Kinh tế Ukraine: Khủng hoảng chưa có hồi kết

ĐỨC MẠNH

(Tài chính) Nền kinh tế Ukraine đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ năm 1991, GDP tăng trưởng âm, lạm phát và nợ công tăng cao, đồng nội tệ mất giá, dự trữ vàng và ngoại hối cạn kiệt... do tình hình bất ổn ở khu vực miền Đông và xuất khẩu sụt giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguy cơ vỡ nợ cận kề

Có thể nói, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, có phần phụ thuộc của Ukraine vào nước láng giềng thân cận Nga trong một thời gian dài đã khiến nền kinh tế Ukraine khó trụ vững nếu không có sự ủng hộ của Nga. Việc thay đổi chính sách từ thân Nga sang ủng hộ phương Tây đã khiến cho Ukraine phải chịu những mất mát nặng nề về kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2014 đã giảm gần 5% so với năm 2013 và dự kiến vẫn còn tiếp tục giảm sâu trong các năm tiếp theo.

Doanh số bán lẻ nội địa sụt giảm với tốc độ lớn chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính. Sản lượng công nghiệp lao dốc không phanh, đồng nội tệ hryvnia của Ukraine mất giá kỷ lục bất chấp những biện pháp can thiệp của Chính phủ, kéo theo đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rút ra khỏi Kiev.

Dự trữ ngoại tệ của Kiev đã cạn kiệt do phải bảo vệ đồng hryvnia trước nguy cơ mất giá trầm trọng hơn. Thêm vào đó, việc phải bảo vệ hệ thống ngân hàng trước nguy cơ sụp đổ càng khiến cho nợ công của Ukraine tăng cao.

Theo các số liệu thống kê, đồng hryvnia của Ukraine đã mất giá tới 91,5% trong năm 2014. Chỉ số BNY Mellon của Ukraine đã giảm xuống 40,18% ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Ukraine quyết định thả nổi đồng hryvnia.

Theo Hãng tin Reuters, khoảng 33% các khoản tiền gửi đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng của nước này, với giá trị lên tới gần 6,8 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2014, dự trữ ngoại hối của Ukraine đã giảm 23,2% xuống còn 12,6 tỷ USD và là mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua. Kết thúc năm 2014, dự trữ ngoại tệ của Ukraine chỉ còn khoảng 7,8 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ukraine có nhiều khả năng bị vỡ nợ trong vòng 5 năm tới. Nguyên nhân của sự sụt giảm dự trữ ngoại hối là Kiev phải trích 2 tỷ USD để trợ cấp cho Công ty năng lượng quốc doanh Naftogaz, trích 641 triệu USD để thanh toán các khoản vay nước ngoài đến hạn và trích gần 1,2 tỷ USD để can thiệp thị trường nhằm ngăn chặn đà mất giá mạnh của đồng nội tệ hryvnia.

Các chuyên gia ước tính, các khoản nợ tín dụng của Ukraine đã lớn hơn 70% GDP. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Ukraine có nghĩa vụ phải trả 1,6 tỷ USD tiền nợ cho Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga.

 Tạp chí Forbes đánh giá, nếu tổng nợ của Ukraine vượt quá 60% GDP (mà hiện nay đã lớn hơn 70%) thì nguy cơ vỡ nợ của Ukraine sẽ ở mức “rất nguy hiểm”. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cho biết, tỷ lệ nợ chính phủ/GDP của Ukraine đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2008. Nền kinh tế Ukraine có tỷ lệ đô la hóa cao, dễ bị tác động bởi sự biến động của tỷ giá, do đó khả năng trả nợ của chính phủ, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và nền kinh tế rất dễ bị tổn thương. Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, nợ công của Ukraine tăng lên khoảng 70% GDP trong năm 2014 (năm 2013 là 40% GDP) và 77% GDP trong năm 2015, cao hơn ngưỡng nợ bền vững theo tiêu chuẩn của IMF.

Theo Ngân hàng Trung ương Ukraine, vào tháng 2/2014 (thời điểm trước khi cựu Tổng thống Yanukovych bị lật đổ), dự trữ vàng của nước này có giá trị khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương 12% tổng dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, đến ngày 1/11/2014, dự trữ vàng quốc gia của Kiev chỉ còn lại 123,6 triệu USD, chiếm 1% tổng dự trữ 12,6 tỷ USD của Kiev.

Những khó khăn trầm trọng của Ukraine là nguyên nhân chính khiến Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard&Poors hạ bậc tín nhiệm của Ukraine xuống mức CCC- với triển vọng tiêu cực, đồng thời cảnh báo dự trữ ngoại tệ thấp đến mức nguy hiểm của Ukraine có thể khiến nước này vỡ nợ chỉ trong vòng vài tháng tới.

Nhiều nguồn tin cho biết, khoản tín dụng trị giá 17 tỷ USD mà IMF hứa sẽ cho Ukraine vay theo từng đợt đã bị hoãn lại. Việc IMF trì hoãn cung cấp viện trợ cùng với tình trạng dự trữ ngoại tệ chính thức của Ukraine sụt giảm mạnh sẽ làm gia tăng nguy cơ Chính phủ Ukraine không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Do đó, nguy cơ vỡ nợ đối với Ukraine ngày càng tăng nếu nước này không được nhận thêm khoản hỗ trợ tài chính mới.

Cầu viện cứu trợ trong vô vọng

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk chính thức thừa nhận, nước này cần khẩn cấp hàng tỷ USD viện trợ bổ sung để tránh cho nền kinh tế rơi vào vỡ nợ. Thủ tướng Yatsenyuk cho biết, cần tổ chức khẩn cấp một hội nghị các nhà tài trợ để huy động thêm khoảng 15 tỷ USD bổ sung vào số tiền hàng tỷ USD mà phương Tây đã cam kết viện trợ và cho vay nhằm giúp Ukraine vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tính đến nay, Ukraine mới nhận được khoảng 7 tỷ USD viện trợ thông qua các khoản vay của IMF. Song, số tiền này chỉ đủ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ tức thời nhưng không đủ sức giúp Ukraine tái xây dựng một nền kinh tế vốn đã kiệt quệ. Trong khi GDP sụt giảm mạnh, người tiêu dùng lại phải đối mặt với những hóa đơn năng lượng cao ngất ngưởng và đồng nội tệ mất giá trầm trọng. Khoản viện trợ bổ sung mà Ukraine cần trong năm 2015 để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế chắc chắn sẽ lớn hơn con số 19 tỷ USD mà IMF ước tính.

IMF đang tạm dừng giải ngân gói tín dụng 17 tỷ USD đã cam kết cho Ukraine vay theo từng đợt trước đó với lý do Ukraine phải đáp ứng các điều kiện mà định chế tài chính này đưa ra, tức là áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” để giảm chi tiêu công từ 48% xuống còn 45% vào năm 2017. Đây cũng là những điều kiện hết sức ngặt nghèo mà IMF đã từng áp dụng cho quốc gia “chúa chổm” Hy Lạp.

Tình thế càng trở nên tuyệt vọng hơn đối với Ukraine khi tại Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 18/12/2014 tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncke tuyên bố rằng EU đang cạn kiệt nguồn ngân sách để hỗ trợ Ukraine. Đáp lại yêu cầu của Kiev về việc nhanh chóng giải ngân nốt 0,2 tỷ euro trong gói viện trợ tài chính vĩ mô trị giá 2 tỷ euro của EU cho Ukraine, Cao ủy châu Âu về các chính sách mở rộng và khu vực lân cận Johannes Hahn khẳng định, EU sẵn sàng tiếp tục cung cấp viện trợ cho Kiev với điều kiện Kiev có những kết quả cải cách cụ thể. Đầu năm 2014, EU đã cung cấp viện trợ tài chính vĩ mô cho Ukraine với tổng trị giá 1,8 tỷ euro. Số tiền 200 triệu euro còn lại là khoản giải ngân cuối cùng trong gói viện trợ 2 tỷ euro mà Ukraine đang đề xuất được nhận vào đầu năm 2015 chưa biết có được thực hiện hay không.

Khi EU tuyên bố cạn kiệt khả năng tài chính, láng giềng Nga tuyên bố chỉ hợp tác bình đẳng và không trợ giúp như trước nữa, Ukraine chỉ còn cách trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ để khôi phục đất nước đang bị tàn phá từng ngày bởi chiến sự căng thẳng ở miền Đông và nền kinh tế ngấp nghé bờ vực phá sản. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, sự giúp đỡ của Mỹ (nếu có) cũng chỉ mang tính tượng trưng vì Washington có quá nhiều thứ phải quan tâm trong các vấn đề toàn cầu. Khó khăn của nền kinh tế Ukraine vẫn còn đang ở phía trước.