VBF: Nhà đầu tư ngoại chỉ "nút thắt" cản đường phục hồi kinh tế Việt Nam
Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục phản ánh về hiện tượng kéo dài thời gian xin được giấy phép kinh doanh. Đồng thời, đề cập tới những lĩnh vực đang rất nóng trong quá trình phục hồi kinh tế như mở cửa du lịch cần có quy định rõ ràng, thống nhất về F0, kéo dài thời gian cấp visa...
Chiều ngày 18/2, phiên kỹ thuật của Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) được tổ chức. Đây là sự kiện bên lề của phiên tổng thể với chủ đề: "Khôi phục và phát triển chuỗi cung ứng theo hướng bình thường mới" dự kiến tổ chức sáng ngày 21/2. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp cấp cao trên.
Hàng loạt kiến nghị cho ngành du lịch
Một trong những thông tin rất vui với những doanh nghiệp du lịch những ngày qua là Chính phủ đã đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, từ 15/3. Theo đó, ông Kenneth Atkinson, Trưởng nhóm công tác Du lịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), chia sẻ ngành du lịch bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 nên rất khát khao cần sự phục hồi trở lại một cách nhanh chóng.
Tuy vậy, để trở lại thời kỳ nhộn nhịp chưa có dịch COVID-19, ông Kenneth Atkinson đề xuất Chính phủ miễn thuế VAT, thuế thu nhập cho các doanh nghiệp du lịch, hàng không, cơ sở lưu trú, khách sạn, trợ giá vé máy bay nội địa trong 3 tháng để kích cầu du lịch.
Đồng thời, Trưởng nhóm Kenneth Atkinson cũng đề xuất thành lập Ủy ban Du lịch, gồm các chuyên gia có nhận thù lao của Chính phủ để quảng bá du lịch Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
Đáng chú ý, ông Kenneth Atkinson đề xuất mở visa du lịch cho toàn bộ thị trường châu Âu, với khoảng thời gian từ 2 - 4 tuần. "Đưa ra chương trình visa du lịch tới 3 tháng cho tầng lớp trung lưu với những du khách muốn tránh mùa Đông dài của nước họ để sang những vùng biển ấm áp của Việt Nam nghỉ dưỡng", Trưởng nhóm Công tác Du lịch chia sẻ.
Thêm vào đó, ngành du lịch cần chuẩn bị nguồn nhân lực vì thời gian qua, người làm nghề du lịch giàu kỹ năng, lành nghề đã chuyển sang nghề khác. Do vậy, Trưởng nhóm công tác Du lịch kiến nghị tạo điều kiện để các chuyên gia, người quản lý kỹ năng cao ở các nước vào Việt Nam, đảm bảo ngành du lịch trở lại hoạt động nhanh nhất khi mở cửa trở lại.
Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, dịch COVID-19 tác động nặng nề tới doanh nghiệp du lịch. Trong thời gian vừa qua, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để tập hợp ý kiến, đề xuất những kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội về việc áp dụng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đến năm 2023, giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch...
Bộ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các địa phương xem xét miễn phí các điểm thăm quan đến hết 2022 để doanh nghiệp giảm giá thành tour, kích cầu du lịch.
Mất vài tháng mới xin được giấy phép
Trong khi đó, ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF, phản ánh về những bất cập trong việc thực hiện thủ tục hành chính, thông qua việc giảm bớt thủ tục giấy tờ, quy định hồ sơ và xét duyệt, chấp nhận chữ ký điện tử.
Cùng với đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, tốn thời gian. Đơn cử như lĩnh vực phân phối và bán lẻ, doanh nghiệp phản ánh xin giấy phép kinh doanh của Bộ Công Thương còn kéo dài vài tháng. "Quy trình xin giấy phép con nên tinh giản, minh bạch, rút ngắn thời gian", ông Fred Burke kiến nghị.
Bên cạnh đó, Trưởng nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF cũng kiến nghị một số doanh nghiệp FDI đã hết giấy phép lập liên doanh, liên kết (đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1900). Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn bày tỏ mong muốn thực hiện dự án ở Việt Nam. Các dự án này đang gặp vướng mắc về gia hạn quyền sử dụng đất. Vì vậy, các cơ quan cần nhanh chóng có giải pháp để các nhà đầu tư duy trì kinh doanh.
Hay về thuế VAT, ông Fred Burke kiến nghị giải pháp tạo thuận lợi hơn nữa về thuế liên quan tới hoá đơn, hàng hóa, dịch vụ như sản phẩm về rượu nhiều khi nảy sinh 2 hoá đơn VAT cho cùng một giao dịch.
"Chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài, hỗ trợ vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, những khó khăn trên cần phải được nhanh chóng tháo gỡ", ông Fred Burke nhấn mạnh.
Phản hồi trước các kiến nghị doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết vừa qua Thủ tướng đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt, một tổ nhằm tháo gỡ khó khăn trong thúc đẩy, thực hiện các dự án đầu tư công, một tổ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của COVID-19.
Mới đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra làm thế nào để thực hiện có hiệu quả chương trình này với mục tiêu phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới. "Muốn làm được điều này, các cơ quan cần phải hoàn thiện thể chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", bà Ngọc nhấn mạnh.