Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan, trong đó có tối thiểu nội dung: Kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp.
Để làm rõ về quy định này, tại Thông tư số 15/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN vừa được ban hành mới đây, NHNN yêu cầu sửa đổi thành: Quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp.
Trong nguyên tắc mua trái phiếu của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Thông tư số 15/2018/TT-NHNN cũng bổ sung thêm điểm đ (Điều 3) đó là: Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Thông tư số 15/2018/TT-NHNN cũng quy định rõ, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Như vậy, ngoài việc không được vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác để mua trái phiếu doanh nghiệp, thì nay các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ bị siết thêm khi bị cấm mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho vay đảo nợ nói chung và mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để đảo nợ nói riêng thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ che giấu nợ xấu của các ngân hàng.
Do vậy, dù hiện nay, động thái siết chặt của NHNN có thể khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các “ông lớn” đang có khoản nợ lớn ở các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn và chính các ngân hàng cũng sẽ "khó thở" với việc giải quyết món nợ song đây là động thái cần thiết. Bởi khi đó, chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu, sức khỏe của ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận thực chất hơn.