Xu hướng phát triển thị trường trái phiếu xanh trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam


Qua việc nghiên cứu những chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức phát hành trái phiếu xanh ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy, các quốc gia này đều áp dụng các thông lệ quốc tế như: Bộ nguyên tắc trái phiếu xanh, tiêu chuẩn trái phiếu xanh của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu... trong việc xây dựng chính sách phát triển cho thị trường trái phiếu xanh.

Bài học kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách để phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam. Nguồn: Internet
Bài học kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách để phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam. Nguồn: Internet

Từ thực tiễn phát triển trái phiếu xanh ở một số quốc gia trên thế giới , bài viết gợi mở bài học kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách để phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam.

Tổng quan về thị trường trái phiếu xanh

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trên thị trường tài chính như một điều kiện quan trọng đối với phát triển bền vững nền kinh tế. Một thị trường tài chính bền vững mới có thể huy động vốn cho nền kinh tế bền vững và luân chuyển dòng vốn tài chính quốc tế cho những mục tiêu đầu tư cần thiết. Theo Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần đến 46 nghìn tỷ USD, tương đương với 1 nghìn tỷ USD/năm. Trong bối cảnh đó, trái phiếu xanh (TPX) được xem như một kênh thu hút vốn mới và là giải pháp hiệu quả, có thể giúp huy động hàng trăm tỷ USD/năm cho phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững.

Theo định nghĩa của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) trái phiếu xanh là trái phiếu được phát hành nhằm huy động vốn cho những giải pháp biến đổi khí hậu do chính phủ, ngân hàng, địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành, dán nhãn TPX dưới dạng chứng khoán nợ bao gồm chứng khoán hóa, phát hành riêng lẻ, trái phiếu có đảm bảo. 

Báo cáo TPX 2017 của Climatebonds.net cho biết, năm 2017, tổng giá trị phát hành TPX toàn cầu đạt 155,5 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng về số lượng các tổ chức phát hành, các chính sách hỗ trợ tài chính xanh của các quốc gia và nhu cầu đầu tư TPX tăng vọt. Trong đó, ba thị trường dẫn đầu là Mỹ, Trung Quốc và Pháp, chiếm 56% tổng giá trị phát hành năm 2017.

Sự tăng trưởng của thị trường TPX đến từ những chính sách hỗ trợ kịp thời của chính phủ các nước, điển hình là cẩm nang hướng dẫn phát hành TPX tại Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Ấn Độ, Ủy ban Chứng khoán Ấn Độ (SEBI) công bố cẩm nang hướng dẫn vào tháng 5/2017 sau khi có sự tư vấn từ Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng mới và tái tạo. Cẩm nang này nêu rõ những lĩnh vực chính được đầu tư dự án xanh, thực hiện những nghĩa vụ như báo cáo bán niên, xác minh sau phát hành và trước phát hành...

Xu hướng phát triển thị trường trái phiếu xanh trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 1

Tại Trung Quốc, Ủy ban Tài chính xanh được thành lập vào năm 2014, trong đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) là cơ quan chủ quản với sự tham gia của các quan chức cấp cao đến từ các cơ quan quản lý, khu vực tài chính và viện nghiên cứu. PBOC đã công bố hướng dẫn về TPX cho thị trường liên ngân hàng vào tháng 12/2015 và danh mục dự án xanh được Ủy ban Tài chính xanh công nhận. Cẩm nang hướng dẫn phát hành TPX áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban phát triển và tái cấu trúc quốc gia công bố năm 2016 và Cẩm nang dành cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc năm 2017 công bố là những tài liệu quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường. 

Bên cạnh đó, Diễn đàn thị trường vốn ASEAN đã công bố Tiêu chuẩn TPX ASEAN (AGBS) vào tháng 11/2017 dựa trên những nguyên tắc TPX quốc tế, đồng thời loại bỏ việc cấp vốn cho những dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.

Kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu xanh ở một số nước

Tại Singapore: Cơ quan Giám sát tiền tệ Singapore (MAS)thông báo kế hoạch tài trợ TPX thông qua việc hỗ trợ chi phí thẩm định của bên thứ hai áp dụng với giá trị phát hành từ 200 triệu – 100.000 triệu USD và kỳ hạn ít nhất là 3 năm. Ngoài ra, cơ quan này cũng đưa ra những biện pháp nhằm xác định các tổ chức phát hành đạt tiêu chuẩn cho chương trình tài trợ này bao gồm những doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính phát hành TPX. Việc phát hành trái phiếu phải do doanh nghiệp thành lập tại Singapore thực hiện và trái phiếu sau khi phát hành phải được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX). Doanh nghiệp cũng cần phải nộp báo cáo đánh giá độc lập hoặc định mức tín nhiệm dựa trên những tiêu chuẩn TPX được quốc tế công nhận.

Tại Trung Quốc: Nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPX, các cơ quan quản lý thị trường trái phiếu đã rút ngắn thời gian chấp thuận đối với các đợt phát hành TPX so với trái phiếu thông thường. Bên cạnh đó, tất cả các đợt phát hành trái phiếu đều phải được thẩm định và kiểm soát theo quy định của pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư. Chính quyền Bắc Kinh, Thượng Hải áp dụng chính sách hỗ trợ về lãi suất đối với TPX dựa trên những tiêu chí cụ thể về giá trị phát hành, kỳ hạn.

Tại Đức: Là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển bền vững, hiện đứng thứ tư trên thế giới và thứ hai châu Âu về khối lượng phát hành TPX. Việc phát hành TPX thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính Đức và Cơ quan giám sát tài chính Đức (BAFIN) tương tự như việc phát hành các loại trái phiếu thông thường khác. Các đối tượng tham gia thị trường, bao gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, tổ chức cung cấp các dịch vụ trung gian cho thị trường sẽ tuân theo thông lệ thị trường và thông lệ quốc tế.

Có thể nói, thông lệ của các nước có thị trường TPX phát triển đều dựa trên bộ nguyên tắc TPX của  Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA). Bốn nguyên tắc chính về phát hành TPX của ICMA bao gồm:

 (i) Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành cho các dự án xanh phải được công bố rộng rãi trước khi phát hành để nhà đầu tư có thể theo dõi;

(ii) Quy trình đánh giá và lựa chọn dự án: Tổ chức phát hành TPX cần xây dựng một quy trình nội bộ xác định các dự án đủ điều kiện sử dụng nguồn vốn từ TPX;

(iii) Số tiền thu được từ phát hành TPX phải được hạch toán riêng và thuận tiện cho tổ chức phát hành trong việc quản lý, theo dõi và phân bổ cho các dự án xanh;

(iv) Chế độ báo cáo: Tổ chức phát hành phải báo cáo, cập nhật về việc sử dụng, giải ngân đầy đủ nguồn tiền thu được từ phát hành TPX, khuyến khích sử dụng những chỉ báo định lượng, định tính để đánh giá hiệu quả của dự án.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu có một bên thứ ba độc lập thẩm định được ICMA khuyến nghị là rất cần thiết nhằm xác định trái phiếu đủ tiêu chuẩn xanh dưới dạng tư vấn, xếp hạng tín nhiệm, dán nhãn, thẩm định và có thể thỏa mãn bốn nguyên tắc trên.

Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, để phát triển thị trường TPX tại Việt Nam, cơ quan quản lý cũng cần ban hành cẩm nang hướng dẫn riêng đối với TPX phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ nguyên tắc phát hành TPX của ICMA. Đồng thời, xác định rõ thuận lợi và khó khăn đối với phát triển thị trường. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phát triển thị trường TPX tại Việt Nam gặp một số thuận lợi và khó khăn như sau:

Thuận lợi

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính định hướng về phát triển thị trường TPX như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ), Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 của Bộ Tài chính), nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thị trường vốn xanh, các sản phẩm tài chính xanh. Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp xanh, trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh là các sản phẩm của thị trường vốn xanh.

Cùng với những văn bản trên, Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phát triển của thị trường TPX ở Việt Nam. Hiện nay, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã nêu, khái niệm “trái phiếu doanh nghiệp xanh” đã được đề cập tại khoản 3 Điều 4. Theo đó, “Trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường”. Có thể nói, việc đưa vào khái niệm này tại Dự thảo Nghị định này là cơ sở để ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên biệt về TPX tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo số liệu báo cáo thị trường trái phiếu năm 2017 của Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), thị trường trái phiếu trong những năm qua phát triển khá tốt về quy mô và giá trị phát hành. Về dư nợ thị trường trái phiếu, dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ vào cuối năm 2017 đạt hơn 1.882.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2016 (tương đương khoảng 37,59% GDP. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2017 là 310.117 tỷ đồng, bằng 6,19% GDP và còn dư địa tăng trưởng rất lớn so với mức trung bình của các nước ASEAN từ 20-22% GDP). Trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh là những sản phẩm mới giúp đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường và thu hút nhà đầu tư, các tổ chức phát hành trong thời gian tới.

Khó khăn, hạn chế

Thứ nhất, hiện tại ở Việt Nam chưa có văn bản pháp lý cụ thể quy định và hướng dẫn về thị trường TPX, mà chỉ có những quy định đối với trái phiếu thông thường khiến cho việc phát hành TPX còn hạn chế.

Thứ hai, về các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, thị trường trái phiếu vẫn còn thiếu vắng sự hoạt động của các tổ chức trung gian như tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức đánh giá độc lập. Để thị trường TPX trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án, chương trình xanh, thị trường cần có sự đa dạng của các tổ chức phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian.

Thứ ba, đối với các nguyên tắc TPX của ICMA như giám sát mục đích sử dụng tiền thu được từ phát hành, hạch toán tài khoản riêng, báo cáo sau phát hành cũng chưa có những quy định pháp luật rõ ràng và sẽ mất thêm thời gian để cơ quan quản lý ban hành những văn bản hướng dẫn.

Thứ tư, nhận thức của các nhà đầu tư cũng như của tổ chức phát hành đối với lợi ích của đầu tư, phát hành TPX còn hạn chế. Các nhà đầu tư trong nước còn chưa nhận thức đầy đủ về đầu tư có trách nhiệm dẫn đến nhu cầu đầu tư TPX của các nhà đầu tư trong nước còn rất thấp mà phần lớn là nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, cơ quan quản lý có thể ban hành những văn bản pháp luật chuyên biệt về TPX hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý hiện hành đối với thị trường trái phiếu nói chung nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành, nhà đầu tư sớm tham gia thị trường.       

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;
  2. Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020;
  3. Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
  4. Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính thc hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020;
  5. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Bộ Tài chính;
  6. Green Bond market Report (2017) – Climate Bond Innitiatives (CBI), https://www.climatebonds.net/files/files/CBI-PolicyRoundup_2017%20Final%203.pdf.