Gỡ vướng trong thực hiện miễn thuế xuất khẩu với sản phẩm tái chế

Trần Huyền

Theo quy định, sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được miễn thuế xuất khẩu. Về chính sách ưu đãi này, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn các cục hải quan thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản trả lời vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hải Phòng trong quá trình xử lý chính sách thuế đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải của Công ty TNHH Ngọc Thiên.

Theo Tổng cục Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định, sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thuộc trường hợp được miễn thuế xuất khẩu.

Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định, căn cứ để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.

Căn cứ quy định trên, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, từ ngày 01/9/2016, sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được miễn thuế xuất khẩu và căn cứ để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Liên quan đến chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu cho sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải, Tổng cục Hải quan cho biết Tổng cục đã nhiều công văn hướng dẫn. Theo đó, đối với giai đoạn từ ngày 01/9/2016 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP) đến trước ngày 01/7/2019 (ngày có hiệu lực của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP), Bộ Tài nguyên và Môi trường không quy định Danh mục hoặc Tiêu chí sản phẩm xuất khẩu theo thẩm quyền nên cơ quan Hải quan không có căn cứ để xem xét xử lý miễn thuế xuất khẩu theo quy định đối với sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.

Giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến trước ngày 10/01/2022 (thời gian có hiệu lực của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi khoản 3 Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ), cơ sở để xác định sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải là các sản phẩm đã được nêu trong dự án đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải.

Tiêu chí để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP nêu trên.

Giai đoạn từ ngày 10/01/2022 (thời điểm có hiệu lực của Nghị định 08/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) đến nay, sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải đáp ứng các quy định của pháp luật chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ, việc ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tổng cục Hải quan cho biết, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải nên từ ngày 10/01/2022, cơ quan hải quan chưa có căn cứ để xem xét xử lý miễn thuế xuất khẩu theo quy định đối với sản phẩm thu được từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có công văn số 2957/BTC-TCHQ ngày 31/3/2023 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để trao đổi, xử lý tổng thể vướng mắc liên quan đến ưu đãi thuế xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải từ ngày Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 10/01/2022).

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Căn cứ quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, trường hợp tờ khai xuất khẩu phát sinh trong giai đoạn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực thì phải áp dụng quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Căn cứ ban hành công văn 15963/BTC-CST ngày 24/11/2011 là Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009, Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 là các văn bản đã hết hiệu lực thi hành tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu (năm 2017-2019) nên việc Công ty TNHH Ngọc Thiên, Cục Hải quan TP. Hải Phòng căn cứ hướng dẫn tại công văn số 15963/BTC-CST để áp dụng chính sách miễn thuế và làm thủ tục miễn thuế cho các lô hàng chì thỏi xuất khẩu là không đúng với quy định về chính sách, hồ sơ thủ tục miễn thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai xuất khẩu.

Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP. Hải Phòng chỉ đạo Chi cục Hải quan Hưng Yên kiểm tra, rà soát các lô hàng của Công ty TNHH Ngọc Thiên theo các giai đoạn để thực hiện. Đồng thời, Cục Hải quan TP. Hải Phòng cung cấp thông tin để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cùng các cơ quan có liên quan thống nhất xử lý đối với nội dung ghi trên các Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản xác nhận của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên.