“Kinh tế xanh” sẽ tạo bước đột phá cho tỉnh Bến Tre phát triển


Các thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã cùng ngồi với nhau bàn về câu chuyện phát triển Bến Tre theo hướng nào tại Diễn đàn Doanh nghiệp VACOD - Bến Tre về hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp ký kết mở rộng hợp tác tại Diễn đàn Doanh nghiệp VACOD - Bến Tre về hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: CT
Các doanh nghiệp ký kết mở rộng hợp tác tại Diễn đàn Doanh nghiệp VACOD - Bến Tre về hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: CT

Chọn kinh tế xanh làm hướng đi riêng

Ông Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn TP. Hồ chí Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhắc lại về lịch sử phát triển, Bến Tre là một hòn đảo, với 3 cù lao An Hóa, Minh và Bảo. Bến Tre được như ngày nay, sự kiện đầu tiên là đường lưới điện quốc gia; thứ hai là có cầu Rạch Miễu nối liền tỉnh Tiền Giang, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên bắc qua Trà Vinh. Tới đây là cầu Rạch Miễu 2 và đường quốc lộ 60 sẽ phải mở rộng.

Về phát triển kinh tế Bến Tre, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đồng tình việc tỉnh chọn phát triển hướng ra biển. DN Việt Nam nói chung đang đứng trước thách thức là phải chuyển sang kinh tế xanh, kinh tế số. Không  xanh hóa sản xuất, kinh doanh, DN không còn chỗ đứng trên thế giới. “Tôi kiến nghị, trong chiến lược phát triển, Bến Tre nên chọn đi đầu trong kinh tế xanh, tận dụng toàn bộ thế mạnh, tiềm năng hiện có, như tiềm năng 65km bờ biển, tiềm năng điện gió trên bờ và cận bờ còn rất lớn.

Có năng lượng sạch, Bến Tre dần đi đầu trong giảm khí thải carbon, đi trước tiến tới “Net Zero”. Hay với du lịch vườn, tiềm năng của tỉnh là rất lớn, hướng tới phải hoàn toàn không sử dụng chai nước nhựa hay nylon, không khí thải. “Nếu đi trước cả nước, tất cả các DN đầu tư Bến Tre là hướng tới DN xanh, sản xuất xanh, dịch vụ xanh.

Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế xanh, chuyển đổi số, tỉnh đã có rất nhiều văn bản nhưng về chính sách cụ thể thì chưa có. Tỉnh cần các chuyên gia nghiên cứu chính sách phù hợp để có thể đi đầu cả nước về kinh tế xanh. Có như thế tỉnh mới tạo ra đột phá chiến lược phát triển”, chuyên gia Trần Du Lịch hiến kế.

Ông Trần Đình Thiên - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia có những chia sẻ về yêu cầu đổi mới tư duy về giữ đất, giữ nước khu vực ĐBSCL, trong đó có Bến Tre. Theo ông, câu chuyện của DN là phải biết biến khó khăn, thách thức thành cơ hội cho mình. Còn với chính quyền, nhìn thấy khó khăn, thách thức ở địa phương mình thì cũng phải nhìn ra cơ hội và tạo ra cơ chế linh hoạt giúp DN nắm bắt cơ hội để phát triển. “Tôi cho rằng, những thách thức đặt ra cho tỉnh chính là cơ hội cho DN. Tin rằng, tỉnh hoàn toàn có thể làm được”, chuyên gia Trần Đình Thiên khẳng định.

Hành động nhiều hơn nữa

Trước những khó khăn, thách thức và vấn đề đặt ra cho phát triển của tỉnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: Thời gian qua tỉnh rất quan tâm vận dụng những cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN, đồng thời xây dựng một số chính sách riêng của địa phương, với quyết tâm, quyết liệt tháo gỡ những cái khó khăn, vướng mắc cho DN. Bên cạnh đó còn đầu tư nhiều nguồn lực để tạo nền tảng cho các DN khai thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ: “Quá trình hội nhập đang diễn ra rất nhanh, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tỉnh không thể đứng yên. Do đó, hành động trước tiên của tỉnh là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới tư duy, tận dụng được những cơ hội, lợi thế của tỉnh trong khu vực ĐBSCL, cũng như việc kết nối với các trung tâm kinh tế sôi động nhất như là TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, tỉnh phải tạo cho mình những môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc hiện tại, tạo ra những kết cấu hạ tầng, những quỹ đất để nhà đầu tư lớn, nhỏ đều có thể đến tỉnh đầu tư.

Trong quy hoạch sắp tới, tỉnh khai thác mạnh kinh tế hướng Đông. Phát triển kinh tế hướng Đông, thúc đẩy phát triển kinh tế ven biển và tạo hành lang kinh tế ven biển khu vực và kết nối với TP. Hồ Chí Minh để khai thác được lợi thế lớn nhất. Hiện nay, những ngành công nghiệp mới đang được hình thành với lĩnh vực năng lượng điện gió. Có thể nói, tỉnh đã thấy được cơ hội của mình, thấy được tiềm năng phát triển thì bây giờ điều duy nhất là hành động trong tất cả, từ chính sách cho đến hỗ trợ DN và phát triển đội ngũ DN tại tỉnh.

Các chuyên gia cũng nêu vấn đề đặt ra là công nghệ lưu trữ năng lượng điện, tạo dư địa cho các DN đầu tư về tỉnh. Qua trao đổi của các chuyên gia và Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, từ khóa cho tỉnh trong định hướng phát triển là kinh tế xanh, là hành động, hành động hơn nữa để tạo điều kiện cho DN phát triển và thu hút đầu tư.

 

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Văn Đức:“Hiện chủ trương của tỉnh Bến Tre đang hướng đến kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Các DN hưởng ứng chủ trương này rất tốt. Các DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ chú trọng kinh tế xanh, tuần hoàn. Các DN đã và đang chuẩn hóa để không ngừng hội nhập sâu vào thị trường thế giới. Trong đó, chỉ tính riêng sản phẩm dừa, tỉnh đã có hơn 40 sản phẩm xuất khẩu đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có cả những thị trường khó tính nhất”.

Theo Cẩm Trúc/ Báo Đồng Khởi