Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 25-30/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Dịch vụ

Năm 2017, tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt khoảng 105.611 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2016, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 40.561 tỷ đồng, tăng 10,61%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 65.050 tỷ đồng, tăng 28,9%.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đạt khoảng 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44%; các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt khoảng 190.930 tỷ đồng, tăng 24,61%. Năm 2017, các DNBH đã chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 29.423 tỷ đồng, tăng 14,92%.

Năm 2018, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu doanh thu 129.246 tỷ đồng, tăng 22,38%; đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 305.497 tỷ đồng; tổng tài sản đạt khoảng 370.818 tỷ đồng.

(Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính ngày 25/12)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2016. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng mức và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống là 494.700 tỷ đồng, bằng 12,6% tổng chung. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 35.900 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ khác đạt 466.300 tỷ đồng, chiếm tương ứng 0,9% và 11,8% trong tổng chung. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/12)

Năm 2017, Việt Nam đón được trên 13 triệu khách du lịch quốc tế (đáp ứng chỉ tiêu được giao tăng 30% về khách quốc tế, ghi nhận mức tăng về khách du lịch lần đầu tiên đạt gần 3 triệu khách/năm); phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỷ đồng. (Theo Tổng cục Du lịch ngày 27/12)

Doanh nghiệp

Trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, với tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 3,1 triệu tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh 45,4% so với năm 2016.

Năm 2017, dòng vốn đầu tư vào khu vực Đông Nam bộ tiếp tục dẫn đầu cả nước, chiếm hơn 52%. Đứng thứ hai là khu vực đồng bằng sông Hồng, chiếm 23,6%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, chiếm 12,4%; đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 5,4%; Trung du và miền núi phía Bắc, chiếm 4,2% và Tây Nguyên chỉ chiếm 1,9%.

Dòng vốn đăng ký đầu tư chủ yếu vào kinh doanh bất động sản, chiếm tới 30%, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chiếm 15,3%; xây dựng chiếm 14,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 11,2%...

(Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/12)

Tính đến ngày 20/12/2017 đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên chỉ có 21 doanh nghiệp có trong danh sách cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt. Tiến độ cổ phần hóa chỉ đạt 47,7% kế hoạch năm.

Xét về giá trị, các doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm nay có tổng giá trị thực tế lên tới hơn 213.700 tỷ đồng, gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016. Ngoài ra, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa gần 88.400 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016.

Trong năm 2018, một số doanh nghiệp lớn sẽ cổ phần hóa như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)…

(Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính ngày 25/12)

Báo cáo Điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 44,8% số doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn so với quý III; 36,5% ổn định và 18,7% khó khăn. Dự báo triển vọng kinh doanh trong quý I/2018, có 48,2% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên, 35,7% ổn định và 16,1% khó khăn. (Theo TTXVN ngày 28/12)

Tổng giá trị thương hiệu của Top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam được ghi nhận đạt 11,279 tỷ USD. Nhiều thương hiệu lớn có mặt trong danh sách này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu về đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu. (Theo Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam và Brand Finance ngày 28/12)

Tăng trưởng

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt cao hơn 6,7%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với năm 2016, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao giúp cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Năng suất lao động dần được cải thiện, việc sử dụng các nguồn lực sản xuất hiệu quả hơn. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 6,5 - 6,8%. (Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 26/12)

Trong năm 2017, GDP tăng khoảng 6,81% so với năm 2016, vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm trong giai đoạn 2011 - 2016. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. (Theo Tổng cục Thống kê ngày ngày 27/12)

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,7% (Quốc hội giao 6,5 - 6,7%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 10% (Quốc hội giao tăng 7 - 8%), trong đó xuất khẩu nông sản, lâm sản và thủy sản đạt 36 - 37 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt; thành lập 135.000 doanh nghiệp mới; tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3% so với dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN khoảng 64,1%; dư nợ công khoảng 63,9%; nợ chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP. (Theo Chính phủ ngày 28/12)

Sản xuất lâm nghiệp

Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2017 đạt 41,45%, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng bình quân 6,57%/năm, năm 2017 đạt khoảng 6,6%. Bên cạnh đó, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản là 7,974 tỷ USD, vượt 5% kế hoạch và tăng 9,2% so với năm 2016. Thặng dư thương mại đạt kỷ lục 5,782 tỷ USD.

Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp thấp, chỉ chiếm khoảng 3 - 3,3% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, toàn ngành phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,6%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,5 - 6%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 7,9 - 8 tỷ USD. (Theo Tổng cục Lâm nghiệp ngày 27/12)

Tổng cầu


Đầu tư

Bộ Giao thông vân tải vừa công bố danh mục dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo danh mục dự án xây dựng, có 8 dự án được đầu tư theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.078 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà nước là 40.362 tỷ đồng. Hiện 8 dự án trên đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến các dự án này sẽ được chuẩn bị đầu tư từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành trong năm 2021.

8 dự án gồm dự án đường bộ cao tốc Mai Sơn - QL45 (tổng mức đầu tư 14.703 tỷ đồng); QL45 - Nghi Sơn (7.769 tỷ), Nghi Sơn - Diễn Châu (8.648), Diễn Châu - Bãi Vọt (13.596 tỷ); Nha Trang - Cam Lâm (5.131 tỷ), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (15.013 tỷ), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (19.648 tỷ) và Phan Thiết - Dầu Giây, Đồng Nai (19.571 tỷ).

(Theo vov.vn ngày 26/12)

Tính từ đầu năm đến ngày 20/12/2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng gần gấp 2 lần so với năm 2014 (20 tỷ USD).

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài với 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng năm 2017.

Theo đối tác đầu tư, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/12)

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong năm 2017 theo giá hiện hành đạt khoảng 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP. Theo đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt khoảng 594.900 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7%, khu vực ngoài Nhà nước đạt 676.300 tỷ đồng, chiếm 40,5% và tăng 16,8% và khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 396.200 tỷ đồng, chiếm 23,8% và tăng 12,8% so với năm 2016. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/12)

Xuất nhập khẩu

Trong năm 2017, cán cân thương xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu mạnh nhất sang Hoa Kỳ đạt 41,5 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016, trong khi nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với kim ngạch đạt 58,5 tỷ USD, tăng 16,9%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/12)

Trong tháng 12/2017, xuất khẩu nông sản, lâm sản và thủy sản đạt khoảng 3,13 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu thuỷ sản chính đạt khoảng 8,32 tỷ USD, tăng 18%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 7,97 tỷ USD, tăng 9,2%. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 27/12)

Kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15/12 đã đạt 3,345 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Rau quả của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, tiếp đến là các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan… Dự kiến, cả năm 2017 xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ 2016. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 24/12)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng và 3 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 30/12, so với ngày 29/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 35,50 - 36,46 triệu đồng/lượng, giảm 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 70 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,54 - 36,61 triệu đồng/lượng, tăng 60 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 70 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,54 - 36,64 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 110 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 8 đồng so với tuần trước với 1 ngày tăng, 4 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 30/12, tỷ giá trung tâm là 22.425 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 29/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm nhẹ so với ngày 29/12 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 22.665 - 22.735 VND/USD, giảm 10 đồng.

- Vietinbank: 22.670 - 22.740 VND/USD, giảm 5 đồng.

Tín dụng

Trong năm 2017:

- Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng năm 2017 đã giảm mạnh từ 11,5% xuống 9,5%, cao hơn gấp 3 lần con số “dưới 3%” mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo là “nợ xấu nội bảng”, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khó đòi bên ngoài giảm.

Năm 2017, ngành ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu; trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng 24,7% so với cuối năm 2016; tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng nợ xấu theo các ngân hàng báo cáo là 65,8%.

Tỷ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của hệ thống đạt 11,1%, nhưng các ngân hàng vẫn đang chịu áp lực tăng vốn lớn, do nếu tính CAR theo chuẩn Basel II thì nhiều đơn vị còn ở dưới mức 8% (chuẩn Basel II là các ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với hiện tại).

- Tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 18,7 - 19,3%, tương đương với mức 19% của năm 2016. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tăng từ 12,3% lên 18%. Trong đó cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính (52,9%) và tăng trưởng mạnh nhất với 76,5%.

Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại tăng lần lượt khoảng 6,5% và 35,2%. Tín dụng có xu hướng giảm tỷ trọng tín dụng trung - dài hạn (từ 55% cuối năm 2016 xuống 53,7% cuối năm 2017). Tín dụng ngoại tệ dù tăng trưởng nhanh nhưng tỷ trọng trong cơ cấu lại giảm từ 8,4% xuống 8,3%.

Tín dụng bằng đồng nội tệ vẫn chiếm chủ yếu. Tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống năm 2017 đạt khoảng 16,9%, giảm mạnh so với 19,3% cuối năm 2016. Trong đó, tỷ trọng huy động vốn có kỳ hạn tăng từ 79,7% lên 80,9%. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn đạt 19,1%, giảm so với năm 2016. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm từ 34,5% xuống 31,2%.

(Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 26/12)

Lạm phát

Trong tháng 12/2017, CPI tăng 0,21% so với tháng 11, tăng 2,6% so với tháng 12/2016. Trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,55% do trong tháng có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, làm CPI chung tăng khoảng 0,13%. CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/12)

Lao động

Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động (khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 - 2017 tăng 4,7%/năm.

Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN nhưng vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và 87,4% của Lào.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chênh lệch năng suất lao động (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD (năm 2006) lên 131.333 USD (năm 2016); của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philipines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/12)

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý III/2017. Theo đó, cả nước có 1,074 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 6.800 người so với quý II và 42.000 người so với quý III/2016. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,21%.

Trong số hơn 1 triệu lao động không có việc làm, có 610.900 lao động thanh niên thất nghiệp, tăng 35.800 so với quý II. Đáng chú ý, số người thất nghiệp có trình độ đại học là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý II. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51% (quý trước là 3,63%).

(Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 27/12)

Kiều hối

Trong 11 tháng năm 2017, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh đạt 4,55 tỷ USD. Lượng kiều hối chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, chiếm 60%, châu Âu đạt gần 20%. Với tốc độ này, lượng kiều hối trong năm 2017 về thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016, do kinh tế vĩ mô trong nước thời gian qua ổn định và sức ép tăng tỷ giá không còn. (Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/12)

Dự trữ ngoại hối

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã nâng mức dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 51,5 tỷ USD, bao gồm cả mua lại số ngoại tệ từ kết quả thoái vốn nhà nước tại Sabeco. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm, tín dụng đã tăng khoảng 19%. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 27/12)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 25/12 - 29/12/2017, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 5 phiên tăng điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 7,52 điểm (0,77%) lên 984,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt192,31 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.236,95 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 5 phiên tăng điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,14 điểm (0,12) lên 116,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt46,9triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 799,66 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,58 điểm (1,08%) lên 54,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt14,72triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 254,1 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 27,43 triệu đơn vị, trị giá 1.824,15 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là MWG với khối lượng 4,48 triệu đơn vị, trị giá 627,07 tỷ đồng; cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là NVL với khối lượng 3,64 triệu cổ phiếu, trị giá 224,72 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 25/12. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 22,45 triệu đơn vị, trị giá 1.681,81 tỷ đồng, giảm 26% về lượng, nhưng tăng 72,83% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,88 triệu đơn vị, trị giá 28,21 tỷ đồng, giảm 14,55% về lượng và 44,61% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp, với khối lượng 3,1 triệu đơn vị, trị giá 114,13 tỷ đồng, giảm 29% về lượng và 20,45% về giá trị so với tuần trước.

Trái phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường hiện có 612 mã trái phiếu niêm yết với giá trị đạt 1.015 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cuối năm 2016 và tương đương khoảng 23% GDP.

Bên cạnh đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, mặc dù quy mô niêm yết trong năm 2017 chỉ tăng 8,4% so với năm 2016 nhưng quy mô giao dịch tăng 33%. Giá trị giao dịch bình quân đạt trên 8,8 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng gần 40% so với năm 2016. (Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 26/12)

Chính sách

Nghị định số 147/2017/NĐ-CP:

Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

SCIC không được đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của SCIC.

Việc xác định giá khởi điểm khi bán phần vốn nhà nước phải bảo đảm phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định pháp luật, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác (nếu có) của doanh nghiệp tại thời điểm bán vốn.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2017.