Vì sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam
Ngày 8/9/2016, Viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016-2020” tại Hà nội.
Kể từ khi trở thành hệ thống ngân hàng 2 cấp vào năm 1991, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia trong cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Tính đến cuối năm 2015, hệ thống ngân hàng Việt Nam có hơn 40 ngân hàng với đủ loại hình sở hữu cũng như đa dạng về lĩnh vực hoạt động, với tổng tài sản đạt trên 7,3 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển này, do những tác động từ bên ngoài cũng như các yếu tố nội tại, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều yếu điểm và tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa sự ổn định của chính nó.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đã được triển khai với các định hướng quan trọng như: Xử lý nợ xấu, sở hữu chéo; tái cấp vốn cho ngân hàng thông qua các kênh; tăng cường công tác quản trị rủi ro và giám sát; áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế…
Và để thực hiện hiệu quả các định hướng trên, một trong những điều kiện căn bản cần có là tiếp tục hoàn thiện các vấn đề thể chế cho hoạt động của các ngân hàng cũng như cho hoạt động giám sát của cơ quan quản lý, giám sát của thị trường đối với ngân hàng.
Hội thảo khoa học quốc gia được thực hiện đúng vào thời điểm cần có những nhìn nhận, đánh giá về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng như trong bối cảnh cần có những nghiên cứu và thảo luận nhằm giúp các bên liên quan hoàn thiện thể chế cho giai đoạn phát triển tiếp theo hướng tới sự minh bạch, hiệu quả và bền vững của hệ thống ngân hàng.
Đây được xem như là diễn đàn mở để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cũng như những người làm thực tiễn công bố, trao đổi những nghiên cứu và hiểu biết mới nhất của mình về các vấn đề thể chế liên quan đến hành vi của ngân hàng, cấu trúc ngành và quy định luật lệ, giám sát đối với ngân hàng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập tài chính và hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới sâu rộng hơn.
Các tham luận tại hội thảo đều hướng đến tập trung làm rõ 5 vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, trình bày quan niệm và thước đo sự minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thứ hai, đánh giá về tính lành mạnh, minh bạch và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2001-2015.
Thứ ba, thảo luận về khía cạnh lý luận và đánh giá các kết quả thực tiễn của vấn đề thể chế liên quan đến hoạt động của ngân hàng và giám sát đối với ngân hàng.
Thứ tư, thảo luận và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển minh bạch, hiệu quả và bền vững Hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Thứ năm, liên kết các vấn đề về thể chế kinh tế và thể chế tài chính trong sự phát triển Hệ thống Ngân hàng và phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Được biết, sau khi xét duyệt, thẩm định từ 53 công trình nghiên cứu của các tác giả hiện đang công tác tại các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, bộ, ngành, doanh nghiệp, Ban tổ chức hội thảo đã tập hợp được 45 công trình phù hợp để công bố trong kỷ yếu Hội thảo - ấn phẩm được xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.