TS. Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam:

Chưa đánh giá được tác động của giao dịch thuật toán lên giao dịch thông thường

PV.

Quá trình hình thành và phát triển của giao dịch thuật toán diễn ra một cách tự nhiên gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Trong khi đó, tại Việt Nam, hệ thống giao dịch và giám sát tại các sở giao dịch chứng khoán chưa có khả năng nhận diện các giao dịch thuật toán, nên chưa thể đánh giá được những tác động lên giao dịch thông thường ở mức độ nào.

Tại Mỹ, nơi khởi nguồn của giao dịch thuật toán khi quá trình điện tử hoá các giao dịch tự động để dần thay thế các giao dịch thủ công. Trước năm 2010, giao dịch thuật toán ở Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng 20% vào năm 2005, nhưng sau đó tăng trưởng đột biến lên mức 60% thị phần giao dịch cổ phiếu toàn thị trường vào năm 2009.  Tại Châu Âu từ mức giao dịch tỷ trong thấp nhưng đã tăng vọt lên 40% vào năm 2010.

Tuy nhiên, mức độ phát triển quá giới hạn vượt khỏi tầm kiểm soát đã dẫn đến hệ luỵ xảy ra sự kiện "Flash Crash" vào năm 2010 khiến TTCK Mỹ và toàn cầu chao đảo. Sau sự kiện này, SEC và Cơ quan quản lý TTCK Âu Châu (ESMA) đã có những đánh giá và nhìn nhận lại vấn đề đối với giao dịch thuật toán, để xây dựng cơ chế kiểm soát, hạn chế các giao dịch.

IOSCO cũng nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ bên cạnh những ưu việt đạt được, cũng phát sinh những tồn tại tác động tiêu cực lên chất lượng của thị trường như sự biến động quá mức của các hiện tượng trên thị trường hay sự thiếu minh bạch thông tin. Theo đó, IOSCO khuyến nghị cơ quan quản lý, giám sát thị trường cần:

(i) Yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán cung cấp cơ chế truy cập công bằng, công khai và minh bạch;

(ii) Đảm bảo cơ chế kiểm soát giao dịch hợp lý (kiểm soát biến động; tạm ngừng giao dịch) để xử lý các vấn đề của thị trường, trong đó đặt ra yêu cầu các thuật toán phải được tính đến khi xử các các giao dịch đột biến;

(iii) Các lệnh giao dịch phải được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp và có cơ chế soát xét tự động trước khi thực hiện. Điều này phải được luật hoá bằng các quy định và chế tài xử lý tương ứng;

(iv) Kiểm soát các hành vi khác nhau của các giao dịch thao túng và lũng đoạn thị trường do xuất phát từ nguyên nhân phát triển của công nghệ và hướng xử lý.

Trên cơ sở nền tảng đánh gia tác động lên tính toàn vẹn của thị trường và hiệu quả của sự phát triển công nghệ và sự thay đổi về cấu trúc thị trường, để xác lập tiêu chí quản trị rủi ro hợp lý và tính ổn định của hệ thống.

TTCK Việt Nam mặc dù mới đưa vào vận hành được 20 năm, tuy nhiên được cộng đồng các nhà đầu tư  đánh giá có tốc độ phát triển khá nhanh, với nhiều sản phẩm cấu trúc linh hoạt từ cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, quỹ mở, quỹ ETF; quỹ đầu tư bất động sản (REIT); chứng quyền có đảm bảo (CW), đến các sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai chỉ số; hợp đồng tương lai TPCP... đã mở ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn với các chiến lược đầu tư linh hoạt (đầu cơ; phòng vệ rủi ro; kinh doanh chệnh lệch giá). Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ máy tính, toán học và trí tuệ con người vào hoạt động đầu tư ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh hơn.

Với tầng lớp dân số trẻ (khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi) và quốc gia có thị trường công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vòng một thập kỷ gần đây, với khoảng 54% dân số sử dụng internet và điện thoại thông minh, nên nhà đầu tư Việt Nam rất nhạy bén với các loại hình công nghệ, sản phẩm dịch vụ mới có hiệu ứng đòn bẩy đem lại lợi nhuận cao. Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm tài chính ảo, các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin; Ethereum..., các nhà đầu tư tài chính cũng đã tự xây dựng hoặc mua các phần mềm tính toán, phân tích kỹ thuật để đầu tư chứng khoán.

Hiện tại, theo khảo sát nghiên cứu của các tổ chức đầu tư, trên thị trường hiện đang sử dụng một số phần mềm phân tích kỹ thuật và tính toán đầu tư  nước ngoài cung cấp, như MetaStock do Công ty CAM cung cấp thông qua nhà phân phối Tài Việt (Vietstock) và AmiBroker  do Công ty AMIBROKER cung cấp, hoặc các phần mềm trong nước tự thiết kế xây dựng như  SmarrtRobot; Robot Adviser, Active-D, StockTraders... Các phần mềm này cho phép người dùng sử dụng các dữ liệu thời gian để phân tích và xây dựng các chỉ báo, khuyến nghị đầu tư, kết nối dữ liệu và có thể thực hiện lệnh mua, bán nếu hạ tầng công nghệ của các công ty chứng khoán đáp ứng được.

Ngoài ra, có một số công ty chứng khoán cũng đã sử dụng các phần mềm giao dịch thuật toán (cài đặt sẵn) trong hoạt động tự doanh để thực hiện các chiến lược kinh doanh chênh lệch giá, phòng ngừa rủi ro khi thị trường xuất hiện những cơ hội kiếm lời trong khoảng thời gian rất ngắn.

Việc sử dụng các thuật toán có thể dùng trong việc tự doanh các nghiệp vụ arbitrage phái sinh và giao dịch chứng chỉ quỹ ETF. Phần mềm giao dịch có khả năng theo dõi và nhận diện rất nhanh các chênh lệch giá giữa hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và tài sản cơ sở (âm/dương) để ra các quyết định mua/bán tức thời, hoặc nhận diện nhu cầu mua/bán chứng chỉ ETF để có thể thực hiện mua/bán và nghiệp vụ hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu.

Hiện tại, hệ thống giao dịch và giám sát tại các sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam chưa có khả năng nhận diện các giao dịch thuật toán, nên chưa thể đánh giá được những tác động lên giao dịch thông thường ở mức độ nào.

(*) Trích lược từ bài viết "Giao dịch thuật toán và hàm ý chính sách cho thị trường chứng Việt Nam" của Tạp chí Kinh tế - Tài chính Việt Nam.