Kinh tế tài chính Trung Quốc năm 2009 và dự báo cho năm 2010
TCTC Online - Để đối phó với những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và suy thoái toàn cầu, kể từ cuối năm 2008 Trung Quốc đã thi hành một loạt các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2009, kinh tế Trung Quốc đã có mức tăng trưởng 7,7%. Về cơ bản, cùng với nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2010 và những diễn biến kinh tế tài chính của nước láng giềng này sẽ có một số tác động đến kinh tế Việt Nam.
Các động thái chính sách
Chính sách tài chính:
Về chính sách chi, Trung Quốc đã đưa ra gói kích cầu trị giá 4000 tỷ NDT và thực hiện đến năm 2010. Ngay trong quý IV/2008, 104 tỷ NDT đã được chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và công trình dân sinh. Sang năm 2009, mức đầu tư của Chính phủ tăng cao và dự toán đầu tư công là 908 tỷ NDT.
Trong đó, khoảng 231,7 tỷ NDT được dùng để xây dựng đường sắt, đường quốc lộ, sân bay và cảng; 208,1 tỷ NDT được đầu tư cho các công trình dân sinh và cơ sở hạ tầng nông nghiệp; 130 tỷ NDT đầu tư tái thiết khu vực bị động đất; 71,3 tỷ NDT chi cho giáo dục, y tế; 68 tỷ NDT chi cho xây dựng môi trường sinh thái và giảm thiểu chất thải; 49,3 tỷ NDT chi cho xây dựng nhà ở mang tính bảo trợ; 45,2 tỷ NDT chi cho khuyến khích doanh nghiệp tự chủ, sáng tạo, cải tạo khoa học kỹ thuật và phát triển dịch vụ. Trong năm 2009, Trung Quốc đã chi cho tam nông 716,14 tỷ NDT, tăng 120,59 tỷ NDT (20,2%). Về tổng thể, chi tài khóa đã tăng 24% trong 9 tháng đầu năm 2009.
Về chính sách thu, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thực hiện miễn giảm thuế, tăng mức hoàn thuế xuất khẩu một cách hợp lý nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Từ ngày 1/1/2009, Trung Quốc đã thực thi cải cách chuyển đổi mô hình thuế GTGT.
Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện tăng tiêu chuẩn giảm trừ thuế thu nhập cá nhân, xoá bỏ và giảm thuế nhập khẩu đối với một số hàng hoá, giảm thuế tem và chuyển sang thu đơn phương, tạm miễn thuế thu nhập cá nhân cho thu nhập từ giao dịch chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm, giảm thuế giao dịch nhà…Trong năm qua, Bộ tài chính Trung Quốc cũng thúc đẩy cải cách thuế đối với các sản phẩm xăng dầu, xoá bỏ và dừng thu hơn 100 loại phí hành chính, điều chỉnh tăng mức hoàn thuế xuất khẩu nhiều lần…. Dự tính, những chính sách này sẽ giảm được 550 tỷ NDT cho doanh nghiệp và dân chúng.
Chính sách tiền tệ:
Kèm theo chính sách tài chính mở rộng là chính sách tiền tệ nới lỏng. Trung Quốc đã thực hiện chính sách nới lỏng tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp.
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mở rộng giới hạn sàn của lãi suất cho vay mua nhà ở cá nhân mang tính thương mại bằng 0,7 lần lãi suất cho vay cơ bản; điều chỉnh mức tiền trả lần đầu thành 20%. Đồng thời, Ngân hàng Nhân dân còn tiến hành giảm dự trữ bắt buộc 4 lần.
Cùng với việc điều chỉnh lãi suất và tỷ lệ dự trữ, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc còn ban hành một loạt các chính sách tiền tệ nới lỏng thích hợp. Ngày 10/11/2008, Ngân hàng Nhân Dân tuyên bố xoá bỏ hạn mức quy mô cho vay tín dụng đối với các ngân hàng thương mại, mở rộng hợp lý quy mô cho vay tín dụng, nỗ lực tối ưu hoá cơ cấu cho vay, khuyến khích và chỉ đạo các tổ chức tài chính mở rộng quy mô cho vay xuất khẩu.
Trên thị trường mở, Ngân hàng Nhân dân đã thực thi nhiều thao tác phù hợp như duy trì mức độ hợp lý của tính thanh khoản; cuối năm 2008 từng bước giảm phát hành trái phiếu, tạm dừng phát hành trái phiếu ngân hàng trung ương có kỳ hạn 3 năm, đồng thời giảm tần suất phát hành trái phiếu ngân hàng trung ương có kỳ hạn 1 năm và 3 tháng.
Cùng với việc thực thi một loạt các chính sách, vốn cho vay trong nước tiếp tục được tăng cường, mức độ khuyến khích đối với nền kinh tế đã từng bước được đẩy mạnh, vì vậy về tổng thể chính sách tiền tệ nới lỏng phát huy tác dụng truyền dẫn hiệu quả. Theo Ngân hàng Nhân dân, 9 tháng đầu năm 2009, các khoản cho vay mới bằng đồng NDT là 8670 tỷ NDT, tăng 5190 tỷ NDT so với cùng kỳ. Trong đó, các khoản vay mới của cư dân tăng 1840 tỷ NDT, của DNVVN tăng 3080 tỷ NDT.
Chính sách tỷ giá:
Kể từ cuối năm 2008, Trung Quốc đã thực hiện chính sách ổn định tỷ giá NDT/USD. Khi đồng USD có xu hướng bị mất giá, đây là chính sách hợp lý để kích thích xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới bị sụt giảm. Đồng thời, để thúc đẩy xuất khẩu, bộ phận quản lý ngoại hối của Trung Quốc cũng đã đưa ra một số chính sách khác. Tháng 3/2009, để thúc đẩy dịch vụ huy động vốn thương mại phát triển lành mạnh, lần đầu tiên trong 3 năm qua, cục quản lý ngoại hối quốc gia đã tăng chỉ tiêu nợ nước ngoài trong ngắn hạn của các tổ chức tài chính.
Đáng chú ý là các tổ chức tài chính phải dùng phần tăng thêm đó để khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Dự báo, năm 2010 xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh, song vẫn khó có thể đạt được mức trước đó và cần phải mất từ 2-3 năm nữa để Trung Quốc đạt được mức 2500 tỷ USD.
Kinh tế phục hồi và triển vọng năm 2010
Với những chính sách hỗ trợ cầu trong nước nêu trên để bù đắp lại sự suy giảm của xuất khẩu trong những tháng đầu năm, kinh tế Trung Quốc đã đạt được những bước phục hồi đáng kể. Tăng trưởng GDP đã đạt 6,1% trong quý I, 7,9% trong quý II và ấn tượng với 8,9% trong quý III/2009. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc đã có mức tăng trưởng 7,7%. Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng 4%, công nghiệp tăng 7,5% và dịch vụ tăng 8,8%. Mục tiêu tăng trưởng cả năm 8% của Trung Quốc là hoàn toàn khả thi.
Chính sách tỷ giá cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc dần phục hồi trở lại; Doanh thu nhà đất tăng trở lại cũng đã bắt đầu giúp vực dậy hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những rủi ro không nhỏ từ việc duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng. Một trong những rủi ro lớn nhất là nguy cơ hình thành bong bóng giá tài sản.
Cùng với nền kinh tế thế giới, về cơ bản, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2010. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần phải vượt qua như việc kinh tế toàn cầu có thể sẽ phục hồi chậm do tiêu dùng của Mỹ yếu và dẫn đến xuất khẩu của Trung Quốc chưa thể tăng mạnh. Kinh tế Trung Quốc hiện vẫn phụ thuộc vào các kích thích nhu cầu trong nước. Trong một vài năm tới, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng về lâu dài, Trung Quốc chỉ có được sự tăng trưởng bền vững nếu dựa vào cầu nội địa. Đây cũng là hướng chính sách Trung Quốc đang thực hiện.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn có khả năng đáp ứng mục tiêu 8% mà chính phủ đặt ra (theo dự báo của WB là 8,4% năm 2009 và 8,7% năm 2010). Lạm phát sẽ tiếp tục ở mức khiêm tốn với 2% trong năm 2010. Thặng dư cán cân vãng lai của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2009 (5,6% GDP) và tiếp tục giảm trong năm 2010 (còn 4,1% GDP). Triển vọng tăng trưởng trung hạn được dự báo sẽ ít thuận lợi hơn.
Những tác động tới kinh tế Việt Nam
Là nước láng giềng với Trung Quốc và cũng đang thực hiện chuyển đổi nền kinh tế, trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có một số điểm chung là: đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, xét về trình độ phát triển, Trung Quốc đã vượt Việt Nam trên nhiều phương diện.
Về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam và Trung Quốc vừa là bạn hàng, vừa là đối thủ cạnh tranh. Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô, nhiên liệu...của Việt Nam và cùng cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường các nước phát triển các mặt hàng may mặc, quần áo, giày dép... Trung Quốc là một trong những nước đứng đầu có FDI vào Việt Nam, đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh trong thu hút luồng vốn đầu tư từ các nước phát triển khác vào khu vực châu Á.
Những diễn biến kinh tế tài chính vĩ mô của Trung Quốc trong năm 2009 có một số nét chính có tác động đến kinh tế Việt Nam như sau:
Về thương mại:
Là một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, suy thoái kinh tế Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác đã tác động mạnh tới xuất khẩu của Trung Quốc với các mức sụt giảm hai con số liên tiếp trong 9 tháng đầu năm 2009. Xuất khẩu suy giảm khiến Trung Quốc đã lâm vào tình trạng dư thừa công suất, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc phải tạm ngừng sản xuất.
Điều này tất yếu có tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị giảm sút sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm theo, bởi nhu cầu của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc đối với hàng Việt Nam giảm đi (do thu nhập giảm), đồng thời hàng hoá của Trung Quốc cũng được bán rẻ hơn tại chính nước họ, tăng sức ép cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh việc xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị sụt giảm, và nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sự cạnh tranh giữa hàng hóa của hai nước vào các thị trường chủ chốt khác như thị trường Mỹ, EU, các nước ASEAN sẽ càng khốc liệt hơn. Trên các thị trường chủ chốt của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản nếu xét trên phương diện thị phần của hàng xuất khẩu của Việt Nam so với Trung Quốc thì chúng ta chỉ chiếm một thị phần tương đối nhỏ. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh lại không phải là nhỏ do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này cũng tương tự như của Trung Quốc, đặc biệt là hàng dệt may, giày da, thực phẩm.
Từ tháng 1/1994 đến năm 2006, kể cả khi cuộc khủng hoảng tiền tệ trong khu vực đã xảy ra và dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, đồng NDT vẫn được cố định so với đồng USD. Tiếp đó, từ năm 2006 cho tới nay, về danh nghĩa đồng NDT liên tục tăng giá so với các đồng tiền khác. Trong năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng, chính sách tỷ giá của Trung Quốc là không tăng giá đồng NDT nhằm tăng cường hỗ trợ xuất khẩu, điều này thể hiện trong tỷ giá của đồng NDT so với các đồng tiền khác tương đối ổn định trong năm 2009.
Trong năm 2010, xu hướng này có khả năng vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên, so với VND, đồng NDT chỉ tiếp tục tăng giá về danh nghĩa. Về giá trị thực, VND vẫn bị định giá cao so với NDT do lạm phát của Việt Nam cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Về đầu tư:
Dòng FDI từ Trung Quốc chiếm một vai trò khá quan trọng và là một trong số 15 nước hàng đầu xét về tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đồng thời, trong khu vực, Trung Quốc cũng lại là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các nước phát triển. Tính đến hết tháng 10/2009, Trung Quốc có 661 dự án FDI vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD. Tính về số lượng dự án, Trung Quốc đứng sau Hàn Quốc (2283 dự án), Nhật Bản (1154 dự án), Đài Loan (2010 dự án), Singapore (758).
Tuy nhiên, với những kế hoạch kích cầu khổng lồ, Trung Quốc đang trở thành một trung tâm thu hút những nguồn đầu tư từ trong và ngoài nước. Các dòng vốn nhàn rỗi hiện nay đang rất cần đầu ra. Bởi vậy, nếu Việt Nam không có những chính sách đủ tầm, không tạo ra được những điều kiện an toàn và thuận lợi, các dòng vốn của cả Trung Quốc lẫn các nước khác có thể sẽ vào Việt Nam ít hơn.