Kinh tế Trung Quốc: Khởi đầu ổn định, thế giới bớt lo

Theo Hồng Quân/thoibaonganhang.vn

Kinh tế Trung Quốc đã hồi phục trong quý I, một dấu hiệu tích cực cho kinh tế thế giới, đồng thời tạo dư địa điều hành tốt hơn cho Chính phủ nước này trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đang bước vào giai đoạn quan trọng.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc chậm lại sâu hơn là một trong những mối quan ngại lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: internet
Triển vọng kinh tế Trung Quốc chậm lại sâu hơn là một trong những mối quan ngại lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: internet

Lo ngại giảm bớt

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/4, GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng 6,4% trong quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước, bằng với mức tăng của quý IV/2018 và tốt hơn mức dự báo 6,3% của các chuyên gia kinh tế. Số liệu cho thấy, tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm được hỗ trợ bởi sản xuất công nghiệp tăng mạnh và chi tiêu lớn hơn của người tiêu dùng Trung Quốc. Sản lượng công nghiệp tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo chỉ tăng 5,9%. Doanh số bán lẻ tháng 3 cũng tăng 8,7%, vượt mức dự báo tăng 8,4%. Đầu tư tài sản cố định tăng đúng như dự báo, đạt 6,3%.

Sản xuất xe hơi cũng lần đầu tiên tăng trưởng trong tháng 3 vừa qua kể từ tháng 9/2018 và cho thấy các nhà sản xuất xe hơi có thể đã lạc quan hơn sau khi doanh số sụt giảm vào năm ngoái. Theo một số nguồn thạo tin, các nhà hoạch định kinh tế quốc gia của Trung Quốc đang xây dựng một loạt các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy doanh số bán xe hơi và các thiết bị điện tử. Trong khi đó, sản lượng nhôm và thép đạt các mức kỷ lục trong quý vừa qua do các nhà sản xuất đẩy mạnh hoạt động trong bối cảnh triển vọng nhu cầu tốt hơn của thị trường tiêu dùng trong nước.

Các chuyên gia kinh tế Chang Shu và Qian Wan của Bloomberg cho rằng, các khoản chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã giúp khởi động sự phục hồi trong quý vừa qua và nếu các hỗ trợ chính sách tiếp tục được duy trì thì tăng trưởng kinh tế trong quý II sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, nếu muốn duy trì được đà phục hồi tăng trưởng lâu hơn thì cần thiết phải có những bước ngoặt trong khu vực tư nhân. Các dữ liệu hồi phục mạnh mẽ cũng gây ra sự hoài nghi khi một số nhà phân tích cho rằng, rất có thể các nhà chức trách Trung Quốc lại một lần nữa dựa vào tín dụng giá rẻ để thu hút nhu cầu và đẩy mạnh cho vay. Trong khi đó, các biện pháp kích thích của Trung Quốc dù sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng có thể làm suy yếu nỗ lực kiểm soát nợ của Bắc Kinh và khiến cho tình trạng méo mó về cấu trúc kinh tế trở nên tồi tệ hơn trong trung hạn.

Thực tế đầu tư của các công ty nhà nước nhanh chóng tăng lên 6,7% trong khi đầu tư của DN tư nhân giảm xuống 6,4% hàm ý cho thấy vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ tăng trưởng. “Tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc - những người đã lựa chọn giảm đòn bảy nợ trong vòng hai năm trở lại đây - nhưng giờ họ quay trở lại để tăng đòn bẩy nợ”, Alex Wolf - Trưởng Bộ phận Chiến lược đầu tư tại J.P. Morgan Private Bank, khu vực châu Á nói.

Hơn nữa, các số liệu quý I vừa qua cũng không chỉ hoàn toàn là thông tin tích cực. Đơn cử, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát vẫn ở mức trên 5% trong tháng 3 và tốc độ tăng trưởng danh nghĩa đã giảm tốc (hàm nghĩa lợi nhuận của DN thấp hơn). Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng làm tăng mối lo ngại về tính bền vững của sự phục hồi tăng trưởng trong quý vừa qua, bao gồm: Đầu tư tài sản cố định giảm mạnh; Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chậm nhất kể từ năm 1992; Các khoản đầu tư của nhà nước từ chi tiêu ngân sách (đã tăng nhanh vào đầu năm) có thể giảm dần do quỹ ngân sách cạn dần; Dấu hiệu “dễ dãi” trong các các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường khi các ngành gây ô nhiễm như cao su, nhựa và khai thác mỏ đã chứng kiến sự gia tăng nhanh về sản lượng…

Giúp kinh tế toàn cầu hạ cánh mềm

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng, dữ liệu kinh tế quý I và tháng 3 đã xác nhận một bước ngoặt theo chu kỳ của kinh tế Trung Quốc. Họ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi trong các quý còn lại của năm nay với kỳ vọng nới lỏng tài khóa sẽ tiếp tục, trong khi căng thẳng thương mại giảm bớt và niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục được phục hồi. Cùng với tài khóa nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, NHTW Trung Quốc cũng có thể không còn phải mạnh tay cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như thời gian vừa qua nữa.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc chậm lại sâu hơn là một trong những mối quan ngại lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế khoản nợ khổng lồ trong hệ thống tài chính. “Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chạm đáy và đà này có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng tới”, Tai Hui - Chiến lược gia trưởng thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Công ty đầu tư JPMorgan Asset Management bình luận.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, với nhiều dự báo điều chỉnh giảm tăng trưởng trong năm nay và mới đây nhất là Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức vào ngày 17/4 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức xuống chỉ còn 0,5% trong năm nay (từ mức 1% được đưa ra vào tháng 1), thì dấu hiệu ổn định trở lại của kinh tế Trung Quốc được nhìn nhận là một cứu cánh. Nó cũng là một sự đảo ngược mạnh mẽ với những nhận định gần đây cho rằng nền kinh tế này có thể suy giảm mạnh. Và nguy cơ suy giảm này cũng là một yếu tố được các quan chức Hoa Kỳ xem như một đòn bẩy trong nỗ lực thúc đẩy sớm đạt một thỏa thuận thương mại.

“Tổng thống Trump và nhiều quan chức khác của Hoa Kỳ đã dành phần lớn thời gian trong năm ngoái để cho rằng, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc khiến Bắc Kinh rất mong muốn đạt được một thỏa thuận”, Michael Hirson thuộc Eurasia Group và là một cựu quan chức của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói.

“Nhưng giờ đây, khi tăng trưởng của Trung Quốc đang hồi phục, Tổng thống Trump và đội ngũ của ông sẽ nhận được nhiều câu hỏi hơn từ các chuyên gia và giới truyền thông về việc liệu đòn bẩy đó có bị tuột mất hay không”, chuyên gia này nhận định đồng thời cho rằng, mặc dù dữ liệu tốt hơn của kinh tế Trung Quốc dường như không có khả năng tạo ra thay đổi đáng kể nào đến tiến trình đàm phán hiện đang ở giai đoạn cuối giữa hai bên, nhưng ít nhất nó sẽ thay đổi bầu không khí đàm phán.

Chuyên gia Cui Li - Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại CCB International Holdings Ltd. cho rằng với số liệu kinh tế tích cực, mọi người dễ dàng đưa ra một lập luận rằng Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu có được một cú hạ cánh mềm và ai cũng cảm thấy điều đó là tốt hơn trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và bất ổn gia tăng.