Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 24-29/9/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Tăng trưởng

Tăng trưởng GDP cả năm 2018 ước đạt 6,7% - là mức cao so với chỉ tiêu Quốc hội giao, lạm phát được kiểm soát dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện tích cực so năm 2017, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực phát triển.

Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ cả phía cung và phía cầu, có sự phát triển toàn diện tất cả các ngành, lĩnh vực; trong đó, vai trò nòng cốt là công nghiệp chế biến, chế tạo. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/9)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam ở mức 6,8% nhưng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống 6,9% cho năm 2018, thấp hơn so với mức 7,1% được dự báo trong tháng 4/2018.

Nguyên nhân là do: (i) Thách thức bên ngoài mang lại rủi ro cao hơn như căng thẳng về thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc nếu vẫn tiếp tục duy trì sẽ có tác động lan tỏa đến hoạt động ngoại thương và dòng vốn FDI vào Việt Nam; (ii) Ở trong nước, ảnh hưởng của thời tiết làm giảm sản lượng nông nghiệp; xuất khẩu, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm. (Theo bản cập nhật báo cáo kinh tế thường niên “Triển vọng Phát triển châu Á - ADO 2018 được ADB công bố ngày 26/9)

Doanh nghiệp

Theo kết quả điều tra mẫu 3.500 doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo (ngành có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế) của Việt Nam về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp, có 94,5% doanh nghiệp cho rằng họ biết đến các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, chỉ có 5,5% doanh nghiệp không biết đến các hiệp định.

Trong đó có tới 86,9% doanh nghiệp biết đến các hiệp định thương mại thông qua kênh truyền thông; 16,3% qua các hiệp hội; 15,1% qua cơ quan quản lý nhà nước; 10,8% qua đối tác kinh doanh; còn lại 8,8% qua các kênh thông tin khác.

Đặc biệt, có tới 83,9% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế; 2,9% doanh nghiệp cho rằng việc ký kết không quan trọng; 12,6% doanh nghiệp không có ý kiến; 0,6% doanh nghiệp hoàn toàn phản đối. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 19/9)

Trong 8 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolixex) đạt khoảng 3.430 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 29.000 tỷ đồng. Năm 2018, Petrolimex khẳng định sẽ hoàn thành và vượt một số chỉ tiêu đề ra, trong đó nộp ngân sách gần 45.000 tỷ, cao hơn con số 31.000 tỷ đồng kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêu thụ xăng sinh học của Petrolimexbình quân 8 tháng đạt 47%, trong khi trung bình cả nước là 40%. Hiện nay, năng lực phối trộn xăng E5 của Petrolimex là 8 triệu tấn/năm, trong khi toàn bộ nhu cầu xăng dầu cả nước khoảng 18 triệu tấn. (Theo Petrolimex ngày 25/9)

Kết quả nghiên cứu mới nhất về doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp thực hiện cho thấy, SIB chỉ chiếm 4% khu vực tư nhân nhưng lại là một trong những nhân tố chủ chốt giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

SIB ở Việt Nam thường có quy mô nhỏ về nhân sự nhưng lại đi đầu trong việc thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm trong kinh doanh. Gần như tất cả các SIB đều có nhân viên là nữ và 3/4 số doanh nghiệp này có người khuyết tật trong đội ngũ nhân viên của mình. Đặc biệt, doanh nghiệp cân bằng mục tiêu xã hội và kinh tế là mô hình kinh doanh bền vững.

70% SIB đang kinh doanh có lợi nhuận, 59% SIB ở Việt Nam lựa chọn cân bằng giữa mục tiêu xã hội và kinh tế, 34% tập trung vào mục tiêu xã hội. Trong đó, việc làm, cuộc sống mạnh khỏe hạnh phúc cho mọi người và bảo vệ môi trường là ba lĩnh vực tác động hàng đầu của SIB. (Theo Báo Chính phủ ngày 27/9)

Ngày 26/9, Bộ Công Thương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 94.000 tấn đường (mã HS 17.01) năm 2018. Giá khởi điểm đối với đường thô là 1.400.000 đồng/tấn và đường tinh luyện là 1,4 triệu đồng/tấn. Bước giá là 10 nghìn đồng/tấn.

Đối với đường tinh luyện, có 7 thương nhân trúng đấu giá với tổng số 29.000 tấn, gồm: Công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam (1 nghìn tấn); Công ty cổ phần Sữa Vinamilk (20 nghìn tấn); Công ty TNHH FES Việt Nam (1 nghìn tấn); Công ty Trách nhiệm hữu hạn quốc tế Unilever Việt Nam (1 nghìn tấn); Công ty TNHH Red Bull Việt Nam (1 nghìn tấn); Công ty Trách nhiệm hữu hạn URC Việt Nam (4 nghìn tấn) và Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam (1 nghìn tấn).

Trong khi đó, chỉ có 30 nghìn tấn đường thô trong tổng số 65 nghìn tấn được đấu giá thành công: Công ty cổ phần Đường Việt Nam (20 nghìn tấn); Công ty cổ phần Thành Công Biên Hòa (4 nghìn tấn); Công ty TNHH Một thành viên Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai (4 nghìn tấn) và Công ty TNHH Một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (2 nghìn tấn).

(Theo Bộ Công Thương ngày 26/9)

Sản xuất công nghiệp

Tính riêng tháng 9/2018, sản phẩm xi măng tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đạt khoảng 7,88 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 5,68 triệu tấn, tăng 3%; sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 2,20 triệu tấn, tăng 43%. Lũy kế 9 tháng năm 2018 đã có 72,82 triệu tấn sản phẩm xi măng được tiêu thụ, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 85% kế hoạch của cả năm.

Trong đó tiêu thụ sản phẩm nội địa đạt 49,54 triệu tấn và xuất khẩu đạt 23,28 triệu tấn. So với mục tiêu kế hoạch đề ra, sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng đã về đích sớm và vượt 3 - 4 triệu tấn (kế hoạch xuất khẩu cả năm 2018 là khoảng 18 - 19 triệu tấn).

(Theo Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng ngày 26/9)

Tổng cầu

Ngân sách nhà nước

Từ đầu năm 2019 thuế bảo vệ môi trường đã được điều chỉnh từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít đối với xăng, từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu diesel, từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu mazut, dầu nhờn và từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Việc điều chỉnh này tác động không lớn đến chỉ số CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07 - 0,09%, do theo phương pháp tính CPI bình quân thì việc thực hiện chỉ tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm 2019 sẽ chịu ảnh hưởng bình quân bởi CPI của tất cả các tháng trong năm. (Theo Chính phủ ngày 20/9)

Năm 2018, nợ công của Việt Nam được dự báo giảm từ 63,7% vào cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4%; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017; bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao… Cơ cấu chi ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/9)

Xuất nhập khẩu

Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt khoảng 6,64 tỷ USD (tương đương 73,77% kế hoạch năm), tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Giá trị xuất siêu lâm sản chính trong 9 tháng đạt khoảng 4,97 tỷ USD; riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,64 tỷ USD.

Ước tính xuất khẩu lâm sản cả năm đạt 9 tỷ USD. Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 5 thị trường chính, đạt 5,17 tỷ USD, chiếm khoảng 86,72 % kim ngạch xuất khẩu lâm sản. (Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 26/9)

Tính đến ngày 15/9, cả nước có 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 20 tỷ USD trở lên, tăng 2 nhóm hàng so với cùng kỳ năm 2017. Ba nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam lần lượt là điện thoại và linh kiện đạt gần 34,4 tỷ USD; dệt may đạt gần 21,1 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 20,25 tỷ USD.

Với tổng kim ngạch đạt gần 75,6 tỷ USD, 3 nhóm hàng chủ lực đóng góp tới gần 45% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trong 15 ngày đầu tháng 9, kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng lớn nhất có chiều hướng giảm so với nửa cuối tháng 8/2018. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 25/9)

Đầu tư

Tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.Trong đó:

- 2.182 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017.

- 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2017.

- 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2017.

Tính đến ngày 20/9/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/9)

Tài chính công

Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số.

Ngành Tài chính đã bước đầu tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử. (Theo Bộ Tài chính ngày 26/9)

Cân đối vĩ mô

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng giá; 5 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 29/9 so với ngày 28/9, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,33 - 36,48 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 10 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,34 - 36,44 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng không thay đổi ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 2 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 29/9, tỷ giá trung tâm là 22.714 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 28/9; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 28/9 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 23.290 - 23.370 VND/USD, giảm 20 đồng.

- Vietinbank: 23.265 - 23.365 VND/USD, giảm 15 đồng.

Lao động

Năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên 60,73 triệu đồng/lao động (năm 2017).

Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam gấp 2 lần năng suất lao động trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao.

Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt được những thành tựu lớn, nhưng vấn đề năng suất lao động lại chưa có sự tăng trưởng tương xứng.

Năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất khi so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia. (Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Viện Konrad - Adenauer Stiftung (KAS) ngày 26/9)

Tín dụng

Tính đến ngày 31/8, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 8,3 triệu món vay của gần 6,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ.

Trong đó gần 1,5 triệu khách hàng là hộ dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng dư nợ 45.194 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 30,6 triệu đồng/hộ; bình quân chung là 27,3 triệu đồng/hộ. (Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội ngày 25/9)

Trong tuần từ 17 - 21/9, một lượng lớn tín phiếu kỳ hạn 91 ngày phát hành từ tháng 6 đã bắt đầu đáo hạn. 36.400 tỷ đồng tín phiếu bơm ra làm cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng mạnh lượng phát hành tín phiếu lên 22.830 tỷ đồng để hút tiền về.

Tuy nhiên, kỳ hạn phát hành tuần này chỉ là 7 và 14 ngày, trong đó kỳ hạn 14 ngày chiếm đa số với 16.430 tỷ đồng. Lượng tiền NHNN bơm ròng ra thị trường tuần qua là 13.260 tỷ đồng. (Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI ngày 25/9)

Nghiên cứu “Cơ hội cho các ứng dụng thương mại lớn tại Việt Nam” do Criteo mới công bố cho thấy, hơn 90% những người có cài ứng dụng thương mại điện tử vào smartphone đã mua sắm ít nhất một lần mỗi tháng, 60% mua 3 lần/tháng trở lên.

Nguyên nhân là do người tiêu dùng Việt Nam (hơn 82%) thấy thú vị và thuận tiện hơn khi mua sắm qua ứng dụng di động thay vì website di động.

Cùng với đó, gần 71% tin tưởng ở mức độ nhất định rằng thông tin tài chính của họ được lưu trữ an toàn hơn trong một ứng dụng so với việc mua sắm từ trang website trên điện thoại di động. Có đến 89% người dùng di động ở Việt Nam được hỏi nói rằng đã từng thực hiện tất cả các bước để mua hàng trong ứng dụng.

Những người trong độ tuổi 18 - 24 là nhóm sẵn sàng mua qua ứng dụng nhiều nhất (94%). Tại Đông Nam Á, người Việt Nam chỉ xếp sau người Thái Lan về thời gian online nhiều nhất (theo thống kê của comScore vào tháng 3/2018).

(Theo vietstock ngày 26/9)

Thị trường tài sản

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 24 - 29/9/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 1,76 điểm (0,17%) lên 1.017,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 227,04 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.141,41 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,19 điểm (0,17%) lên 116,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 57,42 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 778,15 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 5 ngày tăng điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,02 điểm (0,03%) lên 54,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 23,65 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 416,34 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 14.694.683 đơn vị, trị giá 444,6 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 18,97 triệu đơn vị, trị giá 468,29 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 19,58 triệu đơn vị, trị giá 746,67 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng và 4 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 4,81 triệu đơn vị, trị giá 39,56 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 8,86 triệu đơn vị, trị giá 44,7 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 534.683 đơn vị, trị giá 15,87 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 717.531 đơn vị, trị giá 6,23 tỷ đồng).

Chứng khoán

Tính đến ngày 26/9, có 80 tổ chức, quỹ niêm yết không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do thời gian niêm yết dưới 6 tháng bao gồm:

- 20 mã thuộc diện thời gian niêm yết dưới 6 tháng:CRC, CRE, DBD, DPG, FRT, FUCTVGF2, HPX, HSL, PMG, SGN, SMB, SCS, TCB, TGG, TPB, TVB, VHM, VPD, YBM, YEG.

- 4 mã thuộc diện kiểm soát đặc biệt:AGF, HVG, KAC, PNC.

- 11 mã thuộc diện kiểm soát:CIG, ICF, LCM, NVT, OGC, PIT, PPI, PTL, PXI, RIC, VHG.

- 22 mã thuộc diện cảnh báo:AAM, AGR, ATG, CMX, HAG, HAS, HID, JVC, LAF, NAV, PTC, PXT, RDP, SAV, SCD, SGT, TCR, TIE, TSC, TTF, VOS, VPK.

- 6 mã thuộc diện chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên năm 2018 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin:APC, C47, HAI, HVX, KSH, MCG.

- 5 mã thuộc diện báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2017 được kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán:BHN, GIL, HLG, LEC, TNT.

- 9 mã thuộc diện lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát sét 6 tháng đầu năm 2018 là con số âm:CHP, CLW, DXV, KDC, PVD, PXS, TMT, UDC, VIS.

- 2 mã thuộc diện báo cáo tài chính bán niên 2018 được soát xét có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán:DAH,KHP.

- 1 mã thuộc diện nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật thuế:ELC.

(Theo Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh - HOSE ngày 27/9)

Ngày 26/9/2018, Nhà cung cấp các chỉ số thị trường chứng khoán và các dịch vụ dữ liệu liên quan của Anh FTSE Russel công bố việc cân nhắc nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong lần đánh giá gần đây nhất của FTSE Russel cho Việt Nam, Việt Nam đã đáp ứng đủ 9 điều kiện của thị trường mới nổi loại 2, thậm chí còn đáp ứng thêm một điều kiện của thị trường cấp cao, đó là điều kiện số 12 liên quan đến điều kiện lưu ký.

Dựa trên việc Việt Nam đáp ứng được những điều kiện gắt gao nêu trên, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 và phải duy trì được tất cả các điều kiện ít nhất trong 1 năm, thậm chí thời gian này có thể kéo dài hơn. (Theo SSI ngày 27/9)

Trái phiếu

Ngày 26/9, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ tại các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 20 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng) và 15 năm (2.000 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được 3.800 tỷ đồng. Cụ thể:

- 10 năm: Huy động thành công 1.400 tỷ đồng và phiên thầu phụ 600 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 4,8%/năm, tăng 0,05%/năm so với ngày 19/9.

- 15 năm: Huy động thành công 1.200 tỷ đồng và phiên đấu thầu phụ 600 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,07%/năm, tăng 0,05%/năm so với ngày 19/9.

- 5 năm và 20 năm không có lãi suất trúng thầu.

Tính từ đầu năm đến ngày 26/9, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 121.761 tỷ đồng.

(Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 26/9)

Nhận định chuyên gia

Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành (20/9):

Việc Hoa Kỳ áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 24/9/2018 sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng nội thất, thực phẩm, hóa chất, nhựa, cao su cho thị trường nội địa phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào.

So với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Hoa Kỳ có giá trị 13 tỷ USD (tính theo giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2017), trong đó lớn nhất là đồ gỗ nội thất 4,8 tỷ USD và nông, thủy sản 2,5 tỷ USD.

Trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nội thất, thủy sản, vali - túi xách, linh kiện điện, điện tử sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở thị trường Hoa Kỳ.

Nhưng cũng chính những nhóm sản phẩm này chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gặp khó khăn khi hàng Trung Quốc không xuất được sang Hoa Kỳ sẽ tràn qua Việt Nam, gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nội sản xuất những mặt hàng này.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng BIDV (25/9):

Tại Việt Nam, các dấu hiệu khủng hoảng kinh tế đã biểu hiện khá rõ nét trong mỗi chu kỳ 10 năm 1988 - 1989, 1998 - 1999, 2008 - 2009; tuy nhiên lại không rõ nét từ năm 2018 - 2019. Sự khác biệt trong từng dấu hiệu của giai đoạn hiện nay so với các giai đoạn trước đó là:

(1) Tăng trưởng tín dụng hợp lý hơn và giá tài sản có tăng cao ở một số phân khúc nhưng chưa phải là hiện tượng bong bóng;

(2) Hệ thống tài chính - ngân hàng được củng cố, lành mạnh hóa, an toàn và thanh khoản ổn định hơn; lãi suất ở mức hợp lý đã và đang hỗ trợ tăng trưởng;

(3) Các cân đối vĩ mô có cải thiện và lành mạnh hơn: Cơ cấu thu - chi ngân sách chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, cơ cấu tín dụng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất - kinh doanh, hạn chế vào các ngành có rủi ro cao; cán cân thương mại, cán cân thanh toán và cán cân vãng lai có sự cải thiện tích cực;

(4) Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục;

(5) Các thị trường bất động sản, chứng khoán có bước chuyển biến tích cực, được điều chỉnh và hướng đến bền vững hơn;

(6) Các quyết sách về môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế gia tăng.