Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 8-12/5/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong năm 2017 và 2018 sẽ tăng từ 6,2% (năm 2016) lên bình quân 6,4%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 26% trong năm 2017 và 2018, bằng tốc độ tăng trưởng trong năm 2016. Hệ thống ngân hàng có thể thiếu hụt vốn khoảng 5,1 - 6,1 tỷ USD vào cuối năm 2017, tương ứng 2,5 - 3% GDP Việt Nam. (Theo báo cáo “Banks - Vietnam: Capital Shortfall Remains Key Credit Burden” của Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 08/5)

Tốc độ tăng trưởng GDP của ASEAN sẽ đạt 4,9% trong năm 2017 và 5,1% trong năm 2018, nhờ sự phát triển nhanh của các nước như Việt Nam và Philippines. Năm 2017 và 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6%; Philippines đạt 7% và Myanmar đạt trên 7%. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 6%, Nhật Bản đạt 1%. Những khó khăn, thách thức đối với các nền kinh tế trong khu vực đến từ chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, việc FED tăng lãi suất, lạm phát tăng. (Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 ngày 09/5)

Ngày 10/5, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành 3 nghị quyết về kinh tế, gồm: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (ii) Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; (iii) Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 10/5)

Nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2017, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2016, tiếp tục dẫn đầu toàn cầu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 sẽ đạt khoảng 6,5% - dẫn đầu khu vực châu Á và 6,3% trong năm 2018, nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa, sản lượng nông nghiệp hồi phục và lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng. (Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do IMF công bố ngày 09/5)

Doanh nghiệp

Moody’s đã nâng xếp hạng tiền gửi dài hạn và nhà phát hành của VPBank từ B3 lên B2, mức đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) tăng từ Caa1 lên B3 nhờ cải thiện chỉ số sinh lợi với tăng trưởng lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng đạt 62% trong năm 2016, triển vọng xếp hạng tín nhiệm dài hạn tiếp tục giữ ở mức “ổn định”. (Theo Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ngày 06/5)

Moody's đã giữ nguyên mức xếp hạng của VIB, đồng thời nâng xếp hạng triển vọng tiền gửi nội tệ, phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ từ “ổn định” lên “tích cực”. VIB tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng có chỉ số xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. (Theo Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) ngày 05/5)

Trong 4 tháng đầu năm 2017, đã có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 2.468tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 564 tỷ đồng; vốn điều lệ của 9 doanh nghiệp là 878,5 tỷ đồng, bao gồm Nhà nước nắm giữ 412,9 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 347,3 tỷ đồng, bán cho người lao động 14,3 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 9,3 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 94,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị đã thoái vốn được 3.101 tỷ đồng, trong đó SCIC đã bán vốn tại 16 doanh nghiệp với giá trị là 1.353 tỷ đồng, thu về 12.190 tỷ đồng. (Theo Bộ Tài chính ngày 09/5)

Kết thúc quý I/2017, Petrolimex đạt doanh thu thuần 35.801 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 254 tỷ đồng, tăng 41% (chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay, lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tài chính khác), hoạt động liên doanh, liên kết mang lại 172 tỷ đồng doanh thu, tăng 11%; lãi gộp đạt 3.182 tỷ đồng, tăng 8%. Do đó, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.106 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 989 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) tương ứng 868 đồng. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex ngày 08/5)

Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Quỹ bình ổn giá (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ ngày 05/5) còn dư 2.140 tỷ đồng, giảm 35 tỷ đồng so với kỳ công bố mới nhất (ngày 20/4). Trước đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu trong nước, từ 15 giờ ngày 05/5, xăng RON 92 giảm 309 đồng/lít, xăng E5 giảm 314 đồng/lít, dầu diesel 0,05S giảm 216 đồng/lít, dầu hỏa giảm 285 đồng/lít và dầu mazút 3,5S giảm 64 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh, mức trần mới đối với xăng RON 92 là 17.274 đồng/lít, xăng E5 là 17.068 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 13.603 đồng/lít, dầu hỏa là 12.053 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 10.902 đồng/kg. Đây là lần giảm giá xăng dầu thứ 4 (trong tổng số 8 lần điều chỉnh) kể từ đầu năm 2017. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 05/5)

Sản xuất công nghiệp

Trong tháng 4/2017, số xe ô tô được bán trên thị trường Việt Nam là 21.942 xe, giảm 18% so với tháng 3/2017 và giảm 15% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó có 16.453 xe lắp ráp trong nước (giảm 10%) và 5.489 xe nhập khẩu nguyên chiếc (giảm 35%) . Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 4 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016. Xe ô tô du lịch tăng 10%; xe thương mại giảm 8% và xe chuyên dụng giảm 18%; xe lắp ráp trong nước giảm 5% trong khi xe nhập khẩu tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ngày 08/5)

Tổng cầu


Đầu tư

Ban Giám đốc WB đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá gần 315 triệu USD nhằm cải thiện hệ thống giao thông đường thủy phía Bắc, các công trình giao thông, vệ sinh môi trường tại một số thành phố ven biển miền Trung Việt Nam.Trong đó tài trợ 236 triệu USD (gồm 190 triệu USD từ nguồn Hiệp hội Phát triển Quốc tế và 46 triệu USD từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) cho Dự án bền vững môi trường tại các thành phố ven biển Việt Nam; 78,74 triệu USD còn lại do Hiệp hội Phát triển Quốc tế tài trợ thêm cho Dự án phát triển giao thông vùng đồng bằng Bắc bộ nhằm xây dựng con kênh mới nối sông Đáy và sông Ninh Cơ. (Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ngày 06/5)

WB đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 14 chương trình, dự án trị giá 2,1 tỷ USD. Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA. Do vậy, các khoản vay của Việt Nam trong giai đoạn thực hiện Khung Đối tác quốc gia (CPF) 2018 - 2022 sẽ là vốn vay từ Ngân hàng Quốc tế về tái thiết và phát triển(IBRD) và vốn IDA chuyển đổi (IDA không ưu đãi). (Theo WB tại Việt Namngày 11/5)

Nhà sản xuất năng lượng hàng đầu của Hàn Quốc là POSCO Energy đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho phép xây nhà máy điện than thứ hai tại Việt Nam. Đó là Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập II (được xây dựng tại Nghệ An) với chi phí đầu tư ước khoảng 2,5 tỷ USD gồm 2 tổ máy với tổng công suất sản xuất hằng năm là 1.200 MW (gồm 2 lò phản ứng 600 MW). Dự kiến thời gian khởi công là năm 2022 và hoàn thành vào năm 2026. POSCO sẽ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 25 năm sau khi xây dựng sau đó sẽ chuyển quyền sở hữu cho Chính phủ Việt Nam. (Theo Hàn Quốc Pulse News ngày11/5)

Xuất nhập khẩu

Sản lượng nuôi, trồng thủy sản biển (bao gồm tôm và tôm hùm, cá biển, trai ngọc, nhuyễn thể khác, tảo và rong biển, các hải sản khác) dự báo đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 - 35 tỷ USD; riêng nuôi cá biển có thể đạt 1 triệu tấn/năm, kim ngạch đạt khoảng 8 tỷ USD.Để đạt được những kết quả trên, trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế chính sách quốc gia để thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ ngành nuôi, trồng thủy sản biển phát triển bền vững; tập trung vào một số giải pháp như: Bổ sung trang trại nuôi, trồng thủy sản biển công nghiệp và hoạt động nuôi biển vào Danh mục được hưởng ưu đãi theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; thành lập nhóm chỉ đạo nuôi, trồng thủy sản biển công nghiệp; thiết lập và thực hiện chương trình giám sát và kiểm tra môi trường nuôi, trồng thủy sản biển, chương trình tái tạo môi trường sinh thái biển… (Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) ngày 05/5)

Trong tháng 4/2017, tổng giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu cả nước đạt gần 34,91 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng 3/2017; lũy kế 4 tháng đầu năm 2017 đạt 126,1 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2016 (tổng trị giá xuất khẩu đạt 62,11 tỷ USD, tăng 16,8% và tổng trị giá nhập khẩu đạt gần 64 tỷ USD, tăng 24%). Tính đến hết tháng 4/2017, Việt Nam nhập siêu gần 1,89 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 09/5)

Tổng khối lượng xăng dầu mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2017 là 986.462 tấn, trị giá hơn 604,8 triệu USD, tăng 105% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2016, do Hàn Quốc hiện là thị trường có mức thuế nhập khẩu xăng, dầu ưu đãi nhất nhờ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) có hiệu lực. Trong đó, thuế suất đối với xăng là 10%, thấp hơn 10 điểm phần trăm so với các thị trường khác; dầu diesel là 0%, bằng với mức thuế nhập khẩu từ ASEAN nhưng thấp hơn 5 điểm phần trăm so với các thị trường khác. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 09/5)

Từ đầu năm đến ngày 30/4/2017, tổng kim ngạch của 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt 44,46 tỷ USD, chiếm 71,61% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (hơn 62,09 tỷ USD). Đứng đầu là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch 12,15 tỷ USD, tăng 6,86% so với cùng kỳ năm 2016; thứ hai là hàng dệt may trị giá 7,48 tỷ USD, tăng 9,36%; thứ ba là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trị giá 7,35 tỷ USD, tăng 45,83%. Các vị trí tiếp theo là giầy dép các loại(4,28 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác(4,02 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ(2,41 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (2,22 tỷ USD);hàng thủy sản (2,15 tỷ USD);cà phê(1,33 tỷ USD); túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù (1,07 tỷ USD). (Theo Tổng cục Hải quan ngày 11/5)

Ngân sách nhà nước

Trong 4 tháng đầu năm 2017: (i) Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 396,47 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó thu nội địa ước đạt 325,9 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; thu dầu thô ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán năm, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu (sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ) đạt khoảng 37 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán năm, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2016; (ii) Tổng chi NSNN ước đạt 393,38 nghìn tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 68,56 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2% dự toán năm, tăng 20%; chi trả nợ lãi đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán năm, tăng 10%; chi thường xuyên đạt 287,35 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán năm, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Tài chính ngày 09/5)

Trong 4 tháng đầu năm 2017, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản vốn NSNN tập trung của ngành nông nghiệp ước đạt 791,1 tỷ đồng, bằng 20,7% kế hoạch; trong đó, vốn trong nước thực hiện ước đạt 212,7 tỷ đồng; vốn ngoài nước thực hiện ước đạt 578,4 tỷ đồng. Tổng số vốn kế hoạch năm 2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là 4.158,09 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 1.418,89 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 2.739,2 tỷ đồng. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 07/5)

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng giá trị tài sản nhà nước tại cơ sở dữ liệu quốc gia (tính theo nguyên giá) là 1.044.899,47 tỷ đồng, tăng 31.404,67 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất 682.538,52 tỷ đồng, tài sản là nhà 265.068,38 tỷ đồng, tài sản là ô tô 23.986,30 tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản là 73.306,27 tỷ đồng. (Theo Chính phủ ngày 11/5)

Trong 4 tháng đầu năm 2017, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi khoảng 232 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 53 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển, qua đó phát hiện hơn 4nghìn khoản chi không đúng thủ tục, chế độ quy định; đồng thời không chấp nhận thanh toán khoảng 17 tỷ đồng. (Theo Kho bạc Nhà nước ngày 12/5)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng, 3 ngày giảm. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 13/5), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,40 - 36,64 triệu đồng/lượng, không thay đổi ở chiều mua vào và tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày 12/5.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,50 - 36,56 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 12/5.

- Doji: 36,49 - 36,57 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 12/5.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 22 đồng với 4 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 13/5), tỷ giá trung tâm là 22.375 NVD/USD giá không đổi so với tỷ giá ngày 13/5, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mạnh so với ngày 12/5 như sau:

- Vietcombank: 22.655 - 22.725 VND/USD, giảm 15 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV và Vietinbank: 22.650 - 22.720 VND/USD, giảm 15 đồng ở cả 2 chiều.

Tín dụng

Tính hết tháng 4/2017, tăng trưởng tín dụng ước đạt 5,2%, cao hơn mức tăng 4,2% của cùng kỳ năm 2016 và cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn, giảm tỷ trọng trung - dài hạn. Huy động vốn 4 tháng đầu năm 2017 tăng 3,7%, giảm tốc so với mức tăng 4,6% của cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tín dụng tăng cao ngay từ đầu năm; một số ngân hàng thương mại cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước. (Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ngày 10/5)

Lao động

Việt Nam có 75% lao động trong ngành điện tử, 86% trong ngành dệt may, da giầy đang phải đối mặt với nguy cơ bị thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ, máy tính và số hóa. Bên cạnh đó, thị trường lao động trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức gồm: Toàn cầu hóa, chuyên môn hóa; sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động… (Theo Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO ngày 11/5)

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tháng 4/2017, nhu cầu trái phiếu chính phủ (TPCP) vẫn ở mức cao, khi tổng khối lượng dự thầu các loại kỳ hạn gấp khoảng 2,7 lần tổng khối lượng gọi thầu, trong đó tập trung vào kỳ hạn từ 10 năm trở lên; lãi suất phát hành TPCP tăng đối với kỳ hạn 5 và 7 năm, giảm đối với các kỳ hạn từ 15 - 30 năm so với cuối tháng 3/2017. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, khối lượng TPCP huy động trên thị trường là 81,581 nghìn tỷ đồng, đạt 44,5% kế hoạch phát hành (183,3 nghìn tỷ đồng), đồng thời đã phát hành 23 nghìn tỷ đồng TPCP cho bảo hiểm xã hội, đạt 38,3% kế hoạch phát hành (60 nghìn tỷ đồng).

(Theo Bộ Tài chính ngày 09/5)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 08/5 - 12/5/2017, thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 0,38 điểm (0,05%) lên 725,37 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt219,49 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.883,4 tỷ đồng/ ngày.

- HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,18 điểm (0,2%) lên 90,08 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt50,82triệu đơn vị/ ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 531,89 tỷ đồng/ ngày.

- Upcom-Index có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,14 điểm (-0,25%) xuống 57,6 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt5,22triệu đơn vị/ ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 91,29 đồng/ ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2.799.420 đơn vị, tuy nhiên xét về trị giá họ mua ròng 172,96 tỷ đồng so với tuần trước; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là PLX với khối lượng đạt 3,52 triệu đơn vị, trị giá 168,51 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là VIC với khối lượng đạt 1,54 triệu cổ phiếu, trị giá 62,56 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 899.420 đơn vị, giảm 98% so với tuần trước. Tuy nhiên, xét về giá trị họ mua ròng 177,38 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 242,3 tỷ đồng.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 3,79 triệu đơn vị, trị giá 55,66 tỷ đồng, trong khi tuần trước mua ròng 763.234 đơn vị, trị giá 8,2 tỷ đồng.

- UPCoM: Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 1,89 triệu đơn vị, trị giá 51,24 tỷ đồng, cùng gấp hơn 3,5 lần cả về lượng và giá trị so với tuần trước đó.

Chính sách

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế” với tổng kinh phí 102,2 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế 62,2 tỷ đồng.

- Mục tiêu: Nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy định chặt chẽ về sản xuất từ nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh...) đến chế biến xuất khẩu ra thị trường (nguyên liệu vào nhà máy, chế biến, đóng gói bao bì...).

- Bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn thủy sản các quy định về truy xuất nguồn gốc, quy định trách nhiệm bảo quản, chế biến và tiêu thụ xuất khẩu, quản lý một cửa chuyên nghiệp được chấp nhận trong các FTA trên nền tảng tiêu chuẩn quốc tế.

Quyết định số 547/QĐ-TTg

Ngày 20/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 547/QĐ-TTg về việc giao Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020. Tổng vốn NSNN dành cho đầu tư trung hạn là 1.863.829 triệu đồng. Cụ thể, vốn dành cho ngành xã hội là 1.197.590 triệu đồng; giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp 330.511 triệu đồng; khoa học, công nghệ 102.528 triệu đồng; y tế, dân số và vệ sinh an toàn thực phẩm 232.700 triệu đồng; quản lý nhà nước 500 triệu đồng. Nguồn vốn này không bao gồm dự phòng chưa phân bổ.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2017.