Kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào khi đối mặt “cơn bão xăng dầu”?
Việt Nam có nền kinh tế thuộc loại mở nhất thế giới, nên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn trước những biến động của thế giới về dầu thô và các nguyên nhiên vật liệu khác.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga. Nước Anh cũng tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022. Những động thái này có thể khiến giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao, thậm chí thiết lập những kỷ lục mới.
Để hiểu rõ hơn về những nguy cơ mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trước những biến động chính trị thế giới, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Tác động mạnh đến CPI, lạm phát
PV: Việc Mỹ và một số nước phương Tây dừng nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga, theo ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?
PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga: Sản lượng dầu thô của Nga hiện nay khoảng 10,58 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 11% sản lượng xuất khẩu dầu thô của thế giới, đứng thứ 2 sau Mỹ. Vì vậy, việc dừng nhập khẩu dầu của Nga sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung dầu thô, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và hậu quả là giá dầu thô leo thang.
Xăng dầu là đầu vào quan trọng của tất cả các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam, những nước đang sử dụng nhiều năng lượng không tái tạo, nhất là xăng dầu. Điều này dẫn đến giá của hầu hết các hàng hóa ra tăng, nhất là hàng hóa xuất nhập khẩu vì giá vận chuyển tăng cao theo giá nguyên liệu.
PV: Những biến động chính trị mang đến rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc đại dịch. Giá cả tăng cao, sức ép lạm phát và chứng khoán sụt giảm là những vấn đề đang xảy đến với kinh tế thế giới. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng liệu có trở thành tác nhân gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu hay không, thưa ông?
PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga: Nước Nga có nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới về GDP. GDP bình quân đầu người trên 11 nghìn USD, đứng thứ 68 trên thế giới. Theo EIA, doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng năng lượng chiếm 43% tổng ngân sách của chính phủ Nga trong giai đoạn từ 2011-2020.
Xuất khẩu dầu chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và 30% GDP của Nga. Nhập khẩu của Nga cũng chiếm khoảng 293,42 tỷ USD, tương đương 17,91% GDP.
Các đối tác thương mại chính của Nga trong năm 2021 là: Trung Quốc 140,7 tỷ USD ( tăng 35,2% so năm 2020), Đức - 57,0 tỷ USD (35,7%) , Hà Lan - 46,4 tỷ USD (62,6%), Mỹ - 34,4 tỷ USD (43,6%), Thổ Nhĩ Kỳ - 33,0 tỷ USD (57,0%), Ý - 31,4 tỷ USD (54,7%), Hàn Quốc - 29,9 USD tỷ (52,2%), Vương quốc Anh - 26,7 tỷ USD (3,4%), Ba Lan - 22,5 tỷ USD (56,2%), Pháp - 22,0 tỷ USD (72,8%).
Đây chính là những nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, tuy nhiên kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga (trừ Trung Quốc) là không đáng kể. Vì vậy, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, theo cá nhân tôi sẽ không trở thành một tác nhân, một nguyên nhân quan trọng gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2022.
Nếu có ảnh hưởng thì có thể tác động đến giữa năm 2022, sau đó chiến tranh kết thúc và các nước sẽ giúp Ukraine khắc phục hậu quả, thậm chí có thể xảy ra bùng nổ kinh tế tại châu Âu và lan ra thế giới.
Hậu quả kinh tế với nước Nga là tương đối lớn, ít nhất là trong năm 2022, nhưng với tiềm lực kinh tế của mình và sự hỗ trợ của Trung Quốc, Nga sẽ trở lại quỹ đạo phát triển dù các nước phương Tây, nhất là Mỹ không thích điều này.
Có thể, hệ quả của cuộc khủng hoảng mini này là các nước sẽ tích cực tích trữ dầu thô và các nguyên nhiên vật liệu quan trọng khác, gây ra làn sóng tăng giá và lạm phát bùng nổ tại các nền kinh tế, nhất là với các nước đang phát triển chưa có một nền tảng công nghệ cao.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc và Nga bắt tay nhau thì khả năng khủng hoảng này sẽ không gây ra hậu quả lớn như dự báo. Điều này sẽ có lợi cho Nga, Ukraine và thế giới sau khi chiến tranh kết thúc.
PV: Trở lại với tình hình trong nước, chỉ trong vòng 2 tháng qua, xăng dầu đã tăng giá tới 6 lần và hiện tại đang ở mức gần 27 nghìn/lít. Trong khi đó căng thẳng giữa Nga - Ukraine và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến giá dầu thế giới tiếp tục tăng. Nhiều người đã mường tượng ra kịch bản giá xăng trong nước có thể lên tới 30 nghìn đồng/lít. Với kịch bản đó, theo ông, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga: Khi xăng dầu chiếm tỷ trọng 3,52 tổng chi phí của nền kinh tế Việt Nam và giá xăng dầu tăng lên sẽ ảnh hưởng không tốt đến chỉ số CPI và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nếu giá xăng tăng 1% thì chỉ số giá tiêu dùng tăng 0.27%, Vậy nếu ở trạng thái thông thường Việt Nam năm 2021 chỉ số CPI phải tăng 11%.
Trong năm 2022 giá xăng trong nước đã tăng 15,34 % trong 2 tháng đầu năm, nếu tính cả năm 2022 giá xăng có thể tăng không dưới 40%, khi ấy lạm phát ở Việt Nam sẽ vượt qua con số 11%, cao hơn mức lạm phát mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 4%.
Ở kía cạnh khác, giá xăng dầu tăng 1% sẽ làm tốc độ tăng trưởng giảm 0.07%, như vậy nếu giá xăng dầu tăng khoảng 40% sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng giảm 2,7%, chúng ta khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6 đến 6.5% như Quốc hội đề ra.
Hơn nữa, chính sách tài khóa của Chính phủ cũng tăng áp lực lên lạm phát và lạm phát gia tăng có thể dẫn tới việc tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, điều này lại làm cho vòng xoáy của lạm phát gia tăng.
Nếu giá xăng tăng lên đến 30 nghìn đồng/lít, điều này có thể xảy ra trong tương lai gần, thì tất cả áp lực lên lạm phát, tăng trưởng và mục tiêu kiểm soát lạm phát, phục hồi nền kinh tế là rất khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi, trong bối cảnh ảnh hưởng kép của Covid-19 và chiến tranh Nga – Ukraine.
Bộ Công Thương đã làm hết trách nhiệm?
PV: Trong một động thái nhằm hạ nhiệt giá xăng, mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu xuống khoảng 500 - 1000 đồng/lít. Tuy nhiên, thuế bảo vệ môi trường chỉ là phần nhỏ trong 4 loại thuế, phí/lít xăng. Do đó, một số ý kiến cho rằng, ngoài việc gấp rút giảm thuế bảo vệ môi trường, thì cần bỏ lợi nhuận định mức, bỏ bình ổn giá để kìm giá xăng xuống khoảng 17.000 - 20.000 đồng/lít, như vậy mới có thể đảm bảo các mục tiêu của nền kinh tế. Ông có đồng ý với quan điểm này không? Vì sao?
PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga: Việc tôn trọng quy luật thị trường dựa trên quan hệ cung cầu là rất cần thiết để nền kinh tế có thể phát triển và tự điều tiết hay tự bình ổn. Do vậy việc trong một tình huống đặc biệt, Chính phủ có thể hành động một cách đặc biệt để giảm thiểu ảnh hưởng của giá dầu thô trên thế giới đối với nền kinh tế.
Ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường khoảng 1000 đồng/lít, nếu có thể giảm tiếp 1000 đồng/lít, đồng thời bỏ lợi nhuận định mức là 300 đồng và bình ổn giá cũng 300 đồng, thì giá xăng có thể giảm gần 3000 đồng/lít.
Ở đây chúng tôi thấy, chi phí định mức đối với xăng từ 1.050 đồng đến 1.250 đồng là hơi cao. Chúng tôi đề xuất cắt giảm chi phí này đi khoảng 40%, tức là giảm bình quân mỗi lít xăng thêm 460 đồng. Tính lại tất cả thì tối đa chúng ta có thể giảm được 3.500 đồng/lít.
Từ bài toán trên, việc đưa giá xăng về mức 20.000 đồng một lít là bất khả thi, trừ khi chúng ta có nguồn dự trữ xăng dầu khổng lồ.
Hơn nữa, nếu cắt giảm quá mức các loại thuế và phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước và trực tiếp ảnh hưởng đến chi tiêu của Chính phủ, nhất là chi đầu tư phát triển. Nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và bình ổn vĩ mô.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà đứng đầu là Bộ Công Thương trong việc điều tiết giá xăng dầu hiện nay?
PGS.,TS. Nguyễn Hồng Nga: Việc thực hiện điều chỉnh tối đa 3 lần/tháng là chưa thật linh hoạt. Theo chúng tôi, trong bối cảnh hiện nay nên điều chỉnh giá trong vòng 5 ngày làm việc. Trách nhiệm của Bộ Công Thương là tư vấn cho Chính phủ và quản lý và điều tiết giá xăng dầu phù hợp với quy luật thị trưởng, đảm bảo ít tác động, nhất là các cú sốc về giá xăng dầu.
Vì vậy, Bộ cần có những dự báo khả thi về giá xăng dầu trên thế giới, kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng xăng dầu, tăng giảm giá xăng dầu đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Với nhà nước, cần có một chiến lược dài hạn để ứng phó với những biến động bất ổn của thị trường năng lượng thế giới, trong đó có kho xăng dầu dự trữ quốc gia với trữ lượng đủ dùng ít nhất là 3 đến 6 tháng.
Xin cảm ơn ông!