Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 08-13/10/2018
KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM |
Nội dung |
Tổng cung |
|
Tăng trưởng |
Với kết quả tăng trưởng GDP 6,88% trong quý III, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2018 có thể đạt mục tiêu 6,5 - 6,7%, thậm chí vượt 6,8%. Bên cạnh đó, chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được trong trường hợp không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV. (Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR ngày 10/10) |
Tăng trưởng kinh tế dự kiến của khu vực ASEAN 5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam) sẽ đạt 5,3% trong năm 2018, trước khi giảm xuống 5,2% vào năm 2019. Riêng với Việt Nam, IMF vẫn duy trì các dự báo được đưa ra vào tháng 7/2018, với tăng trưởng GDP năm 2018 và 2019 dự kiến lần lượt đạt 6,6% và 6,5%. Lạm phát sẽ tăng khoảng 3,8% trong năm 2018 và tăng nhẹ lên 4% vào năm 2019, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ổn định 2,2% trong 2 năm tới. (Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu - WEO do Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF công bố ngày 09/10) |
|
Tại Báo cáo “Việt Nam - tăng trưởng nhanh nhưng không nguy hiểm”, Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7% trong năm 2018, nhờ khu vực sản xuất hàng điện tử có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ và hoạt động tiêu dùng gia tăng. Lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng chính trong nửa cuối năm nay. Việt Nam có thể tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019. (Theo vtv.vn ngày 08/10) |
|
Ngân hàng UOB (Singapore) ngày 09/10 dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 6,9%, tăng so với mức dự báo 6,8% trước đó. Động lực thúc đẩy tăng trưởng đến từ hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng; hoạt động sản xuất công nghiệp được thúc đẩy nhờ việc tiếp nối mở rộng của các doanh nghiệp đa quốc gia trong phân khúc các ngành có nhu cầu cao về nhân lực, xuất khẩu, sản xuất và chế biến. |
|
Sản xuất công nghiệp |
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 9/2018 đạt 18,4 tỷ kWh (trung bình 614,8 triệu kWh/ngày); lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 163,5 tỷ kWh, tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lũy kế 9 tháng đạt khoảng 143 tỷ kWh, tăng 10,13% so cùng kỳ năm 2017; trong đó, sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 10,21%. (Theo EVN ngày 10/10) |
Tính đến thời điểm 15h ngày 06/10, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn khoảng 1.700 tỷ đồng, giảm 230 tỷ đồng so với lần công bố cách đây hai tuần (ngày 21/9) là 1.930 tỷ đồng. Trước đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ 15h ngày 06/10. Theo đó, xăng E5 RON92 tăng 675 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 577 đồng/lít, trong khi dầu diesel 0.05S tăng 485 đồng/lít, dầu hỏa tăng 403 đồng/lít và dầu mazút 3.5S tăng 752 đồng/kg. (Theo Petrolimex ngày 06/10) |
|
Doanh nghiệp |
Hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2018 tăng cao hơn so với năm 2017. Cụ thể, 88,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị trong năm 2018 tăng trưởng dương so với năm 2017; 5,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận “không đổi” và 6,4% TCTD lo ngại lợi nhuận “suy giảm”. Lợi nhuận toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 18,63% trong năm 2018, thấp hơn so với mức 19,05% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2018 nhưng cao hơn nhiều so với mức 13,63% của cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, 80% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện trong quý IV/2018 và 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2018 cải thiện hơn so với năm 2017. Trong đó 23 - 30,5% TCTD kỳ vọng cải thiện nhiều. (Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành tháng 9/2018) |
Tổng cầu |
|
Đầu tư |
Tính đến tháng 8/2018 đã có hơn 26.500 dự án FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực FDI đóng góp gần 20% GDP, trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng đầu năm 2018. Số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Tính đến nay, khu vực FDI đã tạo gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp khác. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 04/10) - Ngân hàng Standard Chartered nhận định dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và 2020, với tổng vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm và sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử trong trung hạn. (Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 06/10) |
Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư mới vào Việt Nam và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Lũy kế đến đầu tháng 4/2018, Nhật Bản có 3.693 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 49,8 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực và là cơ sở để tin tưởng rằng đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong những năm tới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. (Theo TTXVN ngày 05/10) |
|
Ngân sách |
Tính đến ngày 30/9, cơ quan thuế đã thu được 25.382 tỷ đồng tiền nợ thuế, bằng 60,9% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2017. Trong số này, cơ quan thuế đã thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.079 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 8.303 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền nợ thuế, đặc biệt là nợ thuế khó đòi, tăng mạnh. Tổng số tiền nợ thuế của 63 cục thuế ước tính đến ngày 30/9 là 82.961 tỷ đồng, tăng 9.817 tỷ đồng (tăng 13,4%) so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, nợ tiền thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 48.019 tỷ đồng (tăng 15,1% so với 31.12.2017), nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng (tăng 10,6%). (Theo Tổng cục Thuế ngày 08/10) |
Trong số gần 1.084 tỷ đồng nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất vừa được Cục Thuế thành phố Hà Nội công khai, tổng số nợ của 181 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt gần 1.084 tỷ đồng. Trong đó, 8 doanh nghiệp nợ trên 749 tỷ đồng tiền sử dụng đất (tính tới hết ngày 30/9) và 173 doanh nghiệp nợ thuế, phí với số tiền gần 335 tỷ đồng (số nợ tính đến ngày 31/8). Trước đó trong năm 2018, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã đăng công khai 1.446 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 5.266 tỷ đồng. Sau công khai, đã có 452 doanh nghiệp và dự án nộp 250 tỷ đồng. (Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội ngày 11/10) |
|
Lũy kế 9 tháng: - Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 962.500 tỷ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 763.600 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017; thu từ dầu thô đạt 48.100 tỷ đồng, bằng 134% dự toán, tăng 42,5%; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 223.000 tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán, tăng 4,2%. - Tổng chi ngân sách nhà nước đạt trên 989.300 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng chi thường xuyên là trên 690.000 tỷ đồng, bằng 73,4% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Bộ Tài chính ngày 09/10) |
|
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 3/10, thu ngân sách ngành hải quan đạt 229.244 tỷ đồng, bằng 78,24% chỉ tiêu phấn đấu (293.000 tỷ đồng), tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2017. Yếu tố góp phần tăng thu là kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước 9 tháng qua đạt hơn 352 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ; tăng thu từ xăng dầu. Ngoài ra, tính từ đầu năm đến ngày 15/9, cơ quan hải quan đã thực hiện 5.537 cuộc kiểm tra sau thông quan; ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là hơn 1.625 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017 thu vào ngân sách 1.563 tỷ đồng, đạt 70% chỉ tiêu năm nay (2.235 tỷ đồng), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 10/10) |
|
Xuất - nhập khẩu |
Tháng 9/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 21,125 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng lên 179,467 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 9 đạt 19,513 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng lên 173,143 tỷ USD, tăng 11,6%. Trong tháng 9, thặng dư thương mại đạt 1,982 tỷ USD, cao hơn gần 1,3 tỷ USD, đưa thặng dư thương mại 9 tháng lên 6,324 tỷ USD . Đây là mức thặng dư cao kỷ lục trong 5 năm gần đây. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 10/10) |
Tháng 9/2018, lượng thủy sản xuất khẩu đạt 170 nghìn tấn, trị giá 780 triệu USD, giảm 8,83% về lượng, nhưng tăng 1,1% về trị giá so với tháng 9/2017. Tính chung 9 tháng năm 2018, xuất khẩu thủy sản đạt 1,46 triệu tấn, trị giá 6,37 tỷ USD, giảm 1,23% về lượng, nhưng tăng 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm 2018 đến nay, xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là cá tra, basa và tôm các loại chỉ tăng nhẹ về lượng so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu mặt hàng surimi, cá khô lại tăng mạnh. (Theo Bộ Công Thương ngày 08/10) |
|
Lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam trong tháng 9/2018 đạt trên 11.500 chiếc, tăng 16,3% so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng, tổng lượng xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam là 40.295 chiếc, trị giá gần 923 triệu USD, giảm 43,7% về lượng và 40,4% về trị giá. Riêng về linh kiện, phụ tùng ô tô, Việt Nam đã nhập hơn 308 triệu USD mặt hàng này trong tháng 9, tăng 1% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng, lượng hàng trên nhập vào Việt Nam đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017. Với xe máy và linh kiện, phụ tùng, trong tháng 9 đã có lượng hàng trị giá 52,5 triệu USD nhập vào Việt Nam, giảm 14,2% so với tháng 8. Tuy nhiên, tính cả 9 tháng, Việt Nam đã nhập trên 445 triệu USD các mặt hàng trên, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 10/10) |
|
Trong tuần 28/9 - 04/10, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đạt 3.465 chiếc, tương ứng đạt 65,2 triệu USD. Trung bình mỗi chiếc xe nhập về Việt Nam có trị giá khai báo là 18.830 USD/chiếc (khoảng hơn 440 triệu đồng/chiếc). Trong đó, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 2.122 chiếc, Indonesia có 952 chiếc, còn lại từ Mexico là 241 chiếc và Trung Quốc với 111 chiếc. Tính chung xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ 4 thị trường này chiếm 99% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tuần. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/10) |
|
Tính đến đầu tháng 10/2018, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,82 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu sang Nhật Bản 141 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian này chủ yếu là: Dệt may đạt 537 triệu USD; phương tiện vận tải đạt 365,2 triệu USD; máy móc thiết bị gần 259 triệu USD… (Theo Bộ Công Thương ngày 05/10) |
|
Tính đến hết quý III, Việt Nam đã nhập khẩu 6,244 tỷ USD xăng dầu các loại, với lượng nhập khoảng 8,5 triệu tấn, tăng 23,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, trong nửa đầu năm, lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa đạt khoảng 4,43 triệu m3, trong đó xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 40,18% và xăng RON95 đạt khoảng 2,65 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 59,82%. Như vậy, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đã tăng khoảng 31,18% so với năm 2017 (năm 2017 xăng E5 RON92 chỉ tiêu thụ được khoảng 9% tổng lượng xăng các loại). (Theo Bộ Công Thương ngày 11/10) |
|
Trong tháng 9/2018, Việt Nam đã chi 75 triệu USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế đến hết quý III/2018, cả nước đã chi 746 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này, tăng 3,8% so với cùng kỳ của năm 2017. (Theo Bộ Công Thương ngày 12/10) |
|
Cân đối vĩ mô |
|
Giá vàng |
Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá; 2 ngày giảm giá và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 13/10 so với ngày 12/10, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng: - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,47 - 36,61 triệu đồng/lượng, không thay đổi ở chiều mua vào nhưng giảm 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. - Doji: 36,46 - 36,54 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng tăng 10 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. |
Tỷ giá |
Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 1 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 13/10, tỷ giá trung tâm là 22.721 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 12/10; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng/giảm trái chiều so với ngày 12/10 như sau: - Vietcombank: 23.305 - 23.385 VND/USD, không thay đổi. - BIDV: 23.300 - 23.380 VND/USD, giảm 10 đồng. - Techcombank: 23.280 - 23.385 VND/USD, tăng 5 đồng. |
Thị trường tài sản |
|
Chứng khoán |
Trong tháng 9/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 289 nhà đầu tư nước ngoài, gồm 41 tổ chức và 248 cá nhân. Lượng nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch liên tục sụt giảm trong vài tháng trở lại đây và tháng 9 ghi nhận con số thấp nhất kể từ đầu năm. VSD đã chấp thuận thay đổi thông tin cho 42 nhà đầu tư nước ngoài với 9 tổ chức và 33 cá nhân. Đồng thời hủy mã số giao dịch chứng khoán cho 4 nhà đầu tư nước ngoài gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân. Lũy kế đến cuối tháng 9, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt 2.097.518 tài khoản, trong đó, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 2.088.476 tài khoản và số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tổ chức là 9.042 tài khoản. Số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài đạt 27.412 tài khoản, trong đó, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 24.204 tài khoản và số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tổ chức là 3.208 tài khoản. (Theo VSD ngày 09/10) |
Cổ phiếu |
9 tháng đầu năm 2018, khối ngoại đã mua vào 4,2 tỷ cổ phiếu, trị giá 217.600 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 3,87 tỷ cổ phiếu, trị giá 186.700 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 301 triệu cổ phiếu, trị giá 30.880 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng rất mạnh ở sàn HOSE. (Theo VSD ngày 09/10) |
Standard Chartered phát hành thành công đợt trái phiếu đầu tiên của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ (Hoàn Mỹ) trị giá 2.330 tỷ đồng với 2 kỳ hạn và lãi suất cố định. Đợt phát hành được bảo lãnh thanh toán bởi Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (Credit Guarantee and Investment Facility - CGIF), một quỹ đầu tư tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được S&P đánh giá tín nhiệm hạng AA trên toàn cầu. Đợt phát hành trái phiếu trị giá 2.330 tỷ đồng của Hoàn Mỹ có tổng lệnh đặt mua cao gấp 2,5 lần so với số lượng phát hành và có lãi suất cố định ở mức 6,64%/năm cho kỳ hạn 5 năm và 6,74% cho kỳ hạn 7 năm. (Theo Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam ngày 09/10) |
|
Trong tuần từ ngày 08 - 12/10/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần: - VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 22,87 điểm (2,42%) lên 968,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 233,33 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.254,66 tỷ đồng/ngày. - HNX-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 2,55 điểm (2,38%) lên 109,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 59,01 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 787,03 tỷ đồng/ngày. - Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,71 điểm (1,37%) lên 52,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 20,61 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 350,1 tỷ đồng/ngày. |
|
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,19 triệu đơn vị, trị giá 543,25 tỷ đồng. - HOSE: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng và 4 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 4,53 triệu đơn vị, trị giá 530,14 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 105,29 triệu đơn vị, trị giá 10.745,65 tỷ đồng). - HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 3,18 triệu đơn vị, trị giá 50,42 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 569.668 đơn vị, trị giá bán ròng 9,07 tỷ đồng). - UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2,84 triệu đơn vị, trị giá 63,53 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 78.584 đơn vị, trị giá mua ròng 3,35 tỷ đồng). |