Ngân hàng ngoại “đổ bộ” vào Việt Nam: Nỗi lo mất thị phần?

Theo enternews.vn

Việc tăng cường hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng đang tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.


Ngân hàng ngoại gia tăng hiện diện

Kể từ sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay số lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiện diện ở Việt Nam đã tăng 51,4%. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý về nguyên tắc cho Woori Bank (Hàn Quốc) thành lập 100% vốn tại thị trường Việt Nam.

Nếu Woori Bank được thành lập thì Việt Nam sẽ có 7 ngân hàng 100% vốn ngoại. Số lượng chi nhánh của khối ngân hàng này những năm qua cũng tăng từ mức 31 điểm năm 2006 lên 50 điểm của năm 2016, chưa tính 50 văn phòng đại diện và các ngân hàng liên doanh.

Theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nếu so với thời điểm ngân hàng nước ngoài mới vào Việt Nam với số vốn đăng ký từ 15-20 triệu USD, thời hạn hoạt động từ 20-30 năm, hiện nay vốn của các ngân hàng ngoại đã tăng gấp nhiều lần.

Bên cạnh sự thay đổi về lượng, chiến lược kinh doanh của các ngân hàng ngoại cũng thay đổi. Trước đây, ngân hàng ngoại chỉ tập trung tìm kiếm các doanh nghiệp FDI để cấp vốn và tương đối e dè với các doanh nghiệp Việt Nam nay họ đang tiếp cận rất sát các doanh nghiệp nội. Khối ngoại đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng trưởng tín dụng thay vì chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí như trước.

Chưa phải là áp lực

Việc các ngân hàng ngoại đổ bộ vào Việt Nam đang khiến thị trường xuất hiện thông tin ngân hàng nội sẽ chịu nhiều sức ép trước xu hướng hội nhập, nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng trong nước nhiều năm qua phải chật vật với việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank thừa nhận một thực tế những khó khăn của các ngân hàng nội. Ví dụ như ngân hàng này, tổng chi phí trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu của ngân hàng đang tăng cao, năm 2015 là 3.278 tỷ đồng, tăng 2.298 tỷ đồng so với năm trước.

Việc các ngân hàng nước ngoài tăng cường sự hiện diện, mở rộng quy mô xem ra là việc bình thường trong hoạt động kinh doanh, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì việc mở cửa là điều tất yếu, phải làm.

Tuy nhiên, điều đáng để các ngân hàng nội suy tính là do có mạng lưới hoạt động rộng rãi, nên các ngân hàng trong khu vực khi đổ bộ vào Việt Nam không chỉ “thâu tóm” được khách hàng ruột của nước mình, mà còn nắm giữ được khách hàng tại nhiều quốc gia khác có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Chẳng hạn như, ngân hàng Bangkok Chi nhánh Việt Nam sẽ cạnh tranh để thu hút khách hàng Trung Quốc, Malaysia…

Sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với nhóm các ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài cũng có khả năng thu hút khách hàng là các doanh nghiệp địa phương dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường, cũng như sức mạnh tài chính dồi dào từ các công ty mẹ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, mục đích chính của các ngân hàng ngoại khi đến Việt Nam không phải để cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng nội mà theo chân khách hàng truyền thống của họ. Thêm nữa, thị phần của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam đến giờ còn rất nhỏ, họ ít tham gia vào các hoạt động tín dụng hay huy động vốn.

Theo ông,khi ngân hàng ngoại vào bao giờ cũng đểmở đường cho các nhà đầu tư của nước họ, họ phục vụ cho doanh nghiệp nước ngoài là chủ yếu chứ không phải nhắm vào doanh nghiệp Việt. Dĩ nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tốt, có đủ điều kiện, ngân hàng ngoại cũng sẵn sàng mở cửa.

Nhìn nhận về việc cạnh tranh với các ngân hàng ngoại, đại diện ngân hàng OCB cũng chia sẻ, thị phần huy động vốn của khối ngân hàng ngoại hiện chỉ chiếm khoảng 5%, tín dụng ước khoảng 15%.

Dịch vụ của các ngân hàng trong nước đa dạng, các ngân hàng nội hiểu khách hàng của mình hơn các ngân hàng ngoại, nên các ngân hàng ngoại đang tăng tốc về số lượng nhưng chưa phải áp lực.

Một số lãnh đạo ngân hàng trong nước vẫn tự tin về khả năng cạnh tranh trên thị trường của các ngân hàng nội trong tăng trưởng tín dụng. Hiện đã có nhiều ngân hàng nội đang nâng chất lượng quản trị thông qua hoạt động tái cấu trúc.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, hiện có 10 ngân hàng trong nước đang thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Basel II sẽ nâng chất lượng quản trị lên ngang với các ngân hàng quốc tế.

Bên cạnh đó, với lợi thế am hiểu địa phương và sự nỗ lực đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ là một trong những lợi thế phát triển khá tốt cho các ngân hàng nội. Khả năng cạnh tranh với khối ngoại cũng được các chuyên gia đánh giá là cơ hội đang chia đều cho những ngân hàng nào biết nắm bắt cơ hội.