Kịp thời ứng phó khi xuất khẩu sụt giảm


Được xem là một trong ba cấu phần của "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng kinh tế đi lên trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục bao phủ gam mầu xám. Nếu không kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực cho lĩnh vực này, thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo.

Các mặt hàng xuất khẩu chính đang đối mặt tình trạng thiếu trầm trọng đơn hàng.
Các mặt hàng xuất khẩu chính đang đối mặt tình trạng thiếu trầm trọng đơn hàng.

Xuất và nhập khẩu cùng giảm

Trong nửa đầu tháng 4, có tới 34/45 mặt hàng xuất khẩu chính ghi nhận mức tăng trưởng âm. Đơn cử như đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đang trong tình trạng "ăn đong" từng đơn hàng. Doanh nghiệp nào có đơn hàng cũng chủ yếu là đơn hàng nhỏ và mới chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.

Đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ở mức 44,4 tỷ USD và đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 47 tỷ USD trong năm 2023; thế nhưng, những tháng vừa qua, ngành dệt may Việt Nam cũng lâm vào tình trạng khó khăn. Bốn tháng đầu năm, dệt may chỉ đạt khoảng 9.571 triệu USD, giảm 19,3% so cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong quý II/2023, nhìn chung tình hình vẫn không mấy khả quan. Thiếu đơn hàng trầm trọng nên không ít doanh nghiệp dệt may phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không phải chủ đạo, lợi nhuận thấp, để có thể duy trì hoạt động sản xuất. Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhận định rằng, đây là một khó khăn chưa có tiền lệ đối với ngành.

Với thủy sản, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, bước sang năm 2023, nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính đã tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản giảm từ 20-50%, lượng tồn kho tăng. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại.

Thực tế, trong quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm tới 27,5%, tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Trước diễn biến xấu của thị trường, các doanh nghiệp đang chủ động tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so tháng trước và giảm 17,1% so cùng kỳ năm trước. Bốn tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng rơi vào trạng thái lao dốc, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa bốn tháng đầu năm ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so cùng kỳ năm trước.

Chủ động thích ứng "luật chơi mới"

Trên cơ sở kết quả tăng trưởng của nền kinh tế quý I/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Điều này sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%).

Ở kịch bản thứ hai, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II/2023 phải là 6,7%; quý III và quý IV sẽ tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%. Tăng trưởng mức 6,5%, sẽ tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là kịch bản rất nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi suất vay USD dưới 3% (khoảng 2,1-2,3%), giờ đã lên đến hơn 4%. Ông cho rằng, cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, thúc đẩy nông dân, ngư dân yên tâm duy trì việc sản xuất.

Đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp dệt may, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Trần Như Tùng cho rằng, khó khăn lúc này mà các doanh nghiệp đang phải chống chịu cũng không khác gì so thời điểm gián đoạn sản xuất, kinh doanh vì dịch COVID-19 bùng phát. Đại diện VITAS kiến nghị phương án tiếp tục thực hiện và tăng thời gian vay từ ba tháng lên sáu tháng đối với gói vay hỗ trợ doanh nghiệp để trả lương cho người lao động, giữ chân người lao động, mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn COVID-19.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã hết thời gian thực hiện, hoặc hiệu quả thấp, do đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh; ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Để gỡ khó cho các hoạt động tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, các đơn vị thuộc Bộ Công thương cần đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng, liên thông, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới nhất là chính sách và động thái chính sách mới của các nền kinh tế lớn, để tham mưu, tư vấn, phản ứng chính sách phù hợp. Bộ Tài chính cần khẩn trương xem xét, tháo gỡ vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ chính sách về giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Kịp thời ứng phó khi xuất khẩu sụt giảm - Ảnh 1

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thị phần miếng bánh tổng cầu giảm, nhưng đối thủ cạnh tranh lại tăng lên. Ngoài lợi thế chi phí lao động chỉ bằng một nửa Việt Nam, thì câu chuyện "xanh hóa" của ngành dệt may của Bangladesh có thể là một trong những lý do khiến các đơn hàng đang chảy về quốc gia vùng Nam Á này.

Chính vì vậy, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần tích cực chuyển đổi, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng "xanh hóa", nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, "luật chơi mới" của thị trường.

Theo Bình An/nhandan.vn