Kỳ vọng hiệu ứng tích cực cho xuất khẩu
Dựa trên những tín hiệu tích cực nửa đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong cả năm 2018 được dự báo có thể đạt kim ngạch 240- 242 tỷ USD và tăng trưởng với tốc độ 13-14% so với năm ngoái. Vấn đề cần quan tâm là làm sao tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong nước gia tăng tỷ trọng xuất khẩu trong thời gian tới.
Phân tích biểu đồ về thị phần của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu, ông Mark Gillin, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh (Amcham HCM), cho biết vẫn còn khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Malaysia, Thái Lan hay Philippines.
Chờ DN nhỏ "trỗi dậy"
Tuy nhiên, khi nhắc đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, với biện pháp áp thuế cao của Mỹ lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, ông Mark nhấn mạnh rằng đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể đi vào những chỗ trống khi thị trường gia công chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam hoặc các nước ASEAN.
Điều này đã xảy ra trong những năm gần đây với các ngành dệt may, giày dép, đồ nội thất, hàng tiêu dùng. Ngoài ra, theo ông Mark, còn có thể xảy ra với các ngành có giá trị cao hơn như điện tử, công nghiệp chế biến và ô tô. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với những vấn đề gì trong hoạt động xuất khẩu hiện nay?
Theo vị cựu lãnh đạo Amcham HCM, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đang có động lực phát triển mạnh mẽ, tham gia thị trường ngày càng đông nhưng chưa phải là lực lượng đóng góp lớn vào sự thành công của hoạt động xuất khẩu.
Thực tế, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được đánh giá đúng, trong khi đây là lực lượng đang chiếm phần lớn nhất trong tổng số doanh nghiệp Việt hiện nay.
Tại hội thảo về hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh vào cuối tuần qua, ông Mark Gillin gợi ý các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và thị trường Mỹ nói riêng phải trở thành nhà cung ứng "đủ điều kiện" đối với các công ty Mỹ và toàn cầu, phải đăng ký để có mã số DUNS (công cụ nhận dạng toàn cầu cho các doanh nghiệp).
Mã số này không chỉ giúp các đối tác quốc tế mà cả người tiêu dùng ở thị trường Mỹ hay các quốc gia khác dễ dàng tiếp cận, tin cậy vào thông tin chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam và giúp giao thương toàn cầu được thuận lợi hơn. Đó là tiêu chuẩn toàn cầu để xác minh doanh nghiệp cho các giao thương online và offline.
Trong báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 do Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 21,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước sang tất cả các thị trường.
Trong nửa đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 114,19 tỷ USD, tăng 16,3%, tương ứng tăng 15,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các nhóm hàng đóng góp mức tăng trên 1 tỷ USD là: Điện thoại các loại và linh kiện (tăng 3,13 tỷ USD), máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác (tăng 1,89 tỷ USD), hàng dệt may (tăng 1,86 tỷ USD), máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,81 tỷ USD.
Tín hiệu lạc quan
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Việt Hùng (Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan – Tổng cục Hải quan), cho biết cùng với nhiều hiệu ứng tích cực từ năm 2017 cho đến 6 tháng đầu năm nay, cũng như các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cộng với lợi thế xuất khẩu nửa cuối năm cao hơn nửa đầu năm, có thể dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 có thể đạt 240 – 242 tỷ USD và tăng trưởng với tốc độ 13 – 14% so với năm 2017. Trong năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì cán cân thương mại với trị giá xuất siêu 4,5-5 tỷ USD.
Theo ông Hùng, bức tranh thương mại đã đảo chiều. Ngược lại với tình hình nhập siêu hồi nửa đầu năm ngoái, Việt Nam đã xuất siêu 3,36 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Việc xuất siêu được duy trì liên tục qua từng tháng, dù chưa phải là mức lớn.
Bên cạnh những hiệu ứng tích cực về các yếu tố có thể thúc đẩy gia tăng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung trong nửa cuối năm 2018, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lưu ý rằng cải cách của Chính phủ tuy đã giúp bớt được thủ tục và giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng tiến triển còn chậm và gặp nhiều khó khăn ở "tầng giữa", thực tế vẫn còn nhiều thủ tục có tính trói buộc.
Ngoài ra, ông Thiên vẫn tỏ ra lo lắng việc Việt Nam xuất siêu nửa đầu năm nhưng có khả năng lại nhập siêu trong nửa cuối năm nay bởi ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
"Đây là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, khi giữa hai quốc gia này diễn ra cuộc chiến thương mại, tuy có cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho hoạt động thương mại. Cách tiếp cận thương mại của hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ mạnh hơn", ông Thiên nói.