Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT:

Nhà đầu tư chưa cần lo lắng về rủi ro lạm phát

Trích ý kiến của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT trong bài "Tâm điểm chứng khoán: Có nên lo lắng về lạm phát và tiền vào ồ ạt?" - Huyền Trâm - Mai Hương/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Ông Đinh Quang Hinh
Ông Đinh Quang Hinh

Theo tôi các động lực quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới bao gồm (1) lộ trình mở cửa trở lại và xu hướng phục hồi của nên kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, (2) các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ, bao gồm các gói kích thích tài khóa mới có quy mô lớn hơn và động thái duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 và (3) triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2021 và năm 2022.

Tôi kỳ vọng cùng với xu hướng mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam và hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế mới của Chính phủ, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng trưởng 21% so với cùng kỳ trong năm 2022 và sẽ là động lực thúc đẩy thị trường tiếp tục đi lên trong năm tới.

Về câu chuyện lạm phát cao tại Mỹ là khá đặc thù. Lạm phát tại Mỹ trong năm 2021 được dự báo ở mức 4,3% (theo IMF), tạm thời vượt khá xa so với mục tiêu lạm phát 2,0% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, lạm phát tại các khu vực khác, đặc biệt là châu Á đang tương đối bình ổn nhờ giá lương thực, thực phẩm tại châu Á được bình ổn và duy trì ở mức thấp trong thời gian vừa qua.

Chúng ta có thể thấy điển hình là Việt Nam khi lạm phát bình quân 10 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ và cả năm 2021 dự kiến ở mức 2,1%. Có thể nói, rủi ro lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt trong năm 2021.  

Như vậy, rủi ro từ lạm phát chủ yếu sẽ đến từ bên ngoài, đặc biệt là từ động thái thay đổi chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới. Với áp lực lạm phát tăng cao, Fed đã có những động thái bước đầu nhằm thu hẹp dần các chương trình nới lỏng tiền tệ được ban hành thời gian qua để hỗ trợ nền kinh tế, điển hình là chương trình nới lỏng định lượng (quantitative easing).

Tại cuộc họp diễn ra mới đây ngày 2-3/11, Fed dự định dừng hoàn toàn chương trình nới lỏng định lượng kể từ tháng 6/2022. Còn về lãi suất điều hành, Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất điều hành tiệm cận mức gần bằng không hiện nay.

Tuy nhiên, theo khảo sát của CME Group, thị trường kỳ vọng Fed có thể nâng lãi suất điều hành 25-75 điểm cơ bản trong năm 2022, bắt đầu từ tháng 7/2022. Việc Fed thu hẹp dần các chương trình nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới sẽ có tác động nhất định tới thị trường tài chính toàn cầu và là một rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu tâm trong thời gian tới.

Còn về rủi ro lạm phát trong nước, tôi cho rằng nhà đầu tư chưa cần quá lo lắng về vấn đề này. Tôi dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ vẫn được kiểm soát dưới mức trần 4% và theo thống kê lịch sử, trong môi trường áp lực lạm phát ở mức vừa phải, các kênh đầu tư tài sản như chứng khoán, bất động sản vẫn là những kênh hiệu quả để nhà đầu tư phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro lạm phát.

Với diễn biến thuận lợi ở cả chính sách tiền tệ và tài khóa, nền tảng lãi suất thấp và hoạt động đầu tư công đang được thúc đẩy - tập trung vào hạ tầng các đô thị vệ tinh, vùng ven, nên các doanh nghiệp có quỹ đất lớn ven các đô thị sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là các dự án đã hoàn thiện hạ tầng, có thể mở bán ngay và có mức giá tăng tốt do đó nhiều cổ phiếu bất động sản đã ghi nhận mức tăng giá rất ấn tượng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, với việc dòng tiền vào mạnh như hiện nay đã khiến giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp bị đẩy tăng quá nhanh, do đó khả năng trong ngắn hạn sẽ có những nhịp điều chỉnh để cân bằng trở lại, trước khi bước vào nhịp tăng ổn định trong năm tới.

Tôi cho rằng với những yếu tố hỗ trợ đã kể ra ở phần trên, cổ phiếu bất động sản vẫn sẽ là lựa chọn đầu tư đáng lưu tâm trong năm tới, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt cũng như có dự án lớn được bàn giao ngay trong giai đoạn cuối năm nay và năm tới.

Nhiều cổ phiếu ngành thép đã tăng 5-10 lần trong một năm vừa qua, phản ảnh kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng của nhóm doanh nghiệp này trong năm 2021. Do đó, áp lực chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành khác là hợp lý.

Tôi cho rằng việc giá bán thép thế giới có xu hướng giảm mạnh từ tháng 9/2021 và biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép quý III/2021 đã suy giảm đáng kể từ mức cao trong quý trước đó cũng đã gây áp lực lên diễn biến giá cổ phiếu thép trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhu cầu thép vẫn sẽ được duy trì ở mức cao trong những năm tới nhờ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn cầu và giá thép thấp hơn kích thích các hoạt động xây dựng dân dụng. Đây sẽ là luận điểm hỗ trợ giá cổ phiếu thép trong năm 2022.