Kinh tế Việt Nam kỳ vọng gì từ Hiệp định EVFTA?

PV.

Việc hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có tác động tích cực đến kinh tế và vị thế Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong đó, EVFTA được kỳ vọng tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực trong 20 năm tiếp theo.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: FinancePlus.vn
Ảnh minh hoạ. Nguồn: FinancePlus.vn

Cơ hội lớn

Phát biểu tại Hội thảo "EVFTA và những tác động thay đổi vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN" do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức mới đây, bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán - Trưởng bộ phận Kinh tế và Thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một quốc gia rất năng động và sáng tạo trước những nhu cầu mới. Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là kim ngạch thương mại song phương với EU. FTA song phương chính là cơ sở để kích hoạt mối quan hệ FTA toàn khối. 

Với việc hoàn tất đàm phán hiệp định EVFTA, theo TS. Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc, Trưởng văn phòng Nghiên cứu Dragon Capital, trong trung và dài hạn, Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Đặc biệt, lĩnh vực ô tô, dược phẩm, dệt may sẽ là những ngành có nhiều cơ hội lớn. 

Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành của Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN - EU nhận định, EVFTA tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong 20 năm tiếp theo. 

Theo ông Michael Behrens - Chủ tịch EuroCham, việc thực thi EVFTA hiệu quả có thể góp phần đáng kể vào kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam. Với EVFTA, Việt Nam trở thành cầu nối 500 triệu người EU với 500 triệu người dân ASEAN, đóng vai trò trung tâm của mạng lưới thương mại cho khoảng 1 tỷ khách hàng tiềm năng.

Trong cuộc trả lời báo chí mới đây, ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cũng cho rằng, tiếp cận thị trường EU không chỉ là một thành công mà còn là bước đệm để Việt Nam tiếp cận các thị trường phát triển khác. 

Thách thức không nhỏ

Ông Chris Humphrey cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đối với Việt Nam do có sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan và Indonesia. Vị chuyên này cũng thấy tiếc cho Việt Nam khi bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, nhất là hàm lượng nội địa trong sản xuất ô tô ở Việt Nam còn khá thấp. 

Chuyên gia này nhận định, một khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam không thể tiếp tục đánh mất cơ hội lần nữa, nhất là trong ba lĩnh vực chính như: dược phẩm, ô tô, may mặc/dệt may/giày dép.

Bên cạnh đó, những trở ngại có thể gặp trong quá trình triển khai EVFTA như vấn đề lương thực, an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn của nông sản Việt Nam khi xuất sang EU. Ngoài ra, theo ông Bruno Angelet, chương 15 trong EVFTA về phát triển bền vững (bảo vệ môi trường, rừng, chống buôn người, động vật hoang dã…) cũng có thể là một trở ngại đối với Việt Nam bởi để đáp ứng được yêu cầu nêu ra, Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn và mất nhiều thời gian.

Trên một góc nhìn khác, bà Ferrer lưu ý, giảm thuế quan chỉ là một lợi thế, để xuất khẩu được hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mà EU đặt ra. Từ giờ đến khi hiệp định có hiệu lực, vẫn còn thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và chuẩn bị.

Ngoài ra, vấn đề là thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam hiện vẫn chưa được đánh giá cao. Thực tế, Việt Nam chưa phải là quốc gia có nguồn hàng hóa chất lượng cao. Ông Michael Behrens chia sẻ mong muốn giúp Việt Nam nâng cao hình ảnh của mình. Do đó, những gì chưa tương thích với các FTA tiếp tục được rà soát và thay đổi để cho quá trình thực thi được thông suốt.

Các chuyên gia đều đồng thuận rằng, điều quan trọng hiện nay là không riêng gì các doanh nghiệp, mà chính quyền các tỉnh thành tại Việt Nam cần chuẩn bị để có thể đón nhận cơ hội từ EVFTA thông qua việc kêu gọi đầu tư vào địa phương,