Thị trường cổ phiếu niêm yết HNX: Khối ngoại mua ròng 320 tỷ đồng

PV.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên thị trường cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu thế mua ròng bất chấp thị trường chứng khoán có khá nhiều biến động.

6 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 320 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 320 tỷ đồng.

Theo đánh giá của HNX, thị trường cổ phiếu niêm yết HNX có nhiều biến động trong 6 tháng đầu năm 2022. Sau khi đạt mức cao nhất 493,84 điểm vào ngày 7/1/2022, chỉ số HNX-Index có xu hướng giảm liên tục và giảm mạnh trong quý II/2022, đóng cửa tại mức 277,68 điểm, giảm 41,4% so với cuối năm 2021. Ngày 21/6/2022, HNX - Index đóng cửa thấp nhất đạt 264,62 điểm.

Thống kê của HNX cũng cho thấy, tại phiên giao dịch kết thúc nửa đầu năm 2022, các chỉ số ngành đều giảm điểm so với thời điểm đầu năm. Trong đó, ngành Tài chính có mức giảm nhiều nhất 284,94 điểm (tương ứng -30,39%) đạt 652,82 điểm; ngành Xây dựng giảm 147,70 điểm (-29,18%) đạt 358,53 điểm và chỉ số ngành Công nghiệp giảm 39,35 điểm (-12,44%) đạt 276,94 điểm.

Bên cạnh chỉ số ngành, các chỉ số quy mô cũng giảm điểm. Trong đó, chỉ số LargeCap dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn giảm 164,90 điểm (-35,87%) đạt 294,86 điểm tại thời điểm cuối 06 tháng đầu năm2022, chỉ số Mid/SmallCap dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 289,67 điểm (-25,65%) đạt 839,83 điểm.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, khối lượng giao dịch bình quân cũng giảm mạnh, đạt 98 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 2,6 nghìn tỷ đồng/phiên. So với cả năm 2021 thì khối lượng giao dịch bình quân phiên giảm 34% và GTGD bình quân phiên giảm 17%. Trong đó, tháng 3 có khối lượng giao dịch cao nhất trong nửa đầu năm 2022, bình quân giao dịch 130 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân tương ứng đạt 3,7 nghìn tỷ đồng/phiên.

Giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX30 trong 06 tháng đầu năm 2022 giảm 45% so với  cùng kỳ năm 2021, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5.87 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 214,85 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,15% khối lượng giao dịch và 69,85% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Điểm sáng hiếm hoi của thị trường có lẽ vẫn là động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê của HNX cho thấy, khối ngoại tăng giao dịch cổ phiếu niêm yết HNX. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch của khối này chiếm tỷ trọng 1,62% toàn thị trường, với giá trị mua ròng đạt 320 tỷ đồng.

Về biến động giá cổ phiếu, cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất là mã chứng khoán VLA của CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang, tăng 106,67% (tương đương 32.000 đồng/cp) đạt 62.000 đồng/CP, đứng thứ 2 là cổ phiếu HPM của CTCP Xây dựng Thương mại và Khoáng sản Hoàng Phúc với mức tăng 91,26% (tương ứng 9.400 đồng/cp) đạt 19.700 đồng/cp. Tiếp sau là cổ phiếu SGC của CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang với mức tăng 62,72% (tương ứng 31.800 đồng/cp) đạt 82.500 đồng/cp, cổ phiếu HEV của CTCP Sách Đại học - dạy nghề có mức tăng 61,27% (tương ứng 17.400 đồng/cp) đạt 45.800 đồng/cp

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam dẫn đầu với thị phần 11,38%, tương đương hơn 1,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tiếp theo là cổ phiếu SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội với thị phần là 6,75% tương đương hơn 795 triệu cổ phiếu được giao dịch, tiếp theo là cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS với thị phần chiếm 6,4% tương đương với 755 triệu cổ phiếu được giao dịch.