Kinh tế thế giới và Việt Nam: Triển vọng năm 2019
Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2018 đã trải qua giai đoạn “đi ngang” và dần dần xoay chiều mũi tên đi xuống liên quan đến những chính sách thương mại cứng rắn, xu hướng bảo hộ mậu dịch, tiến trình đàm phán Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit), tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khoản nợ công toàn cầu…
Trước những rủi ro này, các chuyên gia nhận định, kinh tế toàn cầu có thể còn hứng chịu những cú sốc mới khắc nghiệt hơn trong năm 2019 và kinh tế Việt Nam trong thời gian tới cũng chịu nhiều yếu tố tác động.
Kinh tế thế giới có nguy cơ hứng chịu những cú sốc mới trong năm 2019
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có sự thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp. Những xu hướng mới xuất hiện, như sự chuyển dịch quyền lực của các nước lớn, tăng cường sự cạnh tranh chiến lược tại nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Các nước lớn vừa gia tăng cọ sát trong các vấn đề mang tính chiến lược vừa tăng cường lôi kéo các nước nhỏ và vừa vào các tập hợp lực lượng trong việc triển khai điều chỉnh chiến lược của mình. Hai xu hướng bảo hộ và tự do hóa thương mại va đập nhau gay gắt mà hai đại diện chủ yếu là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019, khi viện dẫn một số trở ngại, trong đó có căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ diễn biến phức tạp, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
OECD cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự kiến tăng 3,5%, giảm so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Cụ thể, tổ chức có trụ sở tại Pa-ri (Pháp) này điều chỉnh giảm nhẹ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 6,3% năm 2019 do hoạt động xuất khẩu và đầu tư vào kết cấu hạ tầng giảm.
OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2019 từ mức 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ nước này từ tháng 10-2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, OECD giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng của Mỹ là 2,7% cho năm 2019 khi chính sách cải cách thuế mới đây của Tổng thống Trump hỗ trợ tốt cho đầu tư của doanh nghiệp.
Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến tăng 1,8% vào năm 2019, giảm nhẹ so với các dự báo trước đó. Kinh tế I-ta-li-a được dự báo chỉ tăng 0,9% cho cả năm 2019, do số việc làm chững lại và tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Thực tế cho thấy kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ do căng thẳng thương mại, bất ổn chính trị cũng như mức độ tăng trưởng không duy trì được như trước đây. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tạo ra những thời cơ và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Nếu không được kịp thời điều chỉnh, tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia, chính sách thắt chặt tiền tệ, khả năng thanh toán sụt giảm, giá tài sản cao, đặc biệt là khoản nợ công toàn cầu, hiện đã lên tới mức kỷ lục 182.000 tỷ USD, vẫn sẽ là các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Thậm chí, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã được các chuyên gia đề cập tới.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019
Những yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và có thể tác động tiếp trong năm tiếp theo đó là căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong khi đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể tác động làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân mặc dù được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế song còn gặp nhiều khó khăn về môi trường kinh doanh, nhất là tiếp cận với nguồn vốn, mặt bằng đất đai, thông tin, thị trường thế giới...
Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chủ trương đúng đắn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thu hút và sử dụng FDI cũng còn nhiều mặt hạn chế, như mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt được như kỳ vọng; hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với khu vực trong nước còn hạn chế; một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nhận thức được những thuận lợi và thách thức thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2018 và triển vọng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 theo tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Theo hướng này, Chính phủ tích cực cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01-01-2019, của Chính phủ, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Ngoài 3 đột phá chiến lược đã được xác định và đang thực hiện về kết cấu hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và thể chế, Chính phủ sẽ bổ sung thêm hai đột phá chiến lược mới và coi đó là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới là thúc đẩy năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 và thúc đẩy, phát huy vai trò khu vực kinh tế tư nhân.
Để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào ba vấn đề: thứ nhất, gia tăng nội lực bản thân trong khi hết sức tích cực tranh thủ nguồn lực thế giới dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa kinh tế với những biểu hiện mới và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thứ hai, tiếp tục phấn đấu cho một thế giới tự do hóa thương mại là chủ yếu; thứ ba, đất nước cần thích nghi với thay đổi này theo hướng tranh thủ, tận dụng thời cơ đem lại, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức nảy sinh.
Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Việt Nam trong năm 2019 là 6,7% (tăng 0,1% so với mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là 6,6%) - đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy mạnh cải cách, nhất là cải cách thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, cải thiện nhanh môi trường kinh doanh và đầu tư, giải phóng mọi tiềm năng của nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, trước mắt là việc chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết cho việc triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội.
Theo tinh thần này, ngay ngày đầu tiên của năm mới 2019, Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết, gồm Nghị quyết số 01/NQ-CP, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tinh thần chỉ đạo là nỗ lực đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019 với trọng tâm là “tăng tốc, bứt phá” tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới…