Kỳ họp của những cố gắng phục hồi kinh tế
Kỳ họp cuối năm của Quốc hội trùng vào thời điểm dịch bệnh đã được kiểm soát một bước nhưng tình hình kinh tế - xã hội đang hết sức khó khăn.
Đặc biệt, kinh tế trong quý III tăng trưởng âm đến 6,17%. Nếu quý này và quý tới tiếp tục diễn biến xấu như vậy thì rủi ro nền kinh tế rơi vào suy thoái là rất lớn. Khi đó, cuộc sống mọi mặt sẽ vô cùng khó khăn, các mục tiêu phát triển đất nước trong trung hạn và dài hạn cũng khó lòng đạt được. Chính vì vậy, nội dung trọng tâm của nghị trình phải là những phản ứng chính sách để phục hồi kinh tế và ngăn cản nguy cơ suy thoái.
Để phục hồi kinh tế thì động lực quan trọng là cầu trên thị trường thế giới. Do kinh tế nhiều nước đang phục hồi nên cầu của thị trường thế giới đang tăng. Đây là cơ hội rất lớn để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, qua đó phục hồi kinh tế. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi sản xuất, kinh doanh là phản ứng chính sách quan trọng nhất ở đây. Tuy nhiên, đây phần lớn sẽ phải là những phản ứng chính sách của Chính phủ như bảo đảm lưu thông hàng hóa, vật tư thông suốt; cân đối giữa các biện pháp phòng chống dịch và việc tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra thuận lợi; hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút lao động trở lại.
Khởi động lại thị trường trong nước là vấn đề lớn hơn, mà thiếu sự vào cuộc của Quốc hội thì một mình Chính phủ không xử lý được. Vấn đề nghiêm trọng nhất của thị trường trong nước là tổng cầu đang giảm do 4 nguyên nhân. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp pháp sản hoặc rút khỏi thị trường; hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh để thích ứng với các đòi hỏi của công tác phòng chống dịch. Hàng triệu người mất việc làm, mất thu nhập hoặc bị giảm thu nhập. Khách du lịch quốc tế giảm từ 18 triệu người xuống gần như “zero”. Tâm lý “tích cốc phòng cơ” bao trùm mọi tầng lớp dân cư nên đa số người dân đang cắt giảm tiêu dùng.
Tổng cầu giảm thì không thể phục hồi kinh tế được. Đơn giản là sản xuất ra thật nhiều rồi bán cho ai? Như vậy, phản ứng chính sách của chúng ta phải là làm thế nào để nâng tổng cầu của thị trường trong nước.
Về cơ bản, chúng ta không thể chờ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và thuê mướn lao động để làm tăng tổng cầu, vì như thế kinh tế sẽ rất dễ rơi vào suy thoái. Quan trọng là bằng phản ứng chính sách của mình, Nhà nước phải nâng được tổng cầu lên nhanh.
Nhà nước có thể làm được hai việc ở đây. Một là tăng chi tiêu của Chính phủ. Hai là tăng cường đầu tư công. Tăng chi tiêu của Chính phủ là khó khăn và không có cơ sở, ngoại trừ tăng chi tiêu cho phòng chống dịch. Tăng cường đầu tư công có vẻ là phản ứng chính sách phù hợp hơn cả. Đầu tư công vừa giúp tăng tổng cầu vừa giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp đang đặt ra hết sức cấp bách. Nếu các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi để cung cấp việc làm thì Nhà nước cần đứng ra cung cấp việc làm. Khi kinh tế dần phục hồi, thì Nhà nước lại trả lại công việc này cho các doanh nghiệp.
Tăng cường đầu tư công lại vướng 3 vấn đề: Vốn lấy ở đâu? Vướng trần nợ công thì thế nào? Thủ tục đầu tư công phức tạp, rối rắm nên giải ngân được có khi phải mất hàng năm trời, mà như vậy kinh thế rơi vào suy thoái đã từ lâu.
Kỳ họp này của Quốc hội nên tập trung xử lý cả 3 vấn đề nói trên. Vì cả 3 vấn đề này chỉ Quốc hội mới giải quyết được.
Vốn tăng cường đầu tư nên lấy từ các nguồn dự trữ, thậm chí cả dự trữ ngoại tệ. Dự trữ để làm gì nếu không phải để xử lý những vấn đề cấp bách của đất nước như nguy cơ kinh tế bị suy thoái? Vốn tăng cường đầu tư cũng có thể vay của dân thông qua trái phiếu hoặc công trái. Nếu lãi suất cho Nhà nước vay cao hơn gửi tiết kiệm thì chắc chắn nhiều người sẽ lựa chọn phương án cho Nhà nước vay. Nếu Nhà nước có trả lãi suất cao cho dân thì cũng là ta trả cho ta. Vay của nước ngoài không dễ và còn là trả lãi suất cho người ta.
Tuy nhiên, muốn vay thêm tiền để tăng cường đầu tư công, thì nhiều khả năng sẽ phải năng trần nợ công. Quốc hội nên xem xét và giải quyết thuận lợi vấn đề này.
Cuối cùng là vấn đề thủ tục. Thủ tục đầu tư công vô cùng phức tạp. Ngoài ra, các dự án còn vướng phải muôn vàn quy định khác của Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường… Như đã nói ở trên, tuân thủ cho hết thì kinh tế rơi vào suy thoái đã từ lâu.
Chính vì vậy, tại Kỳ họp này, Quốc hội nên thông qua một nghị quyết gọi là “Nghị quyết cắt giảm thủ tục đầu tư công trong giai đoạn phục hồi kinh tế”. Hết giai đoạn phục hồi kinh tế, các quy định liên quan đến đầu tư công sẽ tự động phục hồi hiệu lực trở lại.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng/daibieunhandan.vn