Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Theo Hóa Khoa/nhadautu.vn

Nhận định này dựa trên các tác động tích cực với nền Kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng dòng vốn FDI.

HSC vẫn giữ quan điểm tích cực về ảnh hưởng của tranh chấp thương mại trong thời gian 6-9 tháng tới. Nguồn: internet
HSC vẫn giữ quan điểm tích cực về ảnh hưởng của tranh chấp thương mại trong thời gian 6-9 tháng tới. Nguồn: internet

Theo đó, Công ty CP Chứng khoán HSC nhận định tăng trưởng GDP trong năm 2019 dưới sự ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là 6,7%. Trước đó, Công ty này dự báo GDP sẽ giảm 0,3%. Trong kịch bản khả dĩ nhất của mình, HSC tin tưởng rằng các tác động tích cực và tiêu cực sẽ cân bằng hoàn toàn với nhau. Và nhìn xa ra nhiều năm, thì ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài sẽ tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Qua đó, giúp đẩy mạnh vốn FDI vào Việt Nam cũng như tạo ra thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội hiện tại.

Điều này một phần là nhờ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt. Một phần dựa trên quan điểm một số ngành và cổ phiếu có thể còn hưởng lợi trong trung dài hạn. Chủ yếu do các nhà sản xuất Bắc Á buộc phải xem xét lại chiến lược tại Trung Quốc và có lẽ phải chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Trong khi đó những doanh nghiệp hiện hữu sẽ có thêm cơ hội kinh doanh, đặc biệt là từ Mỹ. Hiện HSC thấy rằng Việt Nam có những cơ hội từ một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài.

Vài tháng trước, nhiều NĐT cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động xấu tới Việt Nam và tác động này phải được phản ánh vào tỷ giá và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những NĐT này hiện đã thay đổi quan điểm và có một cái nhìn sâu sắc hơn đối với vấn đề này. Đã có một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng một số nhà sản xuất Bắc Á đang tích cực xem xét việc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Trong khi đó các nhà sản xuất đang ở Việt Nam (cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội) trong những lĩnh vực như dệt may, nội thất, sản xuất đèn chiếu sáng và công nghệ đang cho thấy doanh thu từ các thị trường chủ chốt tăng lên trong bối cảnh có thông tin là doanh nghiệp mua hàng từ Mỹ tại các thị trường này đang giảm bớt một phần đơn đặt hàng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nhận định này dựa trên cơ sở vị trí địa chính trị, lợi thế chi phí và chính sách thu hút vốn FDI. Những doanh nghiệp nội và FDI hiện hữu tại Việt Nam có thể sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh hơn từ những doanh nghiệp Mỹ muốn giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên HSC cũng lưu sẽ mất vài quý để điều này thể hiện ra con số tích cực.

Một mặt, HSC thừa nhận rằng xuất khẩu hàng hóa cơ bản và các sản phẩm khác từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ kém đi. Nhưng mặt khác sản phẩm trung gian của (1) doanh nghiệp đã có cơ sở tại Việt Nam và Trung Quốc và (2) doanh nghiệp mới muốn giảm rủi ro từ Trung Quốc sẽ từ Trung Quốc sẽ ngày càng chuyển nhiều sang Việt Nam để sản xuất thành phẩm.

Tuy vậy, vẫn có rủi ro kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020 – Đây là vấn đề phức tạp và quan điểm tích cực hiện nay có thể tan biến sau này nếu nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Nhiều nhà quan sát dự báo điều này sẽ xảy ra vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020. Nếu thương mại toàn cầu kém đi trong năm sau thì lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút được thêm vốn FDI và kim ngạch thương mại sẽ không đủ để vượt qua ảnh hưởng vĩ mô từ sự suy thoái chung của thế giới.

Từ đó, HSC vẫn giữ quan điểm tích cực về ảnh hưởng của tranh chấp thương mại trong thời gian 6-9 tháng tới.