Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không chủ quan với lạm phát.
Nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất quan tâm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhằm hỗ trợ Chính phủ đạt được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng như các chỉ tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT). Định hướng của Thống đốc được truyền tải đến ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua các văn bản mà NHNN ban hành, chỉ đạo, từ khối điều hành đến khối thanh tra giám sát” - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp của NHNN với các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm đánh giá tình hình thị trường tiền tệ 8 tháng đầu năm, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 cuối tuần qua.
Cuộc họp do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh chủ trì.
Những tháng qua, có thể nói diễn biến tiền tệ hoạt động ngân hàng đã cơ bản theo đúng định hướng của Thống đốc NHNN chỉ đạo từ đầu năm tới nay, xuyên suốt từ Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016 đến Chỉ thị 04/CT - NHNN ban hành ngày 27/5/2016.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Chủ trương của NHNN là cố gắng thực hiện đồng bộ giải pháp để ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hỗ trợ cho nền kinh tế. NHNN đã chủ trương bám sát thị trường, điều hành linh hoạt các công cụ CSTT để duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý.
Bên cạnh việc cố gắng giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, NHNN đã có những giải pháp hỗ trợ để giảm bớt áp lực trên thị trường như ban hành Thông tư 06 (sửa đổi Thông tư 36) sửa đổi các quy định về giới hạn an toàn, trong đó các chỉ tiêu an toàn được quy định với những thời hạn, lộ trình cụ thể.
Đồng thời NHNN cũng có các văn bản chỉ đạo các TCTD rà soát, đảm bảo cân đối thanh khoản, cân đối kỳ hạn, tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý. Qua đó giảm áp lực chênh lệch kỳ hạn, giảm áp lực với mặt bằng lãi suất.
Với việc NHNN điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến cung - cầu ngoại tệ trong nước, thị trường tài chính thế giới, phù hợp với mục tiêu CSTT và thực hiện đồng bộ các công cụ hỗ trợ tỷ giá khi cần thiết đã giúp thị trường ngoại tệ từ đầu năm tới nay khá tích cực. Tỷ giá có tăng, có giảm phù hợp với diễn biến thị trường.
Tỷ giá VND/USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm và tương đối ổn định trên mặt bằng mới quanh tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN. Hiện tỷ giá niêm yết của các NHTM quanh mức 22.260 VND/USD - 22.300 VND/USD, thấp hơn so với tỷ giá trần theo quy định của NHNN. Hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế, và bán được khối lượng ngoại tệ lớn cho NHNN. Tình trạng găm giữ ngoại tệ đã được kiểm soát.
Điều tiết lãi suất, kiểm soát tín dụng
Mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động (LSHĐ) được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay (LSCV) của các TCTD trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, LSCV về cơ bản ổn định, có một số TCTD và cũng có một số đối tượng khách hàng nhất định đã giảm được lãi suất.
Trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, điều kiện lạm phát gia tăng trở lại, mục tiêu giảm lãi suất là rất khó khăn. Nhưng thực tế, LSCV đã giảm, điều này ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm của Thống đốc NHNN trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua.
Từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà và một số NHTMCP đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa LSCV trung - dài hạn về tối đa 10%/năm đối với khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện LSCV phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nhận định: Mặt bằng LSCV hiện đang có dấu hiệu tích cực, đặc biệt sau chỉ đạo của Thủ tướng và của Thống đốc NHNN để giảm mặt bằng LSCV. Với các NH, LSCV không đẩy lên, thậm chí còn giảm đáng kể, cả LSCV ngắn hạn và cho vay trung - dài hạn.
“Tại Vietinank hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt ở mức 5 – 6%, trung và dài hạn khoảng 8 - 9%. Với mức lãi suất này, tôi đánh giá là khá tốt cho doanh nghiệp. Nhưng nếu xử lý tốt hơn được mối quan hệ giữa thị trường II và thị trường I sẽ có nhiều dư địa để giảm LSCV, giúp cho doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn”, ông Thọ chia sẻ thêm.
Chung quan điểm với CEO VietinBank, ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV cũng nhận thấy: lãi suất hiện nay cơ bản đã giảm, thậm chí nhiều ngân hàng giảm sâu với một số đối tượng khách hàng. LSCV của BIDV thực tế đã giảm 0,5%, trong thời gian tới có thể giảm tiếp đối với những khách hàng tốt. Hiện tượng LSHĐ tăng trên thị trường chỉ là cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ. Ông Tú cho rằng, chính sách điều hành của NHNN trong thời gian qua đã hỗ trợ rất tốt cho ngân hàng và cả doanh nghiệp.
Năm nay, NHNN đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18 - 20%, để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%, lạm phát dưới 5%. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) là tương đối thuận lợi, cơ bản tăng trưởng tương đối bằng so với cùng kỳ năm trước. Đến 31/8/2016, tín dụng tăng 9,67%.
Theo đó, tín dụng ngoại tệ giảm khoảng 0,33%, tín dụng VND tăng tương đối nhanh ở mức 10,76%. Tính tới 31/7/2016, tín dụng trung - dài hạn tăng 6,79%, thấp hơn mức tăng của tín dụng chung nền kinh tế là 8,54%, chiếm tỷ trọng khoảng 8,3% - cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, cơ cấu cũng như chỉ tiêu tín dụng phải đặc biệt được kiểm soát chặt chẽ, nhất là trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
NHNN cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm với những trường hợp TCTD vi phạm các giới hạn, quy định về hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến cấp tín dụng vượt giới hạn theo quy định của pháp luật… Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng nhấn mạnh về việc các NHTM phải có sự tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động của mình, vì sự an toàn và phát triển chung của hệ thống ngân hàng.
Trong những tháng cuối năm, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 01, Chỉ thị số 04, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.