Kinh tế thế giới với nhiều khó khăn phía trước
Cập nhật các dự báo chính về kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ngày 21/9 nhận định kinh tế thế giới sẽ tăng chậm trong năm nay và năm tới, với nhịp độ tăng trưởng có thể thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, khi quá trình toàn cầu hóa dường như "chững lại".
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thương mại - vốn là động lực của kinh tế toàn cầu lâu nay - có thể tăng thấp hơn mức tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay.
Với tiến trình toàn cầu hóa (thường được biểu hiện qua cường độ hoạt động giao thương) có thể mất đà, OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 2,9%, so với mức dự báo tăng 3% đưa ra hồi tháng Sáu và là mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Khó khăn chưa hết
Năm 2016 đã đi qua được gần 3/4 chặng đường với không ít những khó khăn trong bối cảnh các khu vực kinh tế chủ chốt của thế giới phải đối mặt với những vấn đề riêng.
Đó là sự kiện cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản xem xét mở rộng thêm chính sách tiền tệ nới lỏng, sự e dè hoài nghi từ Berlin đối với các biện pháp kích thích kinh tế, hay tình trạng sản xuất công nghiệp dư thừa ở Trung Quốc. Những khó khăn kể trên đã khiến chính phủ các nước gặp nhiều thách thức trong việc tuân thủ những cam kết chung đã đặt ra trước đó.
Theo nhà kinh tế trưởng Catherine Mann của OECD, nếu hoạt động thương mại có thể quay trở lại mức tăng như những năm 1990 và 2000, thì tăng trưởng kinh tế có thể hồi phục về mức trước khủng hoảng tài chính.
Bà Catherine Mann cho hay tại những nước sắp có bầu cử, cử tri dễ dàng nhận thấy những mặt hại từ sự gia tăng thương mại qua số việc làm bị mất, còn những lợi ích như giá hàng hóa giảm và có nhiều lựa chọn hơn thì khó được nhận thấy hơn.
OECD hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới từ 1,8% xuống 1,4%. Mặc dù đây là mức thấp nhất kể từ năm 2009, OECD cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên tăng lãi suất tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9, điều mà bà Mann cho là sẽ giúp giá tài sản không tăng vượt mức tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng. Tuy nhiên, Fed vẫn giữ nguyên lãi suất với lý do cần nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn nữa từ nền kinh tế.
Trong năm tới, OECD nhận định tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ đạt 2,1%, giảm so với mức dự báo tăng 2,2% đưa ra trước đó.
OECD hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm nay từ 1,6% xuống 1,5% và năm tới từ 1,7% xuống 1,4%. Theo tổ chức này, tác động từ việc nước Anh ra khỏi EU đến kinh tế toàn cầu cho đến nay không lớn, nhất là với khu vực này nhưng sẽ rõ rệt hơn trong năm tới.
Kinh tế Anh được cho là sẽ không chịu tác động mạnh như lo ngại ban đầu sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Sáu, với mức tăng trưởng năm nay được nâng từ 1,7% lên 1,8%. Tuy vậy, triển vọng tăng trưởng năm tới bị hạ xuống chỉ còn 1%, do mối quan hệ thương mại chưa rõ ràng giữa nước này và EU.
Ngoài ra, OECD hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản năm nay từ 0,7% xuống 0,6%, do đồng yen mạnh và thương mại ở châu Á yếu gây sức ép lên xuất khẩu của "xứ hoa anh đào", mặc dù chính phủ đã thực hiện các biện pháp kích thích và việc hoãn tăng thuế tiêu dùng sẽ góp phần kích cầu.
Điểm sáng châu Á
Số liệu lạm phát và thất nghiệp của Eurozone công bố ngày 31/8 đã không được như dự báo của các nhà phân tích và có thể buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm tung thêm các biện pháp kích thích.
Cơ quan Thống kê của EU cho biết giá tiêu dùng tại Eurozone tăng 0,2% trong tháng Tám, bằng với tháng Bảy, trong khi mục tiêu của ECB là 2% và tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực không thay đổi (vẫn là 10,1%).
Các nhà phân tích tham gia khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Factset đã dự báo lạm phát sẽ là 0,3% và tỷ lệ thất nghiệp là 10% ở khu vực đồng tiền chung gồm 19 thành viên.
Còn tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là Hàn Quốc, nợ hộ gia đình trong quý II/2016 đã tăng lên 1.257.300 tỷ won (1.130 tỷ USD), mức cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi, và đe dọa bóp nghẹt chi tiêu tiêu dùng.
Điều này đã khiến Chính phủ Hàn Quốc phải can thiệp để hạn chế khả năng dẫn tới một vụ đổ vỡ của thị trường. Kinh tế Hàn Quốc trong quý II/2016 bất ngờ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, dù gánh nợ của cường quốc này ngày một tăng và chưa có tiến bộ rõ ràng trong việc giải quyết vấn đề dư thừa công suất và hiệu quả thấp tại các ngành công nghiệp chủ chốt. Theo ông Gurria, kinh tế Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 6,5-7% trong giai đoạn 2016-2020.
Trong khi đó, giới phân tích kinh tế tại “xứ sở sương mù” nhận định châu Á là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Châu Á đang dẫn đầu đà phục hồi tăng trưởng nhẹ trên các thị trường mới nổi.
Trong số các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á đang có được đà tăng trưởng mạnh. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng 5,2% trong quý II/2016, mức tăng trưởng nhanh nhất trong 10 quý trở lại đây.
Kinh tế Philippines tăng trưởng 7% trong quý II/2016, tăng mạnh hơn dự báo và là mức tăng nhanh nhất trong ba năm trở lại đây. Ấn Độ, nền kinh tế xếp thứ bảy trên toàn cầu, ghi dấu ấn với bước tăng trưởng vượt bậc 7,9% trong quý đầu năm nay.
Nhịp độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm hầu hết các nước châu Á không kể Nhật Bản và Singapore, nhiều khả năng sẽ vượt xa mức tăng trưởng trung bình tại các nền kinh tế phát triển.
Điều đó có thể khiến nhiều nhà đầu tư tài chính trên toàn cầu phải suy tính lại, khi mà trong 5 năm qua, giới đầu tư phần nào tỏ ra thờ ơ với các thị trường mới nổi.
Mặc dù đang trên đà phục hồi tích cực, song kinh tế châu Á chưa đạt được mức tăng trưởng trước khủng hoảng tài chính. Kim ngạch xuất khẩu giảm cùng với việc hàng hóa rớt giá và nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc giảm sút, ít nhiều đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của châu lục này.
Tuy vậy, những dấu hiệu gần đây cho thấy châu Á đang thích nghi với tình hình mới bằng cách giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.