Nghị định số 126/2020/NĐ-CP:

Kỳ vọng tạo sự minh bạch, rõ ràng trong khoanh nợ, xóa nợ thuế

PV.

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2002. Theo đó, Nghị định được kỳ vọng tạo sự minh bạch trong việc khoanh nợ, xóa nợ thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Để rõ ràng, minh bạch trong việc khoanh nợ, xóa nợ thuế, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, thời gian, trình tự thủ tục đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, quy định về khoanh nợ số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước, Nghị định quy định rõ, người nộp khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước được khoanh nợ số tiền nộp vào ngân sách nhà nước nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 83 của Luật Quản lý thuế, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của từng khoản thu có quy định khác.

Về thủ tục, hồ sơ, thời gian khoanh nợ thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định này. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp người nộp quyết định việc khoanh nợ. Cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khoanh nợ tiếp tục theo dõi các khoản tiền nợ được khoanh và phối hợp với các cơ quan có liên quan để thu hồi tiền nợ khi người nộp có khả năng nộp hoặc thực hiện xóa nợ theo quy định tại điểm h khoản này.

Về xoá nợ số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước, nghị định quy định, người nộp khoản thu khác vào ngân sách nhà nước được xoá nợ số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 85 của Luật Quản lý thuế, trừ khoản thu về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa. Hồ sơ, thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết hồ sơ xoá nợ thực hiện theo quy định tại Điều 86, Điều 87 và Điều 88 của Luật Quản lý thuế.

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, đối với các khoản tiền nợ thuế đến hết ngày 30/6/2020 thì được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP); đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 01/7/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2006 đã được sửa đổi tại Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Các trường hợp được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian nộp thuế được tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các trường hợp thuộc diện kê khai thuế theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đảm bảo thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành. 

Ngoài ra, để đảm bảo xóa nợ đúng đối tượng, nghị định còn quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương trong xoá nợ, hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ đã được xóa trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và đăng ký kinh doanh được thực hiện bằng hình thức văn bản; trường hợp đủ điều kiện, thì trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử. Khi xem xét khoanh nợ, thủ trưởng cơ quan thuế phải ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ đối với các trường hợp đủ điều kiện. 

Về trình tự trao đổi thông tin, sau khi cơ quan thuế cung cấp các thông tin về người nộp thuế đã được xóa nợ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phản hồi thông tin về đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh... của người đã được xóa nợ và nhận được thông tin về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đã được xóa nợ từ cơ quan thuế.

Theo Tổng cục Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các trường hợp đã được xóa nợ, nhưng chưa hoàn trả tiền thuế vào ngân sách nhà  nước.

Ngoài ra, đối với các trường hợp được xóa nợ do ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng, để đảm bảo chính sách phù hợp với từng thời kỳ, tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quy định về thủ tục, hồ sơ xóa nợ đối với nội dung này.