Lãi ngân hàng vẫn tăng
(Tài chính) Trái ngược một số nhận định, một phân tích đối với hoạt động cho vay truyền thống của 8 ngân hàng niêm yết thuộc nhóm lớn nhất hệ thống cho thấy, tỉ lệ thu nhập lãi trung bình vẫn tăng đáng kể sau mỗi giai đoạn.
Tư nhân chiếm ưu thế
Các phân tích này được thực hiện với hoạt động thương mại truyền thống bao gồm cho vay và nhận tiền gửi trong các giai đoạn 2009 - 2011, 2012 - 2013 của 8 ngân hàng niêm yết, bao gồm BIDV (BID), Vietinbank (CTG), Vietcombank (VCB), MBB, ACB, Sacombank (STB), Eximbank (EIB) và SHB.
Sở dĩ các phân tích tập trung vào hoạt động thương mại truyền thống là bởi hoạt động này thường chiếm hơn 70-90% tổng thu nhập hoạt động của mỗi ngân hàng. Dù cần rất nhiều yếu tố đánh giá song với với hoạt động của các ngân hàng hiện nay, NIM – tỷ lệ thu nhập lãi thuần được tính bằng thu nhập lãi thuần trên tài sản có sinh lãi trung bình, được xem là yếu tố đánh giá quan trọng.
Một bất ngờ khi nhìn vào kết quả kinh doanh của 8 ngân hàng nói trên chính là việc nhóm ngân hàng tư nhân duy trì tỷ lệ thu nhập lãi tốt hơn nhờ cơ cấu dư nợ nghiêng về mảng ngân hàng bán lẻ. Phân tích chỉ ra rằng, tỷ lệ các khoản cho vay cho cá nhân của các ngân hàng tư nhân là chủ yếu (chiếm đến 30 - 40% tổng dư nợ) trái ngược với nhóm nhà nước được cho là nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) bán buôn và cho vay chủ yếu cho các công ty, tập đoàn lớn tới 75-85% tổng dư nợ.
Chính vì lợi thế trong cho vay doanh nghiệp (DN) nhỏ, vừa (SME) và cho vay cá nhân với tỷ lệ tương ứng qua khảo sát lên tới 60% và 40% cơ cấu dư nợ, STB hiện dẫn đầu với thu nhập lãi cao nhất trong cả hai giai đoạn, lần lượt là 10,2% ở giai đoạn 2009-2011 và 11,4% ở giai đoạn 2012-2013. Ngược lại, VCB bị xếp vào vị trí thấp nhất trong nhóm 8 ngân hàng, với các tỷ lệ thu nhập lãi qua hai giai đoạn lần lượt là 7,3% và 6,9%. Việc gánh trách nhiệm tương đối nặng nề với các DNNN có thể lý giải cho tỷ lệ thu nhập lãi thấp nhất nhóm của VCB.
Một diễn biến gây nhiều chú ý là sự cải thiện đáng kể trong tỷ lệ thu nhập lãi của ACB. Ở giai đoạn 2009-2011, dù tài sản liên quan đến vàng của ACB ở mức cao, lợi nhuận từ nó không đủ tương xứng khiến tỷ lệ thu nhập lãi của nhà băng này chỉ giữ ở mức 7,7%. “Sau khi đoạn tuyệt với vàng, ACB nhanh chóng lấy lại mức thu nhập lãi đáng nể, cùng tầm một NHTM bán lẻ tiêu chuẩn như STB” – phân tích cũng dẫn ra tỷ lệ lãi tăng lên mức 11,2% trong giai đoạn 2013-2013.
Ngược lại với SHB, tỷ lệ lãi sau hai giai đoạn giảm mạnh từ 8,4% xuống còn 7,7% và được lý giải bởi một số khoản cho vay của Habubank không được trả lãi đúng hạn và điều này trực tiếp khiến tỷ lệ thu nhập lãi của SHB sụt giảm.
“Lợi thế” nhà nước
Tuy nhiên ở kênh vốn đầu vào, khác với lợi thế về phần thu nhập của khối ngân hàng tư nhân, mối quan hệ với Ngân hàng Nhà nước và các công ty nhà nước theo phân tích mang lại quỹ chi phí thấp cho nhóm ngân hàng quốc doanh. Điều này giải thích vì sao trong lúc các ngân hàng tư nhân điển hình chủ yếu dựa vào các khoản tiền gửi từ khách hàng với 80-90% cơ cấu nợ, tỷ lệ tương ứng ở một ngân hàng quốc doanh chỉ là 60-70%.
Một ví dụ điển hình là với 33.000 tỷ đồng tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, VCB có chi phí huy động vốn thấp nhất trong số 8 ngân hàng, xấp xỉ 4,9%. Cũng theo bản phân tích, MBB xếp ngay sau với vị trí thứ hai về chi phí huy động (5,0%) nhờ có đến 30% tiền gửi khách hàng tương đương 40.000 tỷ đồng là khoản tiền gửi không kỳ hạn đến từ các công ty quân đội.
Tương tự, Vietinbank lại có nguồn vốn ủy thác từ các cơ quan nhà nước, các công ty có vốn nhà nước khác và nhờ đó, chi phí vốn trung bình của nhà bằng này giai đoạn 2012-2013 chỉ vào khoảng 5,9%. Còn tại ACB và EIB, sau một thời gian chủ yếu huy động vốn vàng và qua đó giúp chi phí huy động vốn khá thấp, việc Ngân hàng Nhà nước cấm huy động vàng gần đây khiến chi phí huy động của hai ngân hàng này trở lại mức thông thường như ở các ngân hàng tư nhân khác.
Theo đó khi xét về hệ số NIM, trong số 8 ngân hàng niêm yết hiện nay, STB hiện đang là ngân hàng hàng đầu trong hoạt động NHTM truyền thống với tỷ lệ NIM cao nhất 5,1%. Ba vị trí tiếp theo thuộc về ACB nhờ cơ cấu cho vay hiệu quả và MBB, CTG nhờ chi phí vốn giá rẻ. Ở cuối bảng, SHB có tỷ lệ NIM thấp nhất chỉ 1,9%. “Ngân hàng này còn phải nỗ lực rất lớn để có thể vượt qua gánh nặng mà Habubank mang lại” – phân tích đưa nhìn nhận.