Lãi suất cho vay chưa thể giảm cho tới những tháng cuối năm 2023
Ít nhất phải hết tháng 6/2023 đến cuối năm nay, khi các nhà băng thôi phải "gồng" trả lãi tiền gửi, giá vốn giảm, lãi suất cho vay mới có thể giảm theo.
Cần một đỗ trễ từ 3 tháng đến một năm
Nhìn lại thời điểm cuối năm 2022, khi cuộc đua lãi suất huy động để thu hút khách hàng diễn ra, lãi suất huy động được đẩy lên mức đỉnh với kỳ hạn 6 tháng đến một năm là từ 8-11%/năm. Sau đó, chính các ngân hàng phải “gồng mình” trả lãi.
Con số chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng được ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ trong báo cáo tài chính quý I/2023 là minh chứng. Thậm chí, có nhiều ngân hàng ghi nhận chi phí trả lãi tiền gửi tăng trên 100% như: MBBank (tăng 126%); Techcombank (tăng 186%), ABBank (tăng 110%)... Một số các ngân hàng thương mại khác cũng đồng loạt tăng chi phí trả lãi tiền gửi trên 70% như NamAbank, Ngân hàng Quốc Dân, KienLongBank...
Không chỉ chi phí trả lãi tiền gửi tăng đột biết, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lại phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khách cũng tăng mạnh ở hầu hết ngân hàng, ăn mòn thu nhập lãi thuần.
Với các khoản tiền gửi ở mức lãi suất cao như trên, kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng đến một năm, ít nhất phải đến tháng 6/2023, thậm chí tháng 12/2023 hoặc hơn mới hết hạn thanh toán gốc và lãi, chưa kể các khoản huy động kỳ hạn 2 năm, 3 năm thì lãi suất cao còn kéo dài đến 2024-2025. Vì thế, các ngân hàng chưa thể giảm mạnh lãi suất cho vay ra được. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng phải đối mặt với những câu chuyện rủi ro khi nền kinh tế trong nước và quốc tế vẫn còn tiềm ẩn.
Trong khi đó, những khách hàng, doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt mới có thể hưởng lãi suất thấp thì chưa cần vốn do nhiều nguyên nhân. Ngược lại, những khách hàng, doanh nghiệp cần vốn, đa phần lại không đủ chất lượng tín dụng, do đó ngân hàng sẽ chỉ cho vay ra với lãi suất cao hơn để bù rủi ro, dẫn đến lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao.
Mới đây, trong Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, chưa có sự giảm đồng bộ với lãi suất huy động và lãi suất điều hành vì lãi suất cho vay là thỏa thuận giữa nhà băng và khách hàng, theo thỏa thuận cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
“Ai cũng muốn lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ khó khăn. Phía ngân hàng cũng mong vậy, nhưng việc cung ứng vốn phải dựa trên sự cân bằng của thị trường, khả năng của bên cho vay và mức hấp thụ vốn của doanh nghiệp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Như vậy, phải từ quý III/2023, khi giá vốn giảm, các nhà băng này mới có thể giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, tác động của việc điều chỉnh lãi suất từ NHNN thường có độ trễ với nền kinh tế một thời gian, ngắn là 3 tháng, dài là một năm mới nhìn thấy rõ ràng.
Lãi suất cho vay vẫn ở quanh ngưỡng đỉnh
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt trong vấn đề lãi suất khi có tới 4 lần hạ lãi suất trong vòng 3 tháng qua. Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
“Chưa bao giờ, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN ghi nhận nhiều điều chỉnh trong một thời gian ngắn như vậy”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Tuy nhiên, tốc độ giảm của lãi suất huy động và lại suất cho vay khá chênh lệch nhau. Lãi suất cho vay giảm khá ít, thậm chí hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể, nhất là lãi suất cho vay mua nhà vẫn quanh ngưỡng 12 – 14%/năm. Nếu có giảm chỉ một số các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tham gia và giảm khoảng 0,5 – 1% so với lúc đỉnh điểm.