Sự trỗi dậy của dòng vốn nội cho những trận đánh "tỷ đô"

Theo Bạch Huệ/vnbusiness.vn

Luôn tồn tại một sự quật cường, tự tôn dân tộc dù ở bất cứ nơi đâu, ngay cả ở nơi đặc biệt nhất - thị trường chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong "con sóng" lấy lại vị thế quốc gia của Vn-Index, dấu ấn của nhà đầu tư cá nhân và dòng vốn nội rất đậm nét, không hề nao núng khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục hơn 40.000 tỷ đồng.

Khối ngoại luôn bán mạnh trước các "con sóng" lớn

Có một nỗi sợ vô hình của giới đầu tư chứng khoán nhiều năm nay, đó là mỗi khi “Tây bán ròng”. Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài là một thế lực lớn trên thị trường chứng khoán non trẻ như Việt Nam, vậy nên mỗi khi nước ngoài bán ròng, các nhà đầu tư lại thuyết âm mưu nhiều câu chuyện.

Thị trường chứng khoán Việt chưa bao giờ trải qua đợt bán ròng mạnh và dữ dội như năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021. Trong "con sóng" đi lên mạnh mẽ của chứng khoán Việt, dù là một thế lực lớn của thị trường nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại góp vui một thứ gia vị “mặn chát”.

Theo thống kê, năm 2020, nếu tính giao dịch khớp lệnh trên sàn, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 39.000 tỷ đồng; nếu tính giao dịch thoả thuận VHM, MSN, khối ngoại bán ròng khoảng 23.000 tỷ đồng. Đà bán ròng dâng lên dữ dội, 3 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên 18.500 tỷ đồng, chỉ tính trong tháng 3 đã là 12.253 tỷ đồng. Tổng cộng từ năm 2020 đến 31/3/2021, khối ngoại bán ròng hơn 41.500 tỷ đồng.

Có những ngày, khối ngoại bán ròng tới mức 1.400 tỷ đồng, khiến nhiều cổ phiếu trụ và VN30 sàn hàng loạt.

Đây là khoảng thời gian bán ròng kỷ lục nhất của khối ngoại ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2016, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cũng chỉ đạt 7.828 tỷ đồng.

Nhìn lại lịch sử Vn-Index, mỗi khi khối ngoại bán ròng mạnh mẽ lại là khởi nguồn của một "con sóng" lớn. Năm 2016, sau khi khối ngoại bán ròng mạnh mẽ đã mở ra một "con sóng thần” kéo dài gần 1 năm rưỡi từ năm 2017 đến tháng 4/2018 khi Vn-Index lập đỉnh ở 1.204 điểm và lao dốc sau đó.

Theo dữ liệu tổng hợp của FiinTrade, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE đã về mức thấp hơn hồi đầu năm 2018, còn khoảng 18,5%. Mức đỉnh giữa hai thời điểm được ghi nhận là 21% hồi đầu năm 2020. Kể từ đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm mạnh và liên tục cho đến nay.

Năm 2020, Vn-Index dưới sự bùng nổ và lan rộng của đại dịch Covid-19 đã chạm đáy 650 điểm và bật tăng dài trở lại sau đó. Song, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mải miết bán ròng từ đáy cho đến khi chạm 1.200.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục, rút ròng vốn tại Việt Nam.
Khối ngoại bán ròng kỷ lục, rút ròng vốn tại Việt Nam.
 

Có một điều kỳ lạ là sau những đợt bán ròng lớn kéo dài bằng năm, khối ngoại luôn trở lại mua ròng rất mạnh mẽ. Năm 2016, sau khi bán ròng kỷ lục thì khối ngoại cũng trở lại mua ròng kỷ lục vào năm 2017 đạt 25.890 tỷ đồng. Đó cũng là động lực đưa Vn-Index có "con sóng" lớn năm 2017-2018.

Ở thời điểm này, Vn-Index đang có nhiều điểm chung, sau khi bán ròng kỷ lục đến 31/3, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại vị thế mua ròng từ đầu tháng 4.

Chỉ 3 phiên giao dịch đầu tháng 4, khối ngoại đã mua ròng tới 850 tỷ đồng. Nếu như dòng tiền ngoại trở lại mạnh mẽ theo đúng kịch bản năm 2017 lặp lại thì đây sẽ là động lực lớn kết hợp cùng sự trỗi dậy của dòng vốn nội, đặc biệt từ các nhà đầu tư cá nhân kỳ vọng tạo ra những trận đánh “tỷ đô” trong năm nay.

Dòng vốn nội trỗi dậy làm chủ thế trận

“Cân Tây” đầy quật cường, mua ròng mạnh mẽ của cả nhà đầu tư tổ chức và tự doanh bán ròng, khối nhà đầu tư cá nhân đang làm chủ cuộc chơi. Nhà đầu tư cá nhân đang góp dòng tiền lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Theo thống kê từ dữ liệu của Fiin Group, tháng 3/2021 - khi nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh và nhà đầu tư tổ chức đều bán ròng thì các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng tới 19.800 tỷ đồng, tạo lực đỡ giúp Vn-Index không bị rơi sâu. Nếu tính từ tháng 7/2020, khối nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 34.000 tỷ đồng.

Dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ đã trở thành một thế lực lớn đưa Vn-Index từ mốc 650 điểm (tháng 3/2020) lên 1.236 điểm chốt phiên ngày 5/4/2021.

Chưa bao giờ dòng vốn nội trên thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh mẽ như thời điểm hiện tại, nhiều phiên giao dịch 15.000-16.000 tỷ đồng, đa phần chỉ diễn ra trong buổi sáng và đầu giờ chiều. Tiền như thác đổ vào thị trường khiến HoSE nghẽn lệnh đến nay đã 4 tháng.

Trong tháng 3, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 69.000 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.

Dù vậy, dòng tiền nội vẫn làm chủ “thế trận”. Sự trỗi dậy của dòng vốn nội đã tạo ra nhiều kỷ lục mới trên sàn chứng khoán Việt Nam. Lần đầu tiên HoSE nghẽn lệnh từ 11h20 phút sáng 2/4 với giá trị thanh khoản trên 14.000 tỷ đồng.

Lần đầu tiên, có một cổ phiếu giao dịch chạm ngưỡng 100 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng 2.000 tỷ đồng, đó là STB…

Kỳ vọng những trận đánh “tỷ đô”

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục nhưng chứng khoán Việt vẫn đầy hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư mới đến.

"Việt Nam bây giờ giống như Đài Loan của những năm 1980. Bạn không thể tham gia đầu tư vào Đài Loan cách đây 40 năm, nhưng bạn có thể kiếm được lợi nhuận nhờ những cải cách kinh tế của Việt Nam thông qua việc đầu tư vào Fubon Vietnam ETF", Yang Yining, Giám đốc đầu tư Fubon Vietnam ETF nói.

Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc). Ngày 24/3, quỹ này đã tiến hành IPO huy động được 8.100 tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu Việt Nam. Nhà đầu tư Đài Loan đã đổ xô đăng ký mua hết chứng chỉ quỹ này khi mở bán.

Một quỹ khác của Đài Loan là CTBC Vietnam Equity Fund, đã giải ngân vào Việt Nam từ tháng 9/2020, đến nay quy mô của quỹ đã lên tới 6.500 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay Vn-Index giậm chân tại chỗ dù vị thế quốc gia đã khác, quy mô nền kinh tế và thu nhập của doanh nghiệp trên sàn đã khác. Đã đến lúc, VN-Index cần lấy lại vị thế mới bởi nó vẫn là tấm gương phản chiếu nền kinh tế của một quốc gia phát triển năng động, GDP tăng trưởng lọt top khu vực và thế giới.

Ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của quỹ Pyn Elite Fund (tổng tài sản 17.000 tỷ đồng) cho rằng, nhà đầu tư trong nước ồ ạt tham gia thị trường đã khiến HoSE tắc nghẽn dù khối ngoại liên tục bán ròng. Ông Petri Deryng cũng kỳ vọng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại mua ròng năm 2021.

Với dòng vốn nội mạnh mẽ và đà mua ròng lại của khối ngoại, giới đầu tư kỳ vọng những trận đánh “tỷ đô” sẽ diễn ra ngay khi HoSE hết nghẽn lệnh. Hiện, HoSE vẫn bị giới hạn lượng lệnh 900.000/ngày, thanh khoản 14.000-15.000 tỷ đồng/phiên.