Kỳ vọng từ chiến lược nợ công và nợ nước ngoài

Phùng Tuấn

TCTC Online - Ngày 8/11/2011, Quốc hội đã thông qua nâng trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, nợ của Chính phủ không quá 50% GDP và nợ quốc gia không quá 50% GDP. Ngày 27/7/2012 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030. Theo nhiều chuyên gia, điều này cho thấy nhận thức đúng đắn của các nhà lãnh đạo đất nước về nợ công và kỳ vọng có thể giúp kiểm soát tốt nợ công trong thời gian tới.

Nợ công ở Việt Nam

Theo các nhà kinh tế quốc tế, tỷ lệ nợ công so với GDP vào khoảng 60% và tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP khoảng 30% vẫn có thể coi ở ngưỡng an toàn. Đây cũng là ngưỡng mà các nước thành viên trong Liên hiệp châu Âu ký kết với nhau trong Hiệp ước Maastricht vào năm 1992. Ở Việt Nam, theo tin từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2011, nợ công chiếm 54,6% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 43,6% GDP, còn nợ nước ngoài chiếm 41,5% GDP (tương đương 50 tỷ USD). Tỷ lệ này vẫn nằm trong phạm vi giới hạn an toàn theo Nghị quyết của Quốc hội (kiểm soát dư nợ công đến năm 2015 dưới 65% GDP, nợ Chính phủ, nợ quốc gia dưới 50% GDP).

Nhận định của các nhà quản lý cho thấy, dự kiến đến hết năm 2012 nợ công Việt Nam sẽ chiếm khoảng 58,4% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 46,1% GDP. Chỉ số này được tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng kinh tế đạt 6%. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP của năm 2012 có thể chỉ đạt mức 5,2 – 5,7%. Như vậy, nợ công năm 2012 sẽ tăng lên.

Các tổ chức quốc tế cũng cho rằng quy mô nợ của Việt Nam gia tăng nhanh trong giai đoạn 2006 - 2010, và tiếp đà tăng này trong giai đoạn 2011 - 2015. Hầu hết các dự báo đều cho thấy, đến năm 2015, tổng số nợ công sẽ vào khoảng 60 -  65% GDP. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tới năm 2015, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên 86,2 tỷ USD, nợ nước ngoài cũng tăng tương ứng từ 41,7 tỷ USD lên 73,8 tỷ USD.

Lo lắng…

Nợ công hiện nay đang trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia trên thế giới. Hàng loạt nền kinh tế lớn, nhỏ đang phải lao đao, bên bờ vực phá sản vì những cơn khủng hoảng mang tên nợ công. Dù nhiều chuyên gia đồng tình rằng, với thực trạng hiện nay, Việt Nam chưa phải quá lo về nợ công, song việc nhanh chóng đưa ra các biện pháp để kiểm soát nợ công là điều cần làm. Hơn nữa, đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp và doanh nghiệp (DN) phá sản hàng loạt ngày càng nhiều dẫn đến thất thu thuế, thu ngân sách nhà nước (NSNN) sụt giảm, thì tình trạng nợ công của Việt Nam hiện nay không phải là lành mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, việc nợ của DN, đặc biệt là nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có bảo lãnh của Chính phủ hiện đang có xu hướng tăng nhanh là điều đáng lo ngại. Nói cách khác, về lâu dài, khối DNNN là mối đe dọa đối với nợ công. Tính đến tháng 9/2011, tổng nợ của khối DNNN được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 17,5% dư nợ của DNNN. Với tình hình hoạt động kinh doanh ở các tập đoàn Nhà nước, cũng như những bê bối Vinashin, Vinalines vừa qua, thì khả năng thâm hụt NSNN và nợ công tăng cao là rất hiện hữu. Bởi trong những tình huống như thế, rủi ro nằm ở những khoản vay mượn nước ngoài của DNNN, do Nhà nước đứng ra bảo lãnh và trong tương lai sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi trả bằng tiền NSNN. Sự hỗ trợ sẽ diễn ra dưới các hình thức khoanh nợ, giãn nợ (tái cấu trúc nợ), thậm chí xóa nợ.

Hiện nay, các khoản nợ đến hạn cả trong nước và nước ngoài đều được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Chi trả nợ gốc từ NSNN bình quân 40.000 - 45.000 tỷ đồng/năm giai đoạn 2006-2010 và tiếp tục gia tăng trong những năm tới do đến hạn trả nợ cũng như biến động tỷ giá hối đoái, chiếm 14-16% GDP hàng năm. Riêng giai đoạn 2011-2012, Việt Nam chi khoảng 100.000 tỷ đồng để trả nợ. Thời gian tới, khả năng trả nợ từ nguồn thu NSNN sẽ có thể gặp căng thẳng trong bối cảnh số lượng DN phá sản ngày càng tăng, nguồn tăng thu cho NSNN ngày càng khó. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 290% và 2.808% của các năm 2009 và 2008; trong khi mức khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) là trên 200%. Trong 6 tháng đầu năm 2012, dự trữ ngoại hối đã tăng lên trên 10 tỷ USD (năm 2011 đạt 9 tỷ USD), tương đương 10 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, mức dự trữ ngoại hối khá cao này là do nhu cầu nhập nguyên vật liệu không nhiều vì sản xuất trong nước đình đốn. Nói cách khác, số dự trữ ngoại hối hiện nay vẫn chưa thể là nguồn lực đáng kể để “khắc chế” nợ công.

Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, lãi suất vay nợ của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên do Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (nên bị giảm mức nhận ưu đãi) và do ít nhiều giảm cả mức tín nhiệm quốc gia vì những e ngại bất ổn của kinh tế vĩ mô và sự kiện Vinashin, Vinalines...

… và lạc quan

Bên cạnh những ý kiến lo lắng về tình hình nợ công của Việt Nam, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, dù hiện nay tỉ lệ nợ công tính trên GDP của Việt Nam khá cao song không phải điều gì quá bi quan. Bởi trên thực tế, nợ công của Nhật Bản lên tới 200% GDP, thuộc hàng cao nhất trong những nước phát triển nhưng do kinh tế tăng trưởng ổn định vẫn đảm bảo thu được thuế, cho nên không ở tình trạng báo động về nợ công. Như vậy, tỉ lệ nợ công tính trên GDP không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng là khả năng trả nợ của quốc gia ra sao.

Bên cạnh đó, cơ cấu nợ cũng là một yếu tố để xem xét. Theo đó, nếu nền kinh tế có một cơ cấu nợ trong đó nợ dài hạn được rải đều ra các năm, thì quốc gia có thể cân đối được các hoạt động vay nợ mới để trả nợ cũ, do đó không chịu sức ép của nợ nần. Ở Việt Nam, điều may mắn là xét về cấu trúc, các khoản nợ phần lớn là vay ưu đãi trong thời hạn dài với lãi suất thấp, cho nên hiện tại chưa có nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công nào. Nói cách khác, cơ cấu nợ công Việt Nam tương đối an toàn và vẫn đảm bảo khả năng trả nợ. Theo Bộ Tài chính, trong cơ cấu nợ của Việt Nam thì nợ vay dài hạn, lãi suất ưu đãi là chủ yếu trong đó, nợ ODA chiếm 75% (điển hình là khoản vay của WB có thời hạn 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất là 0,75% một năm; Khoản vay của ADB có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn với lãi suất 1% một năm; Các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn và lãi suất khoảng từ 1-2% một năm…), vay ưu đãi khác 19%, vay thương mại chỉ 7%... Đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF cũng cho thấy, Việt Nam là nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không thuộc các nước có gánh nặng về nợ. Đó là chưa kể hiện nay, cơ cấu huy động vốn vay trong và ngoài nước của Việt Nam đã có sự thay đổi theo hướng tỷ trọng nợ nước ngoài giảm và tỷ trọng nợ trong nước tăng lên nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài của quốc gia…

Ngoài ra, điều khiến dư luận lạc quan về khả năng trả nợ của Việt Nam là nguồn kiều hối đổ về Việt Nam hàng năm. Kiều hối không chỉ là nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong việc trả nợ nước ngoài, bổ sung một nguồn ngoại tệ ổn định cho Việt Nam trong bối cảnh các nguồn vốn như ODA, FDI, FII ngày càng khó. Ước tính trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2011, lượng kiều hối đã tăng lên 8 lần (từ mức 1,2 tỉ USD lên 9 tỷ USD) Năm 2010, với con số 8,26 tỷ USD, Việt Nam xếp hạng 9 trong số các quốc gia đang phát triển về nhận kiều hối. Năm 2011, kiều hối Việt Nam đạt mức kỷ lục 9 tỷ USD, bù đắp được 92% cán cân thương mại. Trong năm 2012, dù kiều hối được dự báo sẽ giảm mạnh do kinh tế toàn cầu khó khăn, song chắc chắn đây vẫn là nguồn lực đáng kể góp phần trả nợ nước ngoài.

Hơn nữa, kỳ vọng từ Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cũng khiến dư luận yên tâm hơn về tình hình nợ công của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy nhận thức đúng đắn của Chính phủ về vấn đề nợ công và kiểm soát nợ công. Theo chiến lược này, từng bước giảm dần nợ công, đến năm 2030 nợ công không quá 60% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP. Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài cũng khẳng định sẽ gắn với việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ. Đồng thời, duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn được Quốc hội phê chuẩn trong từng giai đoạn và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Bảo đảm nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu NSNN hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ của nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Đồng thời, đảm bảo chỉ tiêu tỉ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%...

Nhiều chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế ngày càng lớn trong khi khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ thì việc huy động từ các nguồn vốn vay nợ trong và ngoài nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc huy động vốn vay và trả nợ cần phải nằm trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia. Kỳ vọng rằng, với những yếu tố thuận lợi đã đề cập, đặc biệt là Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nợ công không còn là nỗi lo niềm ẩn, không trở thành thách thức đối với an ninh tài chính quốc gia.