Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 12-17/11/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Tăng trưởng

Sau 32 năm đổi mới (1986 - 2017), nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 6,6%, giai đoạn tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 1992 - 1997 với mức tăng GDP 8,1 - 9,5%.

Sau 28 năm (1989 - 2017), quy mô nền kinh tế đã tăng 34,3 lần, từ 6,3 tỷ USD lên 216 tỷ USD. Nếu tính trong vòng 22 năm trở lại đây (1995 - 2017) thì quy mô nền kinh tế tăng 10,4 lần từ mức 20,8 tỷ USD lên 216 tỷ USD, giúp Việt Nam đứng vị trí thứ 47 nền kinh tế thế giới.

Từ năm 2008, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, với thu nhập bình quân đầu người 1.154 USD/người/năm và tăng lên 2.306 USD/người/năm vào năm 2017.

Trong 22 năm qua (1995 - 2017), thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 2 lần trong 10 năm qua (2008 - 2017). (Theo GS. Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/11)

Doanh nghiệp

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 08/11 đã điều chỉnh triển vọng 12 - 18 tháng kế tiếp đối với hệ thống ngân hàng ở Việt Nam từ mức “tích cực” sang “ổn định”.

Việc điều chỉnh triển vọng trên dựa vào đánh giá của Moody’s về 6 yếu tố gồm môi trường hoạt động (ổn định); rủi ro tài sản (đang được cải thiện), vốn (ổn định); sự cấp vốn và khả năng thanh khoản (ổn định); lợi nhuận và tính hiệu quả (được cải thiện); sự hỗ trợ của Chính phủ (ổn định).

Về môi trường hoạt động, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ môi trường hoạt động của các ngân hàng.

Về chất lượng tài sản, các ngân hàng Việt Nam sẽ chứng tỏ được sự cải thiện trong 12 - 18 tháng kế tiếp, do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp năng lực trả nợ của người đi vay được cải thiện, qua đó giúp các ngân hàng đẩy nhanh việc xóa sổ các tài sản có vấn đề lâu nay.

Tính đến ngày 14/11/2018, tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong các văn bản là 2.204, trong đó, sửa đổi 542 điều kiện (chiếm 24,59%), bổ sung 98 điều kiện (chiếm 4,45%), bãi bỏ 771 điều kiện (chiếm 34,98%), thay thế 11 điều kiện (chiếm 5,04%) và có 29 điều kiện mới (chiếm 1,32%).

Như vậy, số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ và sửa đổi chiếm 59,57% số điều kiện kinh doanh đã qua xử lý, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ (bãi bỏ, sửa đổi 50% điều kiện kinh doanh). Tuy nhiên, nếu tính trên tổng số điều kiện kinh doanh hiện có (gần 5.000 điều kiện) thì số điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm, đơn giản hóa còn khoảng 3.000.

Như vậy, tỷ lệ điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi chỉ đạt khoảng 25 - 30%. Các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh mang lại tác động không đồng đều. (Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM ngày 14/11)

Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Năm 2018, tổng tài sản đạt khoảng 390.717 tỷ đồng, tăng bình quân 18%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 là 16%.

Tổng số tiền đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm đạt khoảng 324.644 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 19%/năm. Tổng dự phòng nghiệp vụ đạt khoảng 247.500 tỷ đồng, tăng 21%/năm. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt khoảng 82.584 tỷ đồng, tăng 13%/năm.

Tổng doanh thu bảo hiểm đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 23%/năm. Tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường là 1.300 sản phẩm, trong đó có 850 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và 450 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. (Theo Bộ Tài chính ngày 14/11)

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công khai danh sách 125 đơn vị nợ thuế, phí với số nợ hơn 110 tỷ đồng. Theo đó, có 102 doanh nghiệp nợ thuế, phí (công khai lần đầu) tại kỳ khóa sổ ngày 30/9/2018 với tổng số nợ gần 58 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo danh sách được Cục Thuế Hà Nội công khai từ các năm trước (năm 2015, 2016 và 2017), thì có 23 doanh nghiệp vẫn nợ hơn 53 tỷ đồng tiền thuế.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã đăng công khai 1.627 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ 6.350 tỷ đồng. Kết quả sau khi đăng công khai đã có 660 doanh nghiệp và dự án nộp 517 tỷ đồng. (Theo Vneconomy ngày 15/11)

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 15/11 đã ký biên bản chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ủy ban.

Đây là lễ ký kết thứ 5 giữa Ủy ban với các bộ và cũng là lễ ký kết cuối cùng để hoàn tất quá trình tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trước đó, ngày 11/11, Bộ Công Thương đã bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty cho Ủy ban; ngày 12/11, Bộ Giao thông Vận tải bàn giao 5 tổng công ty, Bộ Tài chính bàn giao một doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông bàn giao hai doanh nghiệp. (Theo Báo Chính phủ ngày 15/11)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Ngày 12/11, Quốc hội chấp thuận điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ 300.000 tỷ đồng lên mức tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài; điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng (từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Quốc hội cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm và giữ mức trần đầu tư công 2.000.000 tỷ đồng, giữ tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Tính đến tháng 10/2018, tổng mức đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 876,73 triệu USD, xếp thứ 26/127 quốc gia và lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn vào Việt Nam tính theo vốn đăng ký.

Năm 2017, có gần 120.000 khách Ấn Độ đến Việt Nam, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Dự kiến có khoảng 150 - 170 nghìn du khách Ấn Độ đến Việt Nam trong năm 2018.

Trong khi đó, khách Việt Nam đến Ấn Độ khoảng 20 nghìn người, phần lớn là hành hương về đất Phật, tham quan các di tích văn hóa Ấn Độ, di sản UNESCO và di tích cổ. (Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu ngày 16/11)

Ngân sách
nhà nước

Trong 10 tháng đầu năm 2018, số thu NSNN đạt hơn 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 84,9% dự toán, tăng 15,1% so cùng kỳ năm 2017.

Trong đó thu nội địa đạt 896.800 tỷ đồng, bằng 81,6% dự toán, tăng 15,8% so cùng kỳ năm 2017; thu từ dầu thô đạt khoảng 52.100 tỷ đồng, bằng 145,2% dự toán, tăng 37,5%; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 253.500 tỷ đồng, bằng 89,6% dự toán, tăng 6,5%.

Ngược lại, tổng chi NSNN trong 10 tháng đạt trên 1,103 triệu tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng chi thường xuyên là 768.400 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Bộ Tài chính ngày 12/11)

Trong 10 tháng đầu năm nay, toàn cơ quan thuế đã thực hiện 74.711 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số thuế tăng thu là 13.557 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 1.417 tỷ đồng, giảm lỗ là 20.963 tỷ đồng; kiểm tra 395.823 hồ sơ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách 548 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 61 tỷ đồng; giảm lỗ 654 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 391 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết (tăng 133 doanh nghiệp, bằng 152% so với cùng kỳ năm 2017), từ đó truy thu, truy hoàn và phạt 1.217 tỷ đồng; giảm lỗ 3.943,43 tỷ đồng; giảm khấu trừ 20 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.596 tỷ đồng. (Theo Tổng cục Thuế ngày 13/11)

Ngày 14/11, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Theo đó, tổng số thu ngân sách trung ương là 810.099 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ. (Theo TTXVN ngày 14/11)

Xuất - nhập khẩu

Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng 41%, từ 5,6 tỷ USD năm 2016 lên 7,6 tỷ USD năm 2017. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2018, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu ngày 16/11)

Cân đối vĩ mô

 

Lao động

Trong tháng 10, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc khoảng 14,19 triệu người; BHXH tự nguyện là 251 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 12,13 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 82,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,25% dân số.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, cơ quan bảo hiểm đã giải quyết 11.084 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 70.690 người hưởng trợ cấp một lần; 838.483 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 15,07 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; đồng thời giải quyết 63.210 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.812 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. (Theo BHXH Việt Nam ngày 13/11)

Từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,39 triệu lên thành 1,49 triệu đồng/tháng và được dùng làm căn cứ để tính lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Đây cũng là mốc được dùng để tính hoạt động phí, sinh hoạt phí và các khoản trích lập, các chế độ thưởng theo mức lương này.

Việc tăng lương cơ sở sẽ giúp mức lương công chức, cán bộ các bậc, nhóm tăng 200.000 - 800.000 đồng. Trong đó, mức lương tối đa với các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước sẽ tăng lên mức 11,92 triệu đồng/tháng, hơn 800.000 đồng so với mức thực lĩnh hiện nay.

Trong khi mức lương công chức thấp nhất cũng sẽ được nâng lên 2,01 triệu/tháng đối với các công chức loại C thuộc nhóm 3, mới khởi đầu và được nhân hệ số lương 1,35. (Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 09/11)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng giá; 1 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 17/11 so với ngày 16/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,52 - 36,68 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,55 - 36,65 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 17/11, tỷ giá trung tâm là 22.721 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 16/11; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại so với ngày 16/11 như sau:

- Vietcombank: 23.265 - 23.355 VND/USD, không thay đổi.

- BIDV: 23.260 - 23.350 VND/USD, giảm 5 đồng

- Techcombank: 23.245 - 23.355 VND/USD, không thay đổi.

Thị trường tài sản

 

Chứng khoán

Trong các phiên giao dịch ngày 8/10 - 9/11/2018, VN-Index đã giảm từ 996 điểm xuống chỉ còn 914 điểm (giảm 8,22%), làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong 1 tháng trở lại đây.

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhận định là do tâm lý lo ngại về triển vọng vĩ mô và làn sóng bán tháo từ các thị trường lớn trên thế giới và khu vực, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. (Theo IndexQ ngày 12/11)

Ngày 14/11, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 3.500 tỷ đồng: Kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (1.000 tỷ đồng), 15 năm (1.000 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 700 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,03%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 7/11). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm huy động được 300 tỷ đồng với lãi suất 5,03%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 700 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,3%/năm, tăng 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 7/11). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm huy động được 300 tỷ đồng với lãi suất 5,3%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm và 7 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước huy động được 130.756 tỷ đồng thông qua đấu thầu TPCP tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 12/11 - 16/11/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 1,04 điểm (0,12%) lên 898,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt152,81 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.373,09 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 2 điểm (1,98%) lên 103,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt45,58triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 478,95 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,76 điểm (1,49%) lên 52,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt12,55triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 224,48 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19.880.470 đơn vị, trị giá 895,77 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng với khối lượng 13,45 triệu đơn vị, trị giá 828,6 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 7,45 triệu đơn vị, trị giá 427,53 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 6,67 triệu đơn vị, trị giá 88,57 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 2,23 triệu đơn vị, trị giá 33,23 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 239.530 đơn vị, trị giá 21,4 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 884.825 đơn vị, trị giá mua ròng 6,19 tỷ đồng).

Đàm phán - Ký kết

CPTPP

Ngày 12/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nghị quyết phê chuẩn CPTPP gồm 4 điều, trong đó quy định rõ việc tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện.

- Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong CPTPP.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP… Các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.

- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Chính sách

Nghị quyết 597/NQ-UBTVQH14

Ngày 09/11/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký Nghị quyết 597/NQ-UBTVQH14 điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn TPCP năm 2018 giữa các bộ, địa phương.

- Dự toán chi đầu tư phát triển nguồn vốn TPCP năm 2018 được điều chỉnh giảm xuống 1.630,544 tỷ đồng.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải giảm 1.047,544 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 220 tỷ đồng và địa phương giảm 363 tỷ đồng.

- Dự toán chi đầu tư phát triển nguồn vốn TPCP năm 2018 được điều chỉnh tăng 1.364,458 tỷ đồng cho một số bộ, địa phương.

Trong đó bổ sung 609,113 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên thuộc Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13, Nghị quyết số 1096/NQ-UBTVQH13, Nghị quyết số 414/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung 686,424 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án cấp bách về giao thông theo số vốn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung tại Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 ngày 29/12/2017; bổ sung 68,921 tỷ đồng cho tỉnh Kiên Giang để thực hiện 2 dự án giao thông theo Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Điều chỉnh tăng dự toán chi đầu tư phát triển nguồn vốn nước ngoài năm 2018 là 266,086 tỷ đồng để bổ sung dự toán cho các dự án ODA đang thiếu vốn năm 2018; giao Chính phủ quyết định việc bổ sung dự toán cho các dự án ODA cụ thể trong phạm vi số vốn này.

Nhận định

chuyên gia

Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam - ILO (12/11):

Việt Nam là nước thứ 7 trong số 11 nước phê chuẩn hiệp định thương mại khu vực Vành đai Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. Trước đó Canada, Úc, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore đã phê chuẩn hiệp định này.

CPTTP, cùng với Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam, đặt ra những yêu cầu cụ thể về quyền lao động và điều kiện làm việc nhằm đảm bảo tự do thương mại sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững, đồng thời cũng giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích về kinh tế một cách công bằng.

Tại Hội nghị Giám đốc tài chính (CFO) thế giới lần thứ 48 tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/11, các chuyên gia đã chia sẻ về những rủi ro lớn nhất với nền kinh tế Việt Nam năm 2019.

- Ông Teng Theng Dar, Nhà sáng lập Asia Entrepreneurs Exchage: Thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay là làm thế nào dịch chuyển sang chuỗi cung ứng mới, trở thành ứng viên cho chuỗi cung ứng toàn cầu mới?

- Giáo sư Ian Alexxander Eddie của VinaCapital & RMIT: Hiện nay năng lực kinh tế của Việt Nam chủ yếu đến từ khối FDI, để giảm thiểu rủi ro đến từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, cần củng cố sức mạnh nội lực của doanh nghiệp Việt, xây dựng giáo dục và năng lực quản lý cho từng ông chủ.