Kinh tế Việt Nam: Những triển vọng lạc quan

TS. NGUYỄN ĐÌNH LUẬN – TP. Hồ Chí Minh

(Tài chính) Khép lại năm 2014, bức tranh kinh tế Việt Nam đã có nhiều màu sắc tươi sáng hơn khi kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức tương đối cao, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, xuất khẩu tăng, tỷ lệ lạm phát giữ ở mức thấp… Đây là những “điểm tựa” quan trọng để dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ “cất cánh”…

Năm 2014, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội xác định là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3% GDP. Thực hiện các chỉ tiêu trên trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao độ, sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương cùng nhiều giải pháp đồng bộ triển khai có hiệu quả, nền kinh tế đất nước đã đạt được tăng trưởng đáng kể.

Tăng trưởng GDP vượt kế hoạch

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014 là năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm (2011-2015), tăng trưởng kinh tế không chỉ về đích mà còn vượt kế hoạch. So với kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) 5,8% mà Quốc hội đưa ra thì năm 2014 đạt 5,98% quả là con số hết sức ấn tượng. So với các năm trước, mức tăng trưởng năm 2014 cao hơn mức tăng trưởng 5,25% của năm 2012 và 5,42% của năm 2013 bất chấp những bất ổn trước bối cảnh chính trị có nhiều bất ổn khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế lãnh thổ Việt Nam. Đây là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, cơ sở của tăng trưởng cao hơn cho năm 2015 và các năm tiếp theo. Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm trước, đóng góp 2,75 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.

Mức tăng trưởng này càng có ý nghĩa hơn khi so sánh với lạm phát của năm đứng ở mức 4,09%. Năm 2014, mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của điều hành kinh tế vĩ mô. Trong năm Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện quyết liệt các biện pháp như tiết giảm đầu tư công; kiểm soát giá cả một số mặt hàng thiết yếu, đầu vào, có tính độc quyền và nhạy cảm cao; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm chi phí kinh doanh; phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối bán lẻ và thực hiện các chương trình bình ổn giá; thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. CPI tháng 12/2014 chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây. Như vậy, trong năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%.

Kinh tế Việt Nam: Những triển vọng lạc quan - Ảnh 1

Kết quả trên càng được nhân lên khi đặt trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phát triển theo hướng đẩy nhanh tăng trưởng nhưng có nhiều yếu tố rủi ro trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ; nhiều nền kinh tế mới nổi gặp trở ngại từ việc thực hiện chính sách thắt chặt để giảm áp lực tiền tệ; khu vực đồng Euro bị ảnh hưởng mạnh bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các nước trong khu vực do tình hình chính trị bất ổn tại một số quốc gia. Ở trong nước, sản xuất kinh doanh chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới, cùng với những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm; năng lực quản lý và cạnh tranh của DN còn chưa cao...

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính

Cải cách hành chính là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được khởi xướng và thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên, vấn đề này chỉ được thực hiện quyết liệt và hiệu quả từ năm 2014. Nét đặc thù của năm 2014 là quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của DN với mục tiêu giảm chi phí cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.

Trong năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền dân chủ trong kinh tế, DN được kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; Thực hiện bình đẳng, công khai, minh bạch trong kinh doanh. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Phá sản… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký thành lập DN, thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra… Các bộ, ngành rà soát lại thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách để sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm phiền hà, tạo thuận lợi cao nhất cho DN. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Thuế phải giảm thời gian thực hiện thủ tục thuế, khai thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm trong năm 2014 và đến 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm)...; Yêu cầu ngành Hải quan, Bảo hiểm, quản lý xuất nhập cảnh… có những cắt giảm thủ tục và thời gian tương tự.

Những cải cách lớn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã mang lại những kết quả bước đầu hết sức ấn tượng. Bộ Tài chính đã thực hiện việc rà soát thủ tục hành chính thuế, làm rõ sự cần thiết ở mức hợp lý nhất của các thủ tục để ban hành và thực hiện ngay Thông tư 119/2014/ TT-BTC ngày 25/8/2014, sửa đổi, bổ sung đồng thời 7 Thông tư hướng dẫn về thuế, tạo điều kiện pháp lý để giảm thời gian kê khai, nộp thuế 201,5 giờ/ năm. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi bổ sung 1 số điều của các Nghị định về thuế, trên cơ sở đó đã ban hành Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 để tiếp tục giảm thêm 88,36 giờ/năm. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật, đề xuất với Quốc hội việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Khi Luật có hiệu lực, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và làm cơ sở cho việc ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn để giảm tiếp khoảng 80 giờ/năm.

Như vậy, dưới góc độ thể chế, Bộ Tài chính đã hoàn tất việc tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu đưa số giờ thực hiện thủ tục nộp thuế từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (thấp hơn thời gian trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/ năm) ngay trong năm 2015.

Đồng thời với cải cách thủ tục hành chính thuế, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng được thực hiện mạnh mẽ trong năm 2014. Ngành Tài chính thực hiện đơn giản hóa thủ tục hải quan, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ phải giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng/cửa khẩu bằng mức bình quân chung của các nước ASEAN-6. Theo đó, trong năm qua, ngành Tài chính đã triển khai áp dụng Hệ thống thông quan hàng hoá tự động của Việt Nam (VNACCS/VCIS). Đây là tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và nâng cao trình độ quản lý của cơ quan hải quan. Hiện đã có 100% cục, chi cục hải quan trong phạm vi cả nước thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS với sự tham gia của gần 50 nghìn DN xuất nhập khẩu, với 170,61 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu và liên quan tới 4,24 triệu tờ khai. Trong thời gian tới, nếu thực hiện tốt cơ chế một cửa quốc gia (NSW), thời gian thông quan hàng hóa sẽ giảm được 3,5 đến 4 ngày, giúp DN cắt giảm từ 10 đến 20% chi phí, 30% thời gian cho việc thông quan lô hàng xuất nhập khẩu.

Tổng cầu năm 2015 sẽ hồi phục, tiêu dùng hồi phục tốt hơn nhờ lạm phát thấp của năm trước. Bên cạnh đó, những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm lãi suất trong thời gian qua sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sinh lời của DN.

Công nghiệp tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển

Đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế - xã hội là khu vực sản xuất công nghiệp và hoạt động của DN. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động của DN là một trong những tín hiệu tốt về tăng trưởng của nền kinh tế nói chung trong thời gian tới, nhất là thời điểm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như việc Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP… đã đến gần.

Sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2014 ước tăng 7,6% so với năm 2013 (năm 2013 tăng 5,9%) với xu hướng tăng nhanh đều vào các quý cuối năm (quý I tăng 5,3%, quý II 6,9%, quý III 7,8%, quý IV ước tăng 10,1%). Trong mức tăng chung cả năm 2014 của toàn ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 2,5%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,7%, cao hơn mức tăng 7,3% của năm 2013, đóng góp 6,2 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 12,1%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong năm 2014, cả nước có 74.842 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số DN và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước. Đồng thời có 67.823 DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. Phân tích số liệu thành lập mới cũng như giải thể, phá sản của các DN thì thấy xu hướng thanh lọc đang diễn ra mạnh, sàng lọc những DN thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động. Đây là những hiện tượng bình thường, hợp quy luật trong nền kinh tế thị trường. Những DN có kế hoạch kinh doanh tốt, lựa chọn đúng hướng đi với tiềm lực tài chính, nhân sự sẽ phát triển, mở rộng quy mô hoạt động. Trong năm 2014, có 22,8 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1.027,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm 595,7 nghìn tỷ đồng của DN đăng ký thành lập mới và 432,2 nghìn tỷ đồng của DN thay đổi tăng vốn.

Lực đỡ từ xuất, nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 tiếp tục giữ đà tăng trưởng khá, ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 48,4 tỷ USD, tăng 10,4%, mức tăng cao nhất từ năm 2012 và đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô), tăng 15,2%, đóng góp 10,1 điểm phần trăm và đạt 94,4 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 16,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 tăng 9,1%. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; hàng dệt, may chiếm 59,4%; giày dép chiếm 77%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,7%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,8%.

Kinh tế Việt Nam: Những triển vọng lạc quan - Ảnh 2

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu năm qua ước tính đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,5 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực kinh tế trong nước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 10,2%. Kim ngạch nhập khẩu trong năm của một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,5 tỷ USD, tăng 20,2%; vải đạt 9,5 tỷ USD, tăng 14%; xăng dầu đạt 7,6 tỷ USD, tăng 9,3%; chất dẻo đạt 6,3 tỷ USD, tăng 10,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 4,7 tỷ USD, tăng 25,6%; hóa chất đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9,5%; bông đạt 1,4 tỷ USD, tăng 22,7%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn tăng so với năm 2013: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,8 tỷ USD, tăng 6%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,7%; ô tô đạt 3,7 tỷ USD, tăng 53,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 117,3%.

Cán cân xuất nhập khẩu như trên đã mang lại giá trị xuất siêu cho Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 2 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17 tỷ USD, cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm trước; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỷ USD, cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm 2013.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.

Năm 2015, kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh”?

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014 đã ấn định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,2%. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu khác cũng được cụ thể: tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%...

Nhận định chung của nhiều chuyên gia, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, trong trung hạn, về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015 là kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được củng cố; Tăng trưởng GDP sẽ vững chắc và sáng hơn năm 2014; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế; Cải cách trong khu vực DN nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn để đạt chỉ tiêu đề ra; Tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn do cơ hội đầu tư và cả điều kiện tín dụng sẽ mở hơn, nhờ đó tạo thêm lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu được kiểm soát và từng bước xử lý linh hoạt trong mục tiêu bảo đảm ổn định hệ thống và từng bước tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ chung.

Những yếu tố phục hồi rõ nét của nền kinh tế trong nước năm 2014 như: ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,6%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 150 tỷ USD, khó khăn của DN được giảm bớt và thị trường bất động sản có dấu hiệu thoát đáy… đã khiến nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế lạc quan về việc thực hiện các mục tiêu và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015.

Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), tổng cầu năm 2015 sẽ hồi phục, tiêu dùng hồi phục tốt hơn nhờ lạm phát thấp của năm trước. Bên cạnh đó, những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm lãi suất trong thời gian qua sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sinh lời của DN. Các yếu tố này sẽ mang lại những tác động tích cực cho DN, kích thích tiêu dùng trên thị trường. Ngoài ra, giá hàng hóa, nguyên liệu trên thế giới tiếp tục giảm sẽ tạo điều kiện cho DN cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy tổng cung trong nước. Cụ thể, với dự báo giá dầu thế giới giảm 33% trong năm nay và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng thì giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%... Bên cạnh đó, các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô được dự báo tiếp tục duy trì trong năm nay, cụ thể là lạm phát sẽ không có biến động lớn, cán cân thanh toán vẫn duy trì thặng dư tạo điều kiện cho chính sách tỷ giá… sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam phát triển theo mục tiêu đề ra. NFSC dự báo tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ sớm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định mới ký kết gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Đồng thời, tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP năm 2015. Việc thực thi các hiệp định thương mại trong thời gian tới sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2015 tăng mạnh hơn so với năm 2014.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015;

2. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014;

3. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của Tổng cục Thống kê;

4. Báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

5. Báo cáo Hội nghị tổng kết công tác tài chính – NSNN năm 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015.