Tín dụng ngân hàng đổi hướng?

Theo VTV

Dòng tiền từ hệ thống ngân hàng đang tập trung hơn vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, nhưng các chuyên gia kinh tế khẳng định, tăng trưởng kinh tế không bị ảnh hưởng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông lâm, thuỷ hải sản đang tăng dần trong 3 năm trở lại đây. Vốn cho nông lâm, thuỷ hải sản nửa đầu năm 2016 tăng mạnh 9,31%, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, tốc độ tăng vốn vào ngành xây dựng lại đang giảm mạnh.

Trong nửa đầu năm 2016, tín dụng vào xây dựng chỉ còn tăng 4,1%, chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ năm 2015 và bằng chưa đến 1/2 so với tăng trưởng tín dụng vào nông nghiệp.

Qua số liệu trên, có thể thấy khẳng định của Ngân hàng nhà nước (NHNN) là hoàn toàn có cơ sở. Dòng vốn đang chuyển dần sang các lĩnh vực sản xuất , đặc biệt là nông lâm, thuỷ sản.

Dòng vốn đang chảy mạnh hơn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh

10.000 tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh; 3.000 tỷ đồng ưu đãi doanh nghiệp nhỏ; 1.500 tỷ đồng tiếp vốn khởi nghiệp… là hàng loạt các gói tín dụng ưu đãi đang được các ngân hàng thương mại chào mời doanh nghiệp.

Lý giải về điều này, NHNN cho rằng những quy định chặt chẽ hơn về an toàn vốn đối với các khoản cho vay trung dài han và cho vay bất động sản buộc các ngân hàng phải thận trọng hơn.

Đối với các dự án rủi ro như bất động sản, chứng khoán; các lĩnh vực cho vay dòng vốn thu hồi lại rất dài như BOT, giao thông… ngành tài chính ngân hàng được yêu cầu nắn chỉnh cái dòng vốn này để đảm bảo cho cái việc là các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ để hạn chế cái rủi ro phát sinh.

Giảm lãi suất cho vay thêm cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt nâng cao sức cạnh tranh

Ngân hàng đẩy mạnh nhiều gói tín dụng cho các nhóm DN sản xuất kinh doanh với mức lãi suất thấp. Với sự thay đổi trong chiến lược tín dụng của các Ngân hàng, một số DN cũng liên tục nhận được các lời mời chào vay ưu đãi. Các DN này đã tận dụng cơ hội này để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhờ trả lãi ít hơn, các DN trong ngành nông sản xuất khẩu cũng có thể chủ động lựa chọn thời điểm hợp lý để mua nguyên liệu đầu vào và mở rộng sản xuất

Hiện tại, DN trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm sạch đã được giảm vốn vay ngắn hạn xuống 6%. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng bên cạnh việc giảm lãi vay, các ngân hàng sẽ đơn giản hơn thủ tục vay vốn , giảm bớt yêu cầu về tài sản đảm bảo để giúp DN có điều kiện sản xuất tốt hơn.

Tín dụng đổi hướng không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế

Sau một thời gian nắn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, thay vì vào các lĩnh vực tài chính, bất động sản như giai đoạn trước, một bộ phận DN đã được hưởng lợi.

Tuy nhiên, xu hướng tích cực này liệu có thể giúp giải được bài toán khó, thách thức lớn của nền kinh tế hiện nay là đạt mục tiêu tăng trưởng 6.7% năm nay hay không? Một số chuyên gia khẳng định xu hướng này không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.

Tín dụng đang có chiều hướng tốt lên là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của cả kinh tế còn đòi hỏi hàng loạt các giải pháp tổng thể của Chính phủ trong Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng.