Korea Times: Samsung, SK và LG sẽ ngừng quan hệ hợp tác với Huawei
Tờ Korea Times mới đây đã đưa tin 3 tập đoàn của Hàn Quốc bao gồm Samsung, SK và LG sẽ ngừng quan hệ hợp tác với Huawei trước những động thái cứng rắn từ phía Washington.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, mới đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã yêu cầu các nước tham gia chiến dịch của Washington nhằm hạn chế việc Huawei sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp công nghệ của Mỹ.
Điều này đã khiến các nhà cung cấp hàng đầu của Hàn Quốc cân nhắc lại mối quan hệ đối tác của họ với công ty công nghệ của Trung Quốc.
Vài tuần sau tuyên bố, nhiều quan chức trong ngành cho biết các nhà cung cấp hàng đầu của Huawei bao gồm Samsung Electronics, SK hynix, Samsung Display và LG Display, đang xem xét lại mối quan hệ đối tác của họ với công ty Trung Quốc cũng như sẽ tạm ngừng bán chip nhớ và màn hình điện thoại thông minh cao cấp cho Huawei.
"Chính phủ Mỹ đã thắt chặt các quy định đối với Huawei, do đó, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đình chỉ việc bán linh kiện cho công ty này", một giám đốc điều hành cấp cao trong ngành nói với The Korea Times.
Mỗi năm, Huawei mua hàng tỷ USD chip nhớ và màn hình từ Samsung Electronics, SK hynix, Samsung Display và LG Display. Theo Korea Times, việc tạm ngừng giao dịch sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9 tới.
Nguồn tin của Thời báo Hàn Quốc cho biết: "Việc Samsung và SK hynix cắt đứt hoàn toàn quan hệ đối tác với Huawei là không thể vì tầm quan trọng của khối lượng giao dịch thương mại. Nhưng vì vấn đề của Huawei là một vấn đề chính trị, các nhà cung cấp Hàn Quốc sẽ buộc phải cắt đứt quan hệ với Huawei cũng như có thể chấm dứt hợp đồng với công ty công nghệ Trung Quốc".
Đáp lại khả năng cắt đứt quan hệ với Huawei, Samsung cho biết họ không thể xác nhận các vấn đề liên quan trong khi Samsung Display và LG Display thông báo rằng, họ sẽ theo dõi các động thái của hai nhà sản xuất chip.
Câu hỏi quan trọng là vấn đề của Huawei sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá cả trong ngành công nghiệp chip nhớ và màn hình vì biến động giá được coi là thước đo lợi nhuận quan trọng của các công ty Hàn Quốc.
Nhà phân tích công nghệ Jim Handy cho biết: "Một phần của sự tăng trưởng trong nửa đầu năm nay của giá chip được thúc đẩy bởi những thay đổi từ đại dịch, tuy nhiên vẫn cần lưu ý việc hàng tồn kho của các công ty ở Trung Quốc do nhiều hạn chế thương mại. Năm nay COVID-19 và cuộc chiến thương mại đã khiến việc dự báo trở nên khó khăn hơn. Tôi kỳ vọng giá DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) sẽ giảm xuống nếu căng thẳng chiến tranh thương mại không gia tăng".
Cũng trong lĩnh vực sản xuất màn hình, các lệnh cấm ngày càng hạn chế của Huawei có thể định hình lại thị trường này khi Samsung Display và LG Display, những nhà cung cấp màn hình hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ xả hàng tồn kho của họ với giá thấp hơn thị trường.
"Huawei đang sử dụng màn hình cho các thiết bị cao cấp của họ từ Samsung và LG Display. Do đó, sự gián đoạn giao dịch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến biến động giá của mặt hàng này", một quan chức của LG cho biết.
Trước đó, ngày 17/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết rằng Washington đang kêu gọi các đồng minh và đối tác tham gia chiến dịch chống Huawei.
"Bộ Ngoại giao ủng hộ mạnh mẽ những quy định mở rộng mới của Bộ Thương mại, điều này sẽ ngăn Huawei lách luật của Mỹ và dừng việc công ty này thu mua chất bán dẫn mà không có giấy phép đặc biệt", ông Pompeo nói trong tuyên bố.
Bộ Thương mại cũng đã thêm 38 chi nhánh của Huawei vào danh sách đen của mình, qua đó nâng tổng số chi nhánh lên 152 kể từ khi Huawei lần đầu tiên bị đưa vào danh sách này hồi tháng 5/2019.
Mỹ cũng đã gia hạn thêm thời gian để các công ty và những người bị ảnh hưởng - chủ yếu là khách hàng của Huawei - xác định và chuyển sang các nguồn cung cấp thiết bị, phần mềm và công nghệ khác nhằm tránh ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của họ.