Cổ phiếu nhóm Thủy sản “ngược sóng” nhờ thông tin tích cực từ tình hình xuất khẩu

Tuấn Phùng

Phiên ngày 10/6 chứng kiến xu thế giảm của hầu hết các chỉ số Vn-Index, HNX-Index, UPCoM-Index... khi số lượng mã cổ phiếu giảm trên cả hai sàn có tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư hài lòng nhất là việc nhóm cổ phiếu Thủy sản có xu hướng “ngược sóng” nhờ những thông tin tích cực từ tình hình xuất khẩu 5 tháng đầu năm và triển vọng tăng trưởng cả năm 2021.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng 14%, đạt 3,27 tỷ USD.
5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng 14%, đạt 3,27 tỷ USD.

Các chỉ số thị trường đều giảm

Diễn biến thị trường trong phiên ngày 10/6/2021 cho thấy, sàn HOSE đóng cửa với việc VN-Index giảm 9,32 điểm (-0,07%), xuống 1.323,58 điểm, có 162 mã tăng và 236 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 723,48 triệu đơn vị, giá trị 25.351,7 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 49,2 triệu đơn vị, giá trị 2.056,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX đóng cửa với việc HNX-Index giảm 5,56 điểm (-1,75%), xuống 311,32 điểm, có 64 mã tăng và 144 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 142,3 triệu đơn vị, giá trị 3.452,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,76 triệu đơn vị, giá trị 156,8 tỷ đồng.

Thị trường UPCoM cũng chịu chung số phận khi UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%), xuống 87,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 75 triệu đơn vị, giá trị 1.474,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,28 triệu đơn vị, giá trị 267,1 tỷ đồng.

Thị trường phái sinh cũng không ngoại lệ khi cả bốn hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm, trong đó, VN30F2106 giảm 6 điểm (-0,41%), xuống 1.453 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 343.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 32.200 đơn vị.

Điểm đáng chú ý trong phiên ngày hôm nay là một số lĩnh vực được dự báo có thể tiếp tục giữ được đà tăng như các tháng đầu năm thì đều quay đầu sụt giảm. Trong đó, theo thống kê của Vietstock, riêng lĩnh vực Ngân hàng phiên chiều chỉ có 6 mã tăng nhưng có tới 17 mã giảm giá. Đây cũng được là nhóm đóng góp nhiều cổ phiếu lớn trong việc đè chỉ số VN-Index lẫn VN30-Index trong phiên chiều nay. Khá ngạc nhiên là các phiên trước đó, các nhà đầu tư ngoại đều mua mạnh nhóm cổ phiếu này.

Kỳ vọng mới từ nhóm cổ phiếu Thủy sản

Điều làm các nhà đầu tư hài lòng phiên ngày 10/6 chính là nhóm cổ phiếu Thủy sản khi nhiều mã đồng loạt tăng giá, cụ thể: VHC (+6.25%), MPC (+7.9%), ICF (+14.3%), CMX (+7%), ANV (+6.8%), IDI (+6.9%), ACL (+6.8%), FMC (+6.9%), SSN (+15%)…

Dường như sự hứng phấn của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu Thủy sản bắt nguồn từ thông tin về kết quả xuất khẩu thủy sản tích cực trong 5 tháng vừa qua và triển vọng cả năm 2021.

Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thông tin gần đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu lĩnh vực Thủy sản của Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Theo VASEP, sau khi tăng 22% đạt 749 triệu USD trong tháng 4/2021, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước tiếp đà hồi phục với mức tăng lạc quan hơn trong tháng 5, tăng 24% đạt gần 790 triệu USD. Nhờ đó, lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm cũng khả quan hơn, tăng 14% đạt 3,27 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sang sang Hoa Kỳ, đặc biệt là mặt hàng tôm. Theo VASEP, ước xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm 2021 đạt 270 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Hoa Kỳ đang chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam nên sự hồi phục của thị trường này là đòn bẩy cho xuất khẩu tôm bật lên mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam hưởng lợi từ thị trường Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, các nhà nhập khẩu EU có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thuỷ sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ hiệp định EVFTA và nguồn nguyên liệu ổn định. Thống kê của VASEP cho thấy, luỹ kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang EU đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm vẫn chiếm tỷ trọng chi phối 50% với gần 199 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian tới, nếu dịch bệnh trên toàn cầu, đặc biệt tại một số quốc gia là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam được phục hồi nhờ miễn dịch cộng đồng và chiến lược vắc xin, dự kiến xuất khẩu Thủy sản của Việt Nam tiếp tục tăng cao. Khi đó, cổ phiếu ngành Thủy sản nhiều khả năng sẽ có sự bứt tốc mạnh.