Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 20-25/3/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra 3 xu hướng gây ảnh hưởng bất lợi cho các nước đang phát triển có độ mở kinh tế cao như Việt Nam:

- Xu hướng bảo hộ ở châu Âu, châu Mỹ và một số nước trong khu vực Nam Mỹ sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của nhiều nước gặp khó khăn.

-Xu hướng hình thành thế giới đa cực.

- Xu hướng biến đổi khí hậu với các diễn biến khó lường.

(Theo Báo cáo kinh tế Việt Nam 2016 “Tái cơ cấu kinh tế gắn liền với mô hình đổi mới tăng trưởng và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện và công bố ngày 16/3)

Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,5 - 6,7%, trong bối cảnh tất cả các nước trên thế giới đều tăng trưởng chậm, đầu tư thấp… Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức như các động lực tăng trưởng truyền thống (lao động giá rẻ hay xuất khẩu) sẽ không kéo dài… Vì vậy, Việt Nam cần phát huy hết tác dụng đòn bẩy tài chính từ dòng vốn vay của WB để phát triển kinh tế. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 23/3)

Sản xuất công nghiệp

Ngày 21/3, tổ máy số 2 của Nhà máy Thủy điện Trung Sơn tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã đi vào hoạt động, cung cấp cho lưới quốc gia 1,018 tỷ kWh điện mỗi năm. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 411,72 triệu USD, trong đó vốn vay từ WB là 330 triệu USD và vốn đối ứng phía Việt Nam là 81,72 triệu USD. Đây là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được WB tài trợ tín dụng.

Quỹ bình ổn giá xăng, dầu

Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15h ngày 21/3), Quỹ bình ổn giá (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn dư khoảng 1.960 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng so với kỳ công bố mới nhất ngày 06/3. (Theo Petrolimex ngày 21/3)

Doanh nghiệp

Năm 2016 có 3 công ty trong nước lọt vào danh sách 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2016 gồm Vinamilk (vị trí thứ 2), Vietcombank (6) và Viettel (7). Báo cáo nơi làm việc tốt nhất Việt Nam được đánh giá theo 24 ngành nghề với hơn 26 nghìn đáp viên (những người có kinh nghiệm làm việc 1 năm trở lên), đồng thời dựa trên kết quả phỏng vấn chuyên sâu với 50 giám đốc nhân sự (25% doanh nghiệp Việt Nam và 75% doanh nghiệp nước ngoài)… (Theo Báo cáo nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2016 được mạng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố ngày 22/3)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 10.765 tỷ đồng để phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo quy định của pháp luật. Kết thúc năm 2016, tổng tài sản của VPBank đạt gần 226.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2015; tổng huy động vốn đạt 172.000 tỷ đồng, tăng 13,15%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC đã phê duyệt thêm gói tài chính trị giá hơn 80 triệu USD, nâng tổng mức hỗ trợ tài chính của IFC cho VPBank lên hơn 200 triệu USD trong vòng 8 tháng qua.Gói tài chính lần này bao gồm khoản vay hợp vốn trị giá 58 triệu USD kỳ hạn 5 năm và khoản tài trợ thương mại trị giá 25 triệu USD. Trong năm 2016, IFC và các bên đồng tài trợ gồm Ngân hàng Cathay United và ICBC đã cung cấp cho VPBank gói tài chính tổng trị giá 125 triệu USD. (Theo TTXVN ngày 20/3 và VPBank ngày 21/3)

Tổng cầu


Nợ công

Tính đến cuối năm 2015, quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đã tăng 6,5 lần so với cuối năm 2001, tập trung vào 3 nhà tài trợ chính: WB tăng 11,5 lần, Ngân hàng Phát triển châu Á tăng 20,3 lần, Nhật Bản tăng 6,8 lần. (Theo Chính phủ ngày 20/3)

Xuất nhập khẩu

Trong năm 2016, Việt Nam nhập khẩu tôm hùm từ Hoa Kỳ với kim ngạch hơn 31 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng), tăng 217 lần so với năm 2010, do tầng lớp trung lưu phát triển nhanh làm tăng nhu cầu tiêu dùng và loại tôm này có giá rẻ hơn các loại hải sản tươi sống khác như tôm rồng hay ốc vòi voi… (Theo Hãng Thông tấn AP - Hoa Kỳ ngày 21/3)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2017 (1 - 15/3/2017) đạt hơn 16,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với kỳ 2 tháng 02/2017. Lũy kế đến hết ngày 15/3/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 72,26 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2016; cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 1,81 tỷ USD.

- Kim ngạch xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 3/2017 đạt hơn 7,81 tỷ USD, tăng 8,3% so với kỳ 2 tháng 02/2017. Tính đến hết ngày 15/3/2017, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 35,22 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016.

- Kim ngạch nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 3/2017 đạt hơn 8,79 tỷ USD. Tính đến hết ngày 15/3/2017, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 37,03 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 23/3)

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2017, cả nước nhập khẩu 2,78 nghìn tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD. Năm 2016, cả nước cũng nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21 nghìn tấn, trị giá gần 25 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 4,7% về giá trị so với năm 2015. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 23/3)

Tuy nhiên, ngày 23/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Brazil, do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

Ngân hàng HSBC ngày 23/3 dự báo, CPI của Việt Nam năm 2017 tăng khoảng 4,5% so với năm 2016, cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ, do giá dầu và điện tăng, giá dịch vụ y tế và giáo dục được điều chỉnh.

Trước đó (21/3), HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,4%; tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.200 đồng vào cuối năm 2017; lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng sẽ tăng dần trong 6 tháng cuối năm với mức tăng thêm khoảng 0,5 - 1%...

Tín dụng

Nhu cầu vay mua nhà đang gia tăng tại Việt Nam, do sự thay đổi về nhân khẩu học và quá trình đô thị hóa mạnh. Những người trong độ tuổi 25 - 45 chiếm gần 1/3 dân số. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt 35% trong năm 2016 và khoảng 40% vào năm 2020, đồng nghĩa với việc các trung tâm kinh tế như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng sẽ là nơi cư trú của khoảng 36 triệu dân chỉ trong 4 năm tới. (Theo Bộ Xây dựng ngày 21/3)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng SJC có 3 ngày tăng, 2 ngày giảm. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 25/3), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,46-36,68 triệu đồng/lượng, tăng 6 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 8 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với ngày 24/3.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,55-36,6 triệu đồng/lượng, tăng 6 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 4 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với ngày 24/3.

- Doji: 36,52-36,6 triệu đồng/lượng, tăng 3 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra với ngày 24/3.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 4 đồng với 2 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 25/3), tỷ giá trung tâm là 22.256 NVD/USD, không đổi so với tỷ giá ngày 24/3; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại so với ngày 24/3 như sau:

- Vietcombank, BIDV, ACB và DongABank: 22.750-22.820 VND/USD, trong đó, BIDV giảm 5 đồng, ACB và DongABank giảm 10 đồng ở cả hai chiều, còn Vietcombank không thay đổi.

- Vietinbank: 22.745-22.815 VND/USD, giảm 5 đồng ở cả 2 chiều.

- Eximbank: 22.740-22.820 VND/USD, giảm 10 đồng ở cả 2 chiều

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Ngày 23/3, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã giới thiệu về chỉ số phát triển bền vững (VNSI) với kỳ vọng tạo ra thước đo mới cho thị trường chứng khoán, nhằm xác lập danh sách các công ty hoạt động có chất lượng, thúc đẩy việc thực hiện và áp dụng các sáng kiến phát triển bền vững. Dự kiến, chỉ số VNSI sẽ được áp dụng vào tháng 7/2017 với danh mục cổ phiếu xem xét gồm các thành phần thuộc chỉ số VN 100.

VNSI do HOSE phối hợp với Cơ quan Hợp tác Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành nghiên cứu. Các tiêu chí đánh giá VNSI được xây dựng dựa trên Bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD, Bộ tiêu chuẩn GRI, các quy định hiện hành về công bố thông tin và quản trị công ty, các ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, thành viên thị trường và các tổ chức tài chính uy tín.

Trái phiếu

Trong tuần qua (20-24/3), HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) bảo lãnh và TPCP do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành

- Ngày 20/3 tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do NHCSXH phát hành với tổng khối lượng 1.000 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (400 tỷ đồng), 10 năm (400 tỷ đồng) và 15 năm (200 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động thành công 400 tỷ đồng (100%), với lãi suất trúng thầu 5,3%/năm, bằng lãi suất trúng thầu ngày 13/3.

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động thành công 400 tỷ đồng (100%) với lãi suất trúng thầu 6,48%/năm, thấp hơn 0,02% so với lãi suất trúng thầu ngày 13/3.

+ Kỳ hạn 15: Huy động được 100 tỷ đồng (50%) với lãi suất trúng thầu 7,35%/năm, thấp hơn 0,15%/năm so với lãi suất trúng thầu ngày 13/3.

Tính từ đầu năm 2017 đến ngày 24/3/2017, NHCSXH đã huy động thành công 3.220 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

- Ngày 22/3 tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng cho 3 loại kỳ hạn: 5 năm (2.000 tỷ đồng), 7 năm (2.000 tỷ đồng) và 30 năm (2.600 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 150 tỷ đồng (7,5%), lãi suất trúng thầu 5,03%/năm, bằng lãi suất trúng thầu ngày 08/3/2017.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 1.700 tỷ đồng (85%), lãi suất trúng thầu 5,43%/năm, cao hơn 0,04%/năm so với lãi suất trúng thầu ngày 15/3/2017.

+ Kỳ hạn 30 năm: Huy động thành công 2.600 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 7,93%/năm, thấp hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu ngày 15/3/2017.

Tính từ đầu năm 2017 đến ngày 24/3/2017, KBNN đã huy động thành công hơn 51.330 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 20/3 - 24/3/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 2,58 điểm (+0,36%) lên 722,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt216,6 triệu đơn vị/phiên, tổng giá trị giao dịch đạt 4.377,5 tỷ đồng.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,64 điểm (+1,64%) lên 91,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt51,28triệu đơn vị/phiên, tổng giá trị giao dịch đạt 678,48 tỷ đồng.

- Upcom-Index có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,14 điểm (-0,24%) xuống 57,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt8,15triệu đơn vị/phiên, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 146,11 tỷ đồng.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 18,96 triệu đơn vị, (tuần trước đó bán ròng 65,51 triệu đơn vị). Tổng giá trị mua ròng 1.005,74 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với tuần trước; trong đó cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là VNM với khối lượng 3,55 triệu đơn vị, trị giá 489,92 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là SSI với khối lượng đạt 3,55 triệu cổ phiếu, trị giá 81,87 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục mua ròng 5 phiên liên tiếp với tổng khối lượng 14,95 triệu đơn vị (tuần trước bán ròng 63,46 triệu đơn vị). Tổng giá trị mua ròng là 927,14 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với tuần trước (225,14 tỷ đồng).

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4 phiên và bán ròng 1 phiên duy nhất ngày 20/3 với tổng khối lượng mua ròng 2,82 triệu đơn vị, trị giá 64,21 tỷ đồng (trước bán ròng 2,24 triệu đơn vị, trị giá 54,6 tỷ đồng).

- UPCoM: Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4 phiên và bán ròng 1 phiên duy nhất ngày 23/3 với tổng khối lượng mua ròng 1,19 triệu đơn vị, trị giá 14,39 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần về lượng nhưng giảm 37,13% về giá trị so với tuần trước.

Bất động sản

Lũy kế đến ngày 10/3, Hà Nội đã cấp hơn 1,32 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư (đạt 90,46%); cấp giấy chứng nhận mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở cho 146.884 căn hộ (đạt 82,39% trên tổng số căn hộ đã được các chủ đầu tư bán và bàn giao cho người dân); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức đạt 71,32%... (Theo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày???)

Tính đến ngày 22/3/2017, Hà Nội dẫn đầu 54 thành phố trên toàn thế giới về lợi suất thị trường văn phòng với mức lợi suất là 8,75%, tiếp đó là thành phố Hồ Chí Minh với 8,5%. (Theo Báo cáo nghiên cứu phân bổ lợi suất văn phòng thế giới do Công ty Savills và Đại học Deakin của Úc công bố ngày 22/3)

Đàm phán - Ký kết

Nhật Bản và Việt Nam

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Lễ ký hợp đồng viện trợ cho 18 dự án (gồm nhiều lĩnh vực như: Sức khỏe, giáo dục tiểu học, sản xuất nông nghiệp, rà phá vật liệu nổ sau chiến tranh, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cơ sở hạ tầng địa phương và giáo dục mầm non) tại 15 địa phương của Việt Nam với tổng giá trị gần 2 triệu USD. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở của Chính phủ Nhật Bản.

Chính sách

Nghị định số 24/2017/NĐ-CP

Ngày 14/3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2017/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cambodia năm 2016.

- Áp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với nhiều mặt hàng từ Cambodia như: Gia cầm sống,; cam, chanh tươi hoặc khô; lúa, gạo; thuốc lá chưa chế biến, phế liệu lá thuốc lá; xe đạp được thiết kế dành cho trẻ em; các loại vải dệt thoi khác từ xơ staple polyeste…

- Điều kiện áp dụng thuế ưu đãi: Các mặt hàng phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Cambodia cấp và phải thông quan tại các cặp cửa khẩu theo quy định. Riêng với mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô, ngoài các điều kiện trên, còn thêm quy định về số lượng hạn ngạch là 300.000 tấn gạo và 3.000 tấn lá thuốc lá khô trong từng năm 2016, 2017.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 14/3/2017 đến hết ngày 31/12/2017.