Kinh tế vĩ mô và những tín hiệu phục hồi

PV.

(Tài chính) Tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định, lãi suất tín dụng giảm, tăng trưởng tín dụng đã có những chuyển biến khả quan... Đây là những nhận định trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 trong phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn. Nguồn: internet
Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn. Nguồn: internet

Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. GDP cả năm 2013 tăng khoảng 5,4% so với năm 2012, đạt mục tiêu tổng quát đề ra là tăng trưởng cao hơn năm 2012 (5,25%).

Về sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 9 tháng ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,3%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,5%. Riêng với công nghiệp chế biến, chế tạo ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực với tốc độ tăng ngày càng cao hơn trong năm: Quý I tăng 4,60%; quý II tăng 6,90%; quý III tăng 8,57%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 11,2%.

Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, chỉ số sản xuất nông nghiệp 9 tháng đạt 7,8% (ước cả năm tăng 7%); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 535,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 387,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%; lâm nghiệp đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6%; thuỷ sản đạt 131,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% thu nhập và đời sống của nông dân được cải thiện.

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP. Khu vực dịch vụ tiếp tục là khu vực đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế với mức tăng của một số ngành chiếm tỷ trọng lớn: Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 5,92%; ngành kinh doanh bất động sản tăng 1,91%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,66%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,69%; giáo dục và đào tạo tăng 7,98%; vận tải kho bãi tăng 5,65%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước tính đạt 1932 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 5,3%.

Đối với lĩnh vực xây dựng, giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 531,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,9%; khu vực ngoài Nhà nước 446,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 84%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 22,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,1%.

Về thu hút và giải ngân vốn ODA, vốn FDI, đăng ký và thực hiện cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012. Tổng mức thu hút ODA và vốn vay ưu đãi đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng giải ngân đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Ước cả năm 2013, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 7 tỷ USD, tăng 19% so với năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân dự kiến đạt khoảng 4,5 tỷ USD. Vốn FDI đăng ký từ đầu năm cũng đạt trên 15 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012. Giải ngân vốn FDI ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, từ đầu năm cả nước đã thu hút được 5 dự án có vốn đầu tư trên một tỷ USD. Điều này cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định hơn, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của nhà đầu tư tăng trở lại.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh được cải thiện; tỷ lệ nhập siêu thấp. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng ước tính đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 32,5 tỷ USD, tăng 4,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 63,9 tỷ USD, tăng 22,4%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may.

Nhập siêu 9 tháng ước khoảng 124 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao là 7-8%. Riêng khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 4 tỷ USD (nếu tính cả dầu thô xuất siêu khoảng 9,4 tỷ USD).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có cải thiện, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 9 tháng ước tính đạt 755,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,2% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 297,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng vốn và tăng 4,2%; khu vực ngoài Nhà nước 280 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,1% và tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 178,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,6% và tăng 5,6%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có 58.231 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký 281.359 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 22% về vốn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động gần 11.300 đơn vị, chủ yếu tập trung vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng và công nghiệp chế biến chế tạo.

Tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) liên tục tăng, quý I/2013 tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54% (cùng kỳ năm trước tăng 5,39%). Ước 9 tháng đầu năm 2013, GDP tăng 5,14%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Với xu hướng nêu trên và tác động của các yếu tố phục hồi kinh tế và thương mại thế giới, hiệu quả của các giải pháp về vốn, tín dụng, cải thiện tăng tổng cầu và sức mua của thị trường, Chính phủ dự báo tổng sản phẩm trong nước cả năm tăng 5,4% so với năm 2012, còn thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5%, nhưng cao hơn tốc độ tăng của năm 2012; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, nông nghiệp tăng 2,52%, dịch vụ tăng 6,56%.

Về thu chi ngân sách nhà nước, do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút cùng với việc thực hiện miễn giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,... đồng thời, kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao giảm mạnh dẫn đến thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt thấp so với dự toán, ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước đạt 543,8 nghìn tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán năm, tăng 8,78% so với cùng kỳ năm 2012.

Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2013 đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2 nghìn tỷ đồng (-3,1%) so với dự toán; nếu loại trừ các khoản ghi thu ngân sách (38,4 nghìn tỷ đồng) thì thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 752,3 nghìn tỷ đồng, giảm 63,6 nghìn tỷ đồng (-7,8%) so với dự toán, tăng 1,2% so với ước thực hiện năm 2012. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 530 nghìn tỷ đồng, giảm 15,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán; thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 140,8 nghìn tỷ đồng, giảm 25,7 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô ước đạt 115 nghìn tỷ đồng, tăng 16 nghìn tỷ đồng.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2013, các cấp, các ngành phải tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó: Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất; có giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp còn triển vọng tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm, ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, các doanh nghiệp có triển vọng, có thị trường tiêu thụ. Tích cực triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đối với người có thu nhập thấp. Thúc đẩy hoạt động Công ty quản lý tài sản (VAMC), khai thông dòng vốn tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, thị trường vàng theo mục tiêu.

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kết hợp với thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, công khai, minh bạch. Quản lý chi ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường công khai thông tin về giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, những dự án đang triển khai có thể hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng.