Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 15-20/5/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Theo Báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam - trông đợi vào những con số”, lạm phát của Việt Nam đang dần hạ nhiệt, kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực. So với mức lạm phát 4,6% trong tháng 3, CPI tháng 4 đã giảm xuống 4,3%. Các điều kiện hoạt động của khu vực sản xuất tiếp tục thể hiện tốt với chỉ số PMI đạt 54,1 điểm, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất; xuất khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016… Do đó, HSBC dự báo tăng trưởng GDP quý II/2017 sẽ đạt 6,4%; quý III/2017 đạt 6,7% và quý IV/2017 đạt 6,8%; CPI quý II, III, IV lần lượt đạt 4,5%; 4,7% và 3,5%. (Theo HSBC ngày 15/5)

Doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nếu không sớm điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên môi trường thì nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ thiếu hụt nghiêm trọng khi thực hiện giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết của các hiệp định thương mại. Hiện nguồn thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu chiếm khoảng 7% ngân sách, vì vậy, để đảm bảo hài hòa nguồn thu ngân sách, cơ quan quản lý cần tính toán lộ trình cụ thể, phù hợp với mức cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. (Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ngày 16/5)

Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 4/2017 đạt 2,21 triệu tấn, vượt 8,3% so với kế hoạch Chính phủ giao. Lũy kế 4 tháng, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 8,69 triệu tấn, vượt 6,2% so với kế hoạch 4 tháng và bằng 36,5% kế hoạch năm. Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong PVN đạt 160.800 tỷ đồng, vượt 17,6% kế hoạch và bằng 37% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 5.800 tỷ đồng, vượt 11,0% so với kế hoạch 4 tháng và bằng 35% kế hoạch năm. Trong 4 tháng đầu năm, PVN đã nộp ngân sách nhà nước 26.300 tỷ đồng, vượt 11% so với kế hoạch. (Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN ngày 18/5)

Năm 2016, môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, song chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn cao so với các nước trong khu vực. Lãi suất bình quân của Việt Nam hiện là 7 - 9%, cao hơn so với Trung Quốc (4,3%), Malaysia (4,6), Hàn Quốc (2 - 3%), Nhật Bản (0,95%); chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội cao gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN-4... Ngoài ra, các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất - kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. (Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư ngày 17/5)

Tổng cầu


Đầu tư

Ngày 18/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 32 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký ước tính khoảng 135.300 tỷ đồng (khoảng 6,1 tỷ USD), trong đó chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và du lịch. Nhiều dự án lớn sẽ được rót vốn đầu tư vào Thanh Hóa như dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Dự án có công suất 1.200 MW, với tổng mức đầu tư 56.366 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD), quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng (quy mô 530 héc-ta, tổng mức đầu tư 3.255 tỷ đồng).

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngày 18/5)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 4/2017, lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam tăng 6,7% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 6.723.359 tấn xi măng và clinker, tương đương với trị giá thu về đạt 235.073.896 USD, tăng 12,8% về khối lượng và 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Bangladesh và Phillippines tiếp tục là 2 thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đó là các thị trường như: Peru, Đài Loan, Sri Lanka, Mozambique, Malaysia, Campuchia, Lào và Australia. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 15/5)

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tư và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc 4,432 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do xuất khẩu điện thoại tăng 33%; nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng 59,4%; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng tăng 64,3%; sản phẩm dệt may tăng 16,7%. Nhập khẩu 14,374 tỷ USD từ Hàn Quốc, tăng 52,3%, chủ yếu do nhập khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đạt 9,9 tỷ USD. Đây cũng là thị trường Việt Nam có kim ngạch thâm hụt lớn nhất từ đầu năm 2017. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 17/5)

Ngân sách nhà nước

Sản lượng khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khai thác biển đạt khoảng 959.700 tấn, tăng 6%; khai thác nội địa đạt khoảng 46.000 tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 16/5)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng, 2 ngày giảm. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 20/5), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,43 - 36,63 triệu đồng/lượng, không thay đổi ở chiều mua vào và giảm 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày 19/5.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,51 - 36,57 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với ngày 19/5.

- Doji: 36,50 - 36,58 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với ngày 19/5.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 2 đồng với 1 ngày tăng giá, 4 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 20/5), tỷ giá trung tâm là 22.377 NVD/USD giá không đổi so với tỷ giá ngày 20/5, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mạnh so với ngày 19/5 như sau:

- Vietcombank: 22.660 - 22.730 VND/USD, không thay đổi.

- BIDV và Vietinbank: 22.665 - 22.735 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

Lao động

Nguồn nhân lực của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách nhất định. Năm 2016, tỷ lệ lao động của Việt Nam đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 20,6%. Ngoài ra, lực lượng lao động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo vẫn còn rất hạn chế so với các nền kinh tế thành viên APEC… (Theo Viện Khoa học, Lao động và Xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 13/5)

Lãi suất

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động 0,3 - 0,5%/năm, giảm lãi suất cho vay đối với sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên 0,5 - 1%/năm. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 17/5)

Tín dụng

Ban Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 15/5 đã phê duyệt khoản tín dụng 155 triệu USD cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, giảng dạy và thể chế của 3 trường đại học tự chủ và cải thiện quản lý hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Dự án có tổng trị giá 174 triệu USD, trong đó Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc WB sẽ cung cấp 155 triệu USD, khoản tài trợ còn lại do Việt Nam cung cấp. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 17/5)

Tín dụng 4 tháng đầu năm 2017 đạt 5,76% so với cuối năm 2016, là mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Trong đó, tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên khác, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ… (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 17/5)

Trong thời gian gần đây, nợ xấu thuộc khu vực DNNVV rất thấp (dưới 2%). Tại Ngân hàng Chính sách xã hội (cho vay các đối tượng là người nghèo, rất khó khăn), tỷ lệ nợ xấu đạt dưới 1,5%. Nợ xấu trên 6 - 7% nằm ở thành phố lớn và doanh nghiệp lớn. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 16/5)

Tổ chức Đánh giá tín dụng Fitch Ratings đã điều chỉnh triển vọng về xếp hạng trái phiếu dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ (IDR) của Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực” và giữ nguyên xếp hạng ở mức BB-. Xếp hạng các trái phiếu nội tệ và ngoại tệ không đảm bảo của Việt Nam cũng được giữ ở mức BB-. Trần nợ công được giữ ở mức BB- và xếp hạng trái phiếu ngắn hạn bằng ngoại tệ và nội tệ giữ ở mức B.

Xếp hạng của Việt Nam phản ánh tăng trưởng và triển vọng phát triển mạnh, thặng dư tài khoản vãng lai tăng liên tục, quản lý tốt việc trả nợ và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng liên tục. Đồng thời, tỷ lệ nợ công cao, dự trữ ngoại hối thấp, tiềm ẩn rủi ro trong ngành ngân hàng cũng như trong nền kinh tế vĩ mô; cộng thêm một số chỉ số cấu trúc yếu hơn so với các nước cùng điều kiện, bao gồm thu nhập bình quân đầu người và các tiêu chuẩn phát triển con người. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 18/5)

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Ngày 17/5/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 4.000 tỷ đồng, khối lượng trúng thầu 4.000 tỷ đồng (đạt 100%), ngoài ra còn huy động được 1.200 tỷ đồng trong phiên thầu phụ cho 4 loại kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm:

- 5 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,16%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 300 tỷ đồng.

- 7 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,44%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 300 tỷ đồng.

- 10 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,97%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 300 tỷ đồng.

- 15 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất trúng thầu 6,70%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 300 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2017 đến ngày 17/5, KBNN đã huy động thành công trên 91.638 tỷ đồng trái phiếu chính phủ qua đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 15/5 - 19/5/2017, thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 6,83 điểm (0,94%) lên 733,82 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt261,34 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.211,8 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,72 điểm (0,78%) lên 92,18 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt68,47triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 711,98 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,03 điểm (0,05%) lên 58,03 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt6,8triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 65,39 đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 790.000 đơn vị, trị giá 337,84 tỷ đồng so với tuần trước; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là PLX với khối lượng đạt 4,77 triệu đơn vị, trị giá 253,59 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là HSG với khối lượng đạt 1,12 triệu cổ phiếu, trị giá 61,43 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 1,67 triệu đơn vị (tuần trước mua ròng 899.420 đơn vị). Tổng giá trị mua ròng 278,74 tỷ đồng, tăng 57,14% so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 2,22 triệu đơn vị (giảm 41,34% so với tuần trước). Tuy nhiên, xét về giá trị họ mua ròng 10,79 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 55,66 tỷ đồng.

- UPCoM: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 1,34 triệu đơn vị, trị giá 48,31 tỷ đồng, giảm 29,19% về lượng và 5,72% về giá trị so với tuần trước đó.

Bất động sản

Tỷ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội dao động trong khoảng 6 - 8%, thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á (cao hơn cả Hồng Kông). Trên phân khúc khu công nghiệp, tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư ở Việt Nam đạt 10 - 12%, bằng Indonesia và cao hơn Phillippines (8%), Malaysia (7%), Singapore (7%), do ngành sản xuất của Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ khi nhiều nhà máy từ Trung Quốc chuyển dịch sang. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh và dân số trẻ đang chiếm ưu thế, thị trường bất động sản Việt Nam được dự báo có tiềm năng tăng trưởng nhanh trong các năm tới. (Theo Công ty Bất động sản JLL ngày 17/5)

 

 

Đàm phán - Ký kết

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Việt Nam) và Công ty Viên Thị Hồ Nam (Trung Quốc) ngày 12/5 đã ký kết chính thức Dự án hợp tác sản xuất và thương mại nhằm thành lập hai công ty liên doanh với tổng số vốn điều lệ ban đầu là 10 triệu USD, bao gồm Công ty liên doanh giống và Công ty liên doanh thương mại nông sản.

Công ty liên doanh trong lĩnh vực giống cây trồng sẽ thành lập tại Việt Nam với mục đích phát triển công nghệ tạo giống lúa lai siêu năng suất để sản xuất tại Việt Nam với giá thành hợp lý và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

Công ty liên doanh trong lĩnh vực thương mại nông sản sẽ được thành lập tại Trung Quốc, nhằm cung cấp gạo và các nông sản (cà phê, tiêu…) chất lượng, an toàn, giá hợp lý vào thị trường Trung Quốc, góp phần thúc đẩy thương mại lúa gạo chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc, hạn chế sự thao túng về giá cả của thương mại tiểu ngạch.

(Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 12/5)

Nhận định

chuyên gia

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành (15/5):

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Việt Nam cần tập trung giải quyết 5 vấn đề mấu chốt để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, gồm: (i) Hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với doanh nghiệp; (ii) Đẩy mạnh chống tham nhũng, do chi phí không chính thức đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp; (iii) Giảm lãi suất vay vốn. Trong khi ở nhiều nước, lãi suất chỉ ở mức 2 - 3% thì ở Việt Nam, lãi suất phổ biến hiện nay là 9 - 10%, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh; (iv) Có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration - SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ; (v) Tăng cường đào tạo, có thể thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho các doanh nhân.

Chính sách

Quyết định số 630/QĐ-TTg

Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2017 là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2017.

Quyết định số 824/QĐ-BTC

Ngày 09/5/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác của các tổng cục, cục và đơn vị tương đương tại địa phương. Theo đó, quy định khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác không áp dụng đối với xe chuyên dùng. Mức khoán cụ thể được xác định như sau:

Mức khoán đi công tác (đồng/tháng)=Đơn giá khoán (đồng/km)xKhoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng của từng chức danh (km). Trong đó, đơn giá khoán là 13.000 đồng/km. Trường hợp, các tỉnh, thành phố thông báo đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác trên địa bàn, các đơn vị có trách nhiệm thực hiện theo thông báo của địa phương và báo cáo việc thực hiện về tổng cục để báo cáo Bộ Tài chính (qua Cục Kế hoạch - Tài chính).

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2017.

Thông tư số 40/2017/TT-BTC

Ngày 28/4/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

+ Mức phụ cấp lưu trú cho người đi công tác: 200.000 đồng/ngày (tăng 50.000 đồng/ngày).

+ Tăng 100.000 đồng/ngày/người đối với tiền thuê phòng nghỉ theo hình thức khoán.

+ Lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên, mức khoán: 1.000.000 đồng/ngày/người.

+ Đối với các đối tượng còn lại: Mức khoán từ 300.000 - 450.000 đồng/ngày/người.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.

Nghị định số 61/2017/NĐ-CP

Ngày 16/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.

Theo đó, các khoản nợ, tài sản phải thẩm định giá khởi điểm bao gồm: Khoản nợ xấu được Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC (TCTD) Việt Nam mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với TCTD bán nợ về giá khởi điểm; khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá thị trường; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017.