Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,3% trong năm nay

Theo baodautu.vn

Năm 2016, chính sách tài khóa, tiền tệ tiếp tục được giữ ổn định, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Chính điều này đã tác động tích cực đến lãi suất VND. Năm nay, lãi suất VND khá ổn định, do tỷ giá được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa lượng tiền đồng ra thị trường và hút về một cách hợp lý, nên lãi suất tiền đồng khó biến động theo chiều hướng tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng vẫn còn ở phía trước. Cụ thể, thách thức trong ngắn hạn đối với nền kinh tế là nợ xấu ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng mặc dù đã được kéo về mức 3% vào cuối năm 2015, nhưng con số nợ xấu thực tế cao hơn mức này.

Tính đến cuối tháng 6/2016, nợ xấu chính thức của ngành ngân hàng là 5,6 tỷ USD và khoảng 11,3% đã được chuyển qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, đầu ra của VAMC đang rất hạn chế và giải pháp bán nợ xấu theo cơ chế thị trường cũng chưa thể đẩy mạnh.

Trên thực tế, việc mua nợ xấu của VAMC chủ yếu để giãn thời gian cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, bởi sau 5 năm, nếu các khoản nợ xấu bán cho VAMC không được xử lý, thì các ngân hàng sẽ phải thu hồi về. Vì thế, nếu không có sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính công sẽ rất khó khăn trong xử lý nợ xấu.

Trên thực tế, Chính phủ đã mua lại một số ngân hàng yếu kém, nợ xấu tăng cao và không thể tái cơ cấu bằng nội lực, với giá 0 đồng, để chuyển đổi từ ngân hàng cổ phần thành ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

Bên cạnh nợ xấu khó xử lý nhanh, thách thức khác đối với nền kinh tế là thâm hụt ngân sách.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, các tác động từ bên ngoài đến kinh tế Việt Nam như sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong những tháng cuối năm… là không đáng kể.

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay đối với kinh tế Việt Nam, theo ông Hải, là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP sẽ có tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam, với dự báo mang lại 3 tỷ USD cho các ngành dệt may, da giày vào năm 2020. Vì vậy, xu hướng tăng trưởng đối với ngành này sẽ tiếp tục trong tương lai. Bên cạnh đó, ngành logictics cũng sẽ phát triển mạnh nhờ TPP.

“TPP tác động rất lớn đến xuất khẩu, GDP của Việt Nam. Vì vậy, nếu TPP được phê chuẩn sẽ rất có lợi cho Việt Nam”, ông Hải nói và cho biết, HSBC dự báo, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay và 6,8% trong năm 2017.

Phát biểu tại buổi Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cơ hội từ thách thức”, do HSBC vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Kyle Francis Kelhofer, Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia cũng nhận định, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng cần cải thiện năng lực nguồn lao động, nhất là với nguồn lao động trẻ phải thay đổi về kỹ năng.

Đồng thời, theo ông Kyle, để tăng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tính kết nối.

TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân, song thách thức vẫn còn phía trước, trong khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn có nhiều thuận lợi hơn. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho năm nay là tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước, nhất là với khối tư nhân, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang ngày càng khởi sắc.