Lãi suất cao, doanh nghiệp vẫn đổ xô vay ngoại tệ
Dù phàn nàn về lãi suất cho vay cao, song nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn đang đổ xô xin vay ngoại tệ, khiến cho vay USD vượt nhiều so với nguồn USD huy động được.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng yêu cầu toàn ngành ngân hàng kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ. Mục đích là nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ, đặc biệt tại các ngân hàng thương mại, cùng với đó là phục vụ mục tiêu chung về chống đô la hóa nền kinh tế.
Cho vay gấp đôi huy động
Hiện, các ngân hàng thương mại đang huy động USD với lãi suất 0% nhưng cho vay khá cao, phổ biến ở mức 2,8%-6%/năm.
Theo NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/ năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5- 6,0%/năm.
Trong khi đó, tính đến ngày 24/8, lãi suất cho vay USD liên ngân hàng bình quân có xu hướng giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm và 1 tuần giảm nhẹ lần lượt 0,02%/ năm và 0,04%/năm xuống mức 2,03%/năm và 2,15%/năm; kỳ hạn 1 tháng có lãi suất bình quân ít biến động và giữ ở mức 2,36%/năm.
Theo các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, dù mức lãi suất cho vay USD hiện nay so với vay VND thấp hơn nhiều, song nếu so với mức lãi suất mà các ngân hàng đang huy động là 0% thì còn khá cao.
Ông Trần Minh Tài, Giám đốc DN tư nhân Xuất khẩu Mây tre đan Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội), cho hay: "Ngân hàng đang huy động ngoại tệ "không mất đồng nào", lẽ ra phải cho vay rẻ hơn để hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh tỷ giá biến động tăng cao như thời gian vừa qua".
Tuy tỏ ra không hài lòng, song nhiều DN vẫn muốn vay USD, khiến chênh lệch giữa nguồn cho vay và huy động ngày càng nới rộng.
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo NHNN, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết tính đến cuối tháng 7/2018, huy động ngoại tệ đạt khoảng 10,7% trên tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM là 2,15 triệu tỷ đồng. Trong khi cho vay ngoại tệ chiếm khoảng 9,1% trên tổng dư nợ cho vay 1,93 triệu tỷ đồng.
Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tính đến hết tháng 5/2018, tín dụng VND chiếm 91,9% tổng tín dụng, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,1% tổng tín dụng.
Nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của một số ngân hàng thương mại có thể thấy, cho vay USD cao hơn gấp đôi với nguồn USD huy động được từ tiền gửi USD của khách hàng.
Chẳng hạn, VietinBank cho vay bằng USD lên tới 109.978 tỷ đồng (4,8 tỷ USD), gấp 2,5 lần huy động USD; BIDV cũng cho vay ra bằng USD rất lớn với 86.383 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), gấp 2,2 lần huy động…
Kiểm soát chặt cho vay
Bối cảnh tỷ giá hiện có nhiều biến động, song nhu cầu vay USD của các DN xuất nhập khẩu vẫn tăng cao, trong khi huy động không đáp ứng kịp.
Tuy nhiên, trong một động thái gần đây của NHNN lại cho thấy, cơ quan này sẽ không điều chỉnh lãi suất huy động USD để giúp thị trường cân bằng huy động/cho vay.
Người đứng đầu NHNN còn phát đi thông điệp tăng cường kiểm soát việc cho vay bằng ngoại tệ, tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ trong thời gian tới theo "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Với chủ trương này, hầu hết các chuyên gia và DN đều đồng tình ủng hộ.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, cho rằng việc áp dụng một đồng tiền duy nhất được giao dịch ở Việt Nam sẽ khiến các DN chỉ vay vốn bằng nội tệ, điều này sẽ có lợi cho chính sách ngoại hối của Việt Nam.
Về phía DN, ông Tài cũng bày tỏ sự ủng hộ chủ trương chống đô la hóa, dù bản thân DN sẽ bị tác động mạnh.
"Nếu phải vay bằng VND với lãi suất cao, sau đó đổi sang USD lãi suất thấp hơn để thanh toán cho đối tác, các DN xuất nhập khẩu phải mất thêm một khoản chi phí nữa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hoàn toàn ủng hộ, bởi điều này sẽ có lợi cho nền kinh tế", ông tài nói.
Đưa ra giải pháp cho DN trong thời gian tới, ông Tài cho biết đối với các đối tác tốt, làm ăn lâu năm, sẽ tìm sự chia sẻ khi giá thành sản phẩm lên cao, hoặc có thể tìm thêm các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Bên cạnh đó, một vài ý kiến đề cập đến khả năng DN sẽ tìm đến thị trường tự do để mua ngoại tệ.
Vì vậy, một số chuyên gia kiến nghị NHNN việc chuyển từ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán, NHNN nên có trường hợp ngoại lệ nhằm hỗ trợ những DN xuất nhập khẩu uy tín trên thị trường.