Kinh tế thế giới: tăng trưởng thấp, bất ổn cao...

PGS., TS. NGUYỄN THỊ TƯỜNG ANH, TS. PHẠM THỊ MỸ HẠNH, ThS. NGUYỄN THỊ MINH THƯ - Đại học Ngoại thương

Nền kinh tế thế giới năm 2018 đánh dấu những bất ổn và biến động khó lường bởi những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Điều này khiến dự báo về triển vọng kinh tế thế giới không thật sự tươi sáng cho năm 2019. Dự báo, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại, sự phục hồi của Nhật Bản còn yếu, trong khi Mỹ được cho là sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm 2019.

Kinh tế thế giới năm 2018: Đối mặt nhiều thách thức

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2018 có nhiều mảng màu tươi sáng với những chuyển biến tích cực về tăng trưởng kinh tế, điều này khiến nhiều tổ chức kinh tế, tài chính đều kỳ vọng về sự chuyển mình của kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, kết quả lại dường như đi ngược với kỳ vọng đó. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến cho nỗ lực của các quốc gia, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để tạo đà cho phát triển chưa thật sự hiệu quả. Hệ lụy của cuộc chiến này không dừng lại ở ranh giới hai quốc gia mà còn lan rộng ra trên toàn thế giới, khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị chậm lại, giá dầu có chiều hướng gia tăng, cùng sự lao dốc của đồng Bitcoin. Cụ thể:

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã không ngừng leo thang trong thời gian qua, để lại những tác động không nhỏ tới nền kinh tế của hai quốc gia này cũng như nền kinh tế thế giới nói chung.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đánh giá là cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới diễn ra từ ngày 22/3/2018 với sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump ký biên Bản ghi nhớ chỉ đạo việc áp thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc để ngăn chặn các hoạt động thương mại không công bằng, cũng như hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974.

Về các hành vi thương mại không công bằng, ngoài hàng rào thuế quan cao với mức thuế suất trung bình là 9,6%, mức thuế này cao hơn rất nhiều so với mức thuế suất trung bình của Hoa Kỳ là 3,5%, Trung Quốc cũng bị cáo buộc đã sử dụng nhiều hàng rào thương mại phi thuế quan để bảo hộ cho các doanh nghiệp (DN) nội địa như trợ cấp tài chính và trợ giá cho các DN trong nước, hay cấm một số công ty kinh doanh một số lĩnh vực. Cùng với những cáo buộc trên, ngày 6/7/2018 là cột mốc đầu tiên cho việc hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ ngày 22/3/2018 khi chính quyền Tổng thống Trump áp thuế suất 25% cho 818 mặt hàng của Trung Quốc với giá trị 34 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có lộ trình đánh thuế 284 mặt hàng khác của Trung Quốc với trị giá 16 tỷ USD, nâng tổng giá trị đánh thuế lên 50 tỷ USD. Ngay sau đó, Trung Quốc đã có những đáp trả mạnh mẽ khi áp thuế 25% lên 545 mặt hàng của Mỹ với giá trị 34 tỷ USD. Đó chỉ là những động thái ban đầu, những leo thang trả đũa áp thuế hàng hóa lẫn nhau giữa chính quyền Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng chóng mặt. Các nỗ lực đàm phán thương mại cấp cao giữa hai bên không mang lại kết quả, đỉnh điểm là việc hủy bỏ chương trình đàm phán ngày 22/9/2018, ngay trước thời điểm Mỹ đánh thuế tăng thêm 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tính đến tháng 12/2018, chính quyền Mỹ đã thực hiện đánh thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc với tổng giá trị 250 tỷ USD, thậm chí đe dọa tăng giá trị này lên 267 tỷ USD trong thời gian tới. Đáp trả lại những động thái trên, Trung Quốc đã đánh thuế 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ xuất sang Trung Quốc (China Briefing, 2018).

Tuy nhiên, sau những lần trả đũa thương mại liên tiếp giữa hai bên, đầu tháng 12/2018, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, phía Mỹ và Trung Quốc đã có thỏa thuận tạm dừng việc gia tăng căng thẳng thương mại, không tăng thuế hoặc áp thuế mới trong vòng 90 ngày (cho đến ngày 01/3/2019). Ngày 14/12/2018, Trung Quốc đã có động thái thể hiện thiện chí khi tuyên bố giảm 25% thuế đã tăng trước đó đối với xe ô tô và 5% thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu từ Mỹ trong vòng 3 tháng, tính từ ngày 01/01/2019. Cùng với đó, Trung Quốc cũng nối lại việc nhập khẩu đậu tương của Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt có thể khiến cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trở nên khó đoán định hơn.

Kinh tế thế giới: tăng trưởng thấp, bất ổn cao... - Ảnh 1

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Từ cuối năm 2017, các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đã có những dự báo lạc quan về kinh tế toàn cầu năm 2018 tăng trưởng cao hơn năm 2017. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của không chỉ hai quốc gia mà còn tác động đến các nền kinh tế lớn khác.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý IV/2018 đạt 6,5%. Mức tăng trưởng thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Mặc dù trong quý IV/2018, xuất khẩu của Trung Quốc đạt 226,69 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 195 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ khiến tăng trưởng của Trung Quốc quý IV/2018 bị suy giảm và đà suy giảm này có thể kéo sang năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cả năm 2018 ước đạt 6,6% so với mức 6,9% năm 2017.

Tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý IV/2018 đạt mức 3,4%, thấp hơn mức 3,5% được dự báo trước đó. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ ra nước ngoài giảm 4,9%, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc giảm sau. Nhập khẩu các mặt hàng của Mỹ tăng 9,3% trước khi chính sách thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực. Cả IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều dự báo, tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2018 có thể đạt 2,9%.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng có mức tăng trưởng khác nhau. Trong khi tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh trong quý III/2018 đạt mức cao nhất là 0,6% kể từ tháng 12/2016, khiến OECD dự báo tăng trưởng cả năm 2018 của nước Anh đạt 1,3%. Tăng trưởng của khu vực Eurozone cả năm 2018 được dự báo là 1,9%. Khu vực Mỹ Latin, con số tương ứng cho Mexico và Brazil là 2,2% và 1,2%. Riêng ở Argentina, suy thoái kinh tế làm GDP giảm 2,8% trong năm 2018. Tuy có sự suy giảm ở một số nền kinh tế lớn, cả IMF và OECD đều duy trì mức tính toán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 là 3,7% như mức dự báo được đưa ra cuối năm 2017.

Sự biến động giá dầu trên thị trường thế giới

Năm 2018, chứng kiến sự dao động mạnh của giá dầu trên thị trường thế giới. Ngoại trừ giai đoạn tháng 02/2018, giá dầu giảm xuống ở mức 63 USD/thùng, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá dầu ổn định ở mức từ 70 - 75 USD/thùng. Giai đoạn từ tháng 6 - 8/2018, giá tăng trong ngưỡng 75 - 80 USD/thùng và đến đầu tháng 10/2018, giá dầu thô đột ngột tăng lên mức 87 USD/thùng, là mức tăng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, chỉ sau 6 tuần, đến giữa tháng 11/2018, giá dầu giảm hơn 20 USD/thùng. Các chuyên gia cho rằng, có 4 nguyên nhân dẫn tới sự lao dốc của giá dầu: (i) Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm; (ii) Sản lượng khai thác và cung ứng dầu mỏ của các quốc gia tăng, không chỉ ở các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà ở cả các quốc gia như Nga, Mỹ; (iii) Cầu dầu mỏ tăng chậm hơn so với dự báo do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; (iv) Quyết định của Mỹ cho phép 8 quốc gia được nhập khẩu dầu từ Iran mà không bị trừng phạt.

Sự thay đổi của giá dầu, đặc biệt, giai đoạn cuối năm 2018 đã ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát toàn cầu. Khi giá dầu giảm 20 USD/thùng, lạm phát toàn cầu đã giảm từ mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây từ 3,2% xuống còn 3% vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, lãi suất được hy vọng sẽ duy trì mức thấp như hiện nay đến ít nhất quý II/2019.

Sự lao dốc của đồng Bitcoin

Một trong những sự kiện nổi bật nhất của năm 2017 là sự tăng giá của đồng Bitcoin, từ 1.000 USD lên tới gần 20.000 USD. Tuy nhiên, sang năm 2018, đồng Bitcoin đã bị mất giá khoảng 80%, duy trì ở mức 3.000 - 4.000 USD/đồng.
Sự mất giá của đồng Bitcoin xuất phát từ những nguyên nhân sau: Các nhà đầu tư không còn hứng thú với đồng tiền này như giai đoạn trước. Họ không còn coi Bitcoin là một kênh đầu tư siêu lợi nhuận và chuyển hướng đến các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, tính thanh khoản yếu cũng là một nguyên nhân khiến đồng tiền ảo này mất giá. Thêm vào đó, sự thao túng thị trường của một số nhà đầu tư lớn hay các quỹ lớn; sự bán tháo của nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến Bitcoin mất giá và ít có cơ hội phục hồi được mức kỷ lục như thời điểm cuối năm 2017.

Kinh tế thế giới: tăng trưởng thấp, bất ổn cao... - Ảnh 2

Kinh tế thế giới năm 2019: Tiếp tục đi xuống?

Hầu hết các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế (WB, OECD, IMF) đều đưa ra dự báo, kinh tế thế giới năm 2019 sẽ giảm tốc so với năm 2018. Cụ thể, OECD dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 đạt 3,5%. OECD cho rằng, nguyên nhân tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm là do một số trở ngại, trong đó nguyên nhân chính là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết. Không lạc quan bằng OECD, các chuyên gia của Tổ chức Oxford Economics dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm tốc từ 3,1% năm 2018 xuống còn 2,8% vào năm 2019 và 2,7% năm 2020. Diễn biến kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đi xuống trong vài năm tới. Nguy cơ leo thang của những cuộc xung đột thương mại vẫn còn cao, điều này dẫn tới sự thu hẹp thương mại thế giới và làm chậm sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới.

OECD cũng đưa ra dự báo mức tăng trưởng cụ thể của một số nền kinh tế trên thế giới. Cụ thể: Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 6,3% năm 2019 và 6% năm 2020, do hoạt động xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm; Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 1% năm 2019 trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ nước này có hiệu lực từ tháng 10/2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng của người dân. OECD giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng kinh tế Mỹ lần lượt ở mức 2,7% và 2,1% cho các năm 2019 và 2020 khi chính sách cải cách thuế mới đây của Tổng thống Donald Trump hỗ trợ khá tốt cho đầu tư của DN. Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến đạt mức tăng trưởng 1,8% vào năm 2019 và 1,6% vào năm 2020, giảm nhẹ so với các dự báo trước đó.

Chuyên trang tài chính Seeking Alpha - Tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn thông tin trên thị trường tài chính có trụ sở tại New York (Mỹ) cũng đã đưa ra những nhận định cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Đáng chú ý, Tổ chức này nhận định, nền kinh tế các khu vực đồng Euro, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu suy yếu. Tăng trưởng khu vực đồng Euro được dự đoán sẽ giảm còn 1,5% trong năm 2019, so với tốc độ 1,9% của năm 2018. Một số yếu tố kinh tế và chính trị đầy bất lợi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tăng trưởng, bao gồm các điều kiện tín dụng ít được hỗ trợ hơn, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới... Dưới đây là 5 dự đoán về tình hình kinh tế toàn cầu trong năm 2019:

Kinh tế thế giới: tăng trưởng thấp, bất ổn cao... - Ảnh 3

Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ duy trì tương đối vững chắc

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt mức 2,9%, nhờ các chính sách tài khóa (cắt giảm thuế và tăng chi tiêu) được đưa ra hồi đầu năm. Chuyên trang tài chính Seeking Alpha dự đoán, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ ở mức 2,6%, thấp hơn 2018 khoảng 0,3%,. Đồng quan điểm với Seeking Alpha, Oxford Economics cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,5% vào năm 2019. OECD dự báo, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt 2,7% và 2,1% cho các năm 2019 và 2020.

Kinh tế khu vực đồng Euro tiếp tục chậm lại

Các tổ chức nghiên cứu kinh tế trên thế giới như: Ngân hàng Thế giới, OECD, Oxford Economics đều dự báo, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro sẽ đạt khoảng 1,7% trong năm 2019 và giảm xuống 1,5% vào năm 2020. Một số yếu tố kinh tế và chính trị bất lợi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của khu vực Euro, bao gồm các điều kiện tín dụng ít được hỗ trợ hơn, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới...

Kinh tế Nhật Bản hồi phục yếu

Tăng trưởng kinh tế của đất nước mặt trời mọc dự kiến sẽ nhích lên 0,9% vào năm 2019. Trong khi Nhật Bản tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng, quốc gia này phải đối mặt với hai lực cản lớn, nhằm vào tăng trưởng đó là sự chững lại trong nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ sụp đổ tự do thương mại khởi nguồn từ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại, chỉ còn khoảng 6,3% trong năm 2019. Trong thời gian qua, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp tài chính và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định thị trường nhưng hiệu quả vẫn còn khiêm tốn.

Thị trường tài chính diễn biến khó lường

Tổ chức Oxford Economics nhận định, chính sách thắt chặt tiền tệ, khả năng thanh khoản sụt giảm, mức nợ và giá tài sản cao là những yếu tố có thể tạo ra làn sóng bán tháo ồ ạt trên các thị trường tài chính và kết quả là kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh hơn dự kiến. Theo chuyên trang Seeking Alpha, những “cơn gió ngược” từ sự giảm dần chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ cùng với tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ kiềm chế đà tăng trưởng trong năm 2019. Những yếu tố bao gồm Mức nợ gia tăng và thâm hụt ngân sách tại Mỹ; nợ công cao ở Nhật Bản và châu Âu cũng là những tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới cũng đang phải đối mặt với một loạt thách thức khác như tổng nợ toàn cầu hiện ở mức kỷ lục 164.000 tỷ USD và thị trường tài chính thường xuyên “rung lắc” với chứng khoán Mỹ đầy biến động.

Tóm lại, 2019 có thể sẽ là một năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu. Những xung đột thương mại, chính trị căng thẳng, leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát có thể sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức.

Tài liệu tham khảo:

1. ADB, Asian Development Outlook (ADO) 2018 Update;
2. BBC, 2018, “Trade Wars, Trump Tariffs and protectionism explained”;
3. China Briefing,2018, The US- China Trade War: A Timeline, http://www.china-briefing.com/news/the-us-china-trade-war-a-timeline/;
4. Financial Times, 2018, China readies non-tariff weapons in US trade spat, https://www.ft.com/content/4bacf050-7396-11e8-aa31-31da4279a601;
5. IMF, October 2018, World Economic Outlook;
6. OECD, November 2018, Economic Outlook;
7. Oxford Economics, Latest Global Outlook, December 2018/January 2019;
8. Seeking Alpha, 2019 Economic and Stock Market Outlook;
9. South China Morning Post, Is China making life difficult for foreign companies?;
10. Baig, T., Tse, S., 2018. From Trade war to trade weakness, Development Bank of Singapore;
11. United Nations, World Economic Situation and Prospects 2019;
12. World Bank, Global Economic Prospects, June 2018.