Sáp nhập ngân hàng kiểu "chưa từng có": Nhỏ "ăn đứt" lớn?

Theo infonet.vn

(Tài chính) Thay vì sáp nhập truyền thống kiểu "thôn tính", như thường thấy, gần đây xuất hiện thông tin sáp nhập kiểu "ngân hàng trong ngân hàng" với tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu gây nhiều bất ngờ.

PGBank không hoàn toàn là một nhà băng có sức khỏe quá tốt. Nguồn: internet
PGBank không hoàn toàn là một nhà băng có sức khỏe quá tốt. Nguồn: internet

“Thị trường chuyển nhượng” ngân hàng sôi động

Các nhà băng lớn đang lần lượt hé lộ kế hoạch sáp nhập trước thềm đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2014 khiến “thị trường chuyển nhượng” trong ngành tài chính lại trở lên sôi động hơn bao giờ hết.

Ngoài các chỉ tiêu tài chính, giải quyết nợ xấu thì thông tin về mua bán, sáp nhập ngân hàng làm “nóng” mùa ĐHCĐ 2014. Có những thương vụ được giới tài chính đoán trước nhưng cũng có những thương vụ khiến ngay cả người trong cuộc cũng ngạc nhiên. Và cũng có những phương án sáp nhập lần đầu tiên sau 2 năm quá trình này đang diễn ra dồn dập đã lần đầu tiên được đưa ra. Đơn cử như trường hợp của ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Xăng dầu Việt Nam (PGBank).

Đồng thời, khác với những nhà băng khác sẽ mất đi thương hiệu khi sáp nhập với “anh lớn”, thì cái tên PGBank vẫn sẽ được giữ nguyên và hoạt động dưới hình thức đơn vị thành viên trực thuộc VietinBank. Như vậy, thương hiệu PGBank vẫn sẽ tồn tại trên thị trường.Điều khiến giới tài chính ngạc nhiên là việc định giá tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong chuyện sáp nhập của PGBank lại cao hơn so với “ông lớn” VietinBank. Theo tờ trình về việc sáp nhập của PGBank trình ĐHCĐ ngày 18/4 tới, thì tỷ lệ hoán đổi với VietinBank không thấp hơn hơn 0,82 cổ phiếu của PGBank đổi lấy 1 cổ phiếu VietinBank.

Ngoài VietinBank một nhà băng “đầu tàu” nữa là VietcomBank cũng đang hé lộ thông tin cho biết sẽ mua lại một nhà băng nhỏ khác, cũng theo mô hình mà VietinBank đang định tiến hành với PGBank.

Một nhà băng khác cũng đang lên kế hoạch sáp nhập là NHTM cổ phần Bản Việt (VietCapitalBank). Cái tên VietCapitalBank khá ít xuất hiện, thêm nữa VietCapitalBank mới đổi tên được 2 năm và đang “gánh” tỷ lệ nợ xấu tới 4,1% tổng dư nợ cho vay, tăng 2,2% so với năm 2012.

Còn với trường hợp của một nhà băng yếu kém khác là NHTM cổ phần Dầu Khí Toàn cầu (GPBank), hiện ngân hàng cũng đang hoàn thiện các thủ tục để có thể “về một nhà” với một nhà băng ngoại. Tỷ lệ bán cổ phần có thể lên tới 100%.

Được giá hời khi bán cho “ông lớn”?

Cái tên PGBank và thông tin sáp nhập với VietinBank gây sự chú ý trên thị trường tài chính không hẳn ở việc PGBank được nhà băng lớn nhất nhì ra tay “cứu”, mà còn ở tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong trường hợp này cũng có điểm khác so với các thương vụ đã thành công trước đó. Thường, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong các trường hợp sáp nhập trước đây là 1:1 hoặc tỷ lệ phần lớn “nghiêng” về phía nhà băng lớn. Phải chăng PGBank là món hàng “ngon” và chất lượng để “ông lớn” VietinBank cần phải trả giá cao để có được?

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính cho rằng, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu không chỉ nằm ở quy mô ngân hàng được sáp nhập, thâu tóm, mà còn ở chất lượng cũng như sức khỏe nhà băng đó ra sao.

“Dù là ngân hàng nhỏ nhưng sức khỏe tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới mức kiểm soát… thì tỷ lệ hoán đổi có thể là 1:1, thậm chí là nhỉnh hơn. Ngược lại, nhà băng có quy mô lớn nhưng sức khỏe kém thì tỷ lệ hoán đổi thấp là đương nhiên” – TS. Lực nói và cho rằng, trong trường hợp PGBank có thể được định giá là ngân hàng “nhỏ nhưng sức khỏe tốt”.

Nhìn vào các chỉ tiêu báo cáo tài chính của nhà băng này 2 năm 2012-2013 cho thấy, PGBank không hoàn toàn là một nhà băng có sức khỏe quá tốt. Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng một cách chóng mặt trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013. Nếu đầu năm 2012 tỷ lệ nợ xấu của PGBank chỉ là 3%, thì tới cuối năm 2012 đã “nhảy vọt” lên 8,4% và tăng tốc lên 9,1% trong 6 tháng đầu năm 2013. Ở thời điểm nửa đầu năm 2013 con số cho vay tại PGBank chỉ đạt 13.155 tỷ đồng, trong khi nợ xấu đã chiếm 1.197 tỷ, trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 137 tỷ đồng.

Nhờ sự “cứu giúp” từ Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), tỷ lệ nợ này của PGBank đã nhanh chóng giảm xuống 2,98% vào cuối năm 2013 khi bán lại nợ xấu cho VAMC với 752 tỷ đồng, xử lý và thu hồi được 629 tỷ đồng.

Dù việc nhà băng lớn “nuốt” nhà băng nhỏ và biến ngân hàng nhỏ thành “đứa con” của mình chưa có tiền lệ tại Việt Nam, song lại là ngoại lệ trên thị trường tài chính quốc tế. Lẽ đương nhiên cuộc hôn nhân của PGBank và VietinBank sẽ cần sự đồng thuận từ phía các cổ đông trong ĐHCĐ của các nhà băng này tới đây, nhưng khả năng thương vụ này thành công là khá lớn.

Bởi 2 lẽ, ngoài chuyện tận dụng được thị trường, mạng lưới sẵn có của PGBank thì, trước nhất tỷ lệ hoán đổi đang có phần lợi nghiêng về PGBank. Thứ hai, việc PGBank được “gả” về cho VietinBank sẽ giúp cổ đông lớn của PGBank hiện nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giảm được tỷ lệ sở hữu về mức an toàn 20% theo yêu cầu của Chính phủ.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng “Việc giữ lại thương hiệu là quyết định của hai bên, nếu họ thấy việc giữ lại thương hiệu ngân hàng con là có lợi, không ảnh hưởng gì tới hoạt động của cả ngân hàng mẹ và con. Sau vài năm hoạt động nếu thấy việc giữ lại ngân hàng nhỏ không có lợi thì lúc đó “gom” lại cũng không muộn”.

Nguyên Phó tổng giám đốc một NHTM tại Hà Nội đánh giá, mô hình sáp nhập "ngân hàng trong ngân hàng" sẽ là "khó xơi" nếu không có một "hàng rào" quản lý bởi đây là hình thức sáp nhập hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ ở Việt Nam.