDRC ngày 19/12)

Nhật Bản

Trong tháng 11/2017, Nhật Bản đạt thặng dư thương mại 113,4 tỷ JPY (1 tỷ USD). Đây là tháng thặng dư thương mại thứ sáu liên tiếp của Nhật Bản. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6.920,4 tỷ JPY, do xuất khẩu các thiết bị chế tạo bán dẫn sang Trung Quốc và ô tô sang Hoa Kỳ tăng cao; kim ngạch nhập khẩu tăng 17,2% lên 6.807 tỷ JPY, trong đó nhập khẩu dầu thô tăng 28,3% lên 634 tỷ JPY.(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 18/12)

Trong tháng 12/2017, chỉ số đo lường niềm tin của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo tại Nhật Bản đạt +25 điểm, tăng 3 điểm so với kết quả khảo sát tháng 9/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2006, nhờ sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế nước này. (Theo báo cáo của BoJ ngày 15/12)

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) ước tính sẽ giúp GDP của Nhật Bản tăng thêm 13.000 tỷ JPY (114 tỷ USD), tương đương 2,5% GDP thực tế của Nhật Bản trong tài khóa 2016.

Trong đó, khoảng 7.800 tỷ JPY sẽ đến từ CPTPP và 5.200 tỷ JPY đến từ FTA với EU. Mặc dù được dự báo sẽ tạo ra 752.000 việc làm mới bằng cách thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư, hai hiệp định nói trên sẽ làm giảm 260 tỷ JPY giá trị sản lượng hằng năm của các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ ban hành các biện pháp nhằm củng cố khu vực nông nghiệp vốn được bảo hộ mạnh mẽ tại nước này.(Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 21/12)

Anh

Các công ty và doanh nghiệp tại nước này đang có kế hoạch tuyển dụng thêm nhiều lao động và tăng lương cao hơn trong năm 2018. Cụ thể, 51% các nhà tuyển dụng dự định sẽ mở rộng nguồn nhân lực của họ, cao hơn so với mức 41% (khảo sát năm 2016); hơn 50% các công ty và doanh nghiệp dự định tăng lương tương đương mức lạm phát hàng hóa bán lẻ, đồng nghĩa với việc tăng khoảng 3%, cao hơn so với mức tăng 2,5% của năm 2017.

Tuy nhiên, gần 60% công ty và doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định rằng nước Anh sẽ trở thành một địa điểm kinh doanh kém hấp dẫn hơn trong 5 năm tới, ảnh hưởng đến nỗ lực của Chính phủ Anh trong việc trấn an các nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh tại nước này trước khi đàm phán Brexit kết thúc. (Theo khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp Anh - CBI ngày 19/12)

Ai Cập

Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (20/12) thông qua kế hoạch giải ngân thứ 3 trị giá 2 tỷ USD cho Ai Cập. Khoản tiền này nằm trong gói vay có tổng trị giá 12 tỷ USD trong thời hạn 3 năm được Ai Cập và IMF thỏa thuận hồi tháng 11/2016 để hỗ trợ Ai Cập phục hồi kinh tế.

Như vậy, với kế hoạch giải ngân thứ 3 này, Ai Cập nhận được tổng cộng 6 tỷ USD, tương đương 50% gói vay. Quyết định giải ngân trên được đưa ra sau khi IMF ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Ai Cập trong tiến trình cải cách kinh tế, tập trung vào một số lĩnh vực như thuế, cắt giảm trợ cấp ngành năng lượng và tiền tệ. (Theo IMF ngày 20/12)

Nhận định chuyên gia

Một số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Đức nhận định (20/12):

Chính sách cải cách thuế của Hoa Kỳ tạo ra các nguy cơ rủi ro đối với hoạt động đầu tư và thị trường việc làm của Đức, do mức thuế doanh nghiệp trung bình của hầu hết các nước thành viên Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) hiện nay là 25%, trong khi các doanh nghiệp, tập đoàn Hoa Kỳ lại được hưởng mức thuế 21% sau khi được điều chỉnh từ mức 35%.

Vì vậy, Đức cần có biện pháp ứng phó kịp thời bằng cách giảm gánh nặng tài chính cho các công ty đang hoạt động tại nước này, đồng thời có hình thức trợ cấp mới cho các nghiên cứu do các công ty vừa và nhỏ thực hiện.

Chính sách

- Nga: Ngân hàng Trung ương Nga ngày 15/12 quyết định hạ lãi suất chủ chốt 0,5 điểm phần trăm, từ 8,25% xuống 7,75%, trong bối cảnh lạm phát trong nước ở mức thấp kỷ lục. Mức giảm trên cao hơn so với mức giảm 0,25 điểm phần trăm theo dự báo của các nhà phân tích. Đây là lần thứ sáu Ngân hàng Trung ương Nga giảm lãi suất kể từ đầu năm 2017.

Lạm phát của Nga hiện ở mức 2,5% và dự báo sẽ dần tiến tới mức 4% vào cuối năm 2018. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ “điều chỉnh dần từng bước” khi nước này vẫn còn rủi ro lạm phát trong trung hạn. (Theo Ngân hàng Trung ương Nga ngày 15/12)

- Nhật Bản: Ngày 21/12, BoJ quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm khoảng 0%, đồng thời tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện hành do lạm phát vẫn cách xa mục tiêu 2%, mặc dù kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn tăng trưởng vững chắc. (Theo BoJ ngày 21/12)