Lãi suất điều chỉnh
Hiện tượng một loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) đã vừa điều chỉnh lãi suất huy động từ trên 10%, về mặt bằng lãi suất dưới 9%, là một tín hiệu tích cực nếu không xét “cơ chế thị trường”.
Bởi đây là một sự đồng lòng nhất định của các NHTM sau khi họp với NHNN, như thông tin của Thống đốc NHNN trả lời báo chí mới đây.
Thanh khoản của hệ thống tích cực và NHNN sẵn sàng đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, người đứng đầu cơ quan quản lý ngành ngân hàng khẳng định đồng thời “nói là làm”: NHNN đã bơm ròng tới 75 nghìn tỷ đồng cho các ngân hàng cách đây chưa lâu và tuần vừa qua, đã sửa dụng các biện pháp trung hòa ngắn hạn để bơm - hút tiêng trong hệ thống, đưa lãi suất liên ngân hàng về một mặt bằng thấp hơn, đặc biệt với các kỳ hạn cần vay mượn đáp ứng nhu cầu thanh toán ngay qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.
Sự đồng lòng + thanh khoản đảm bảo + mặt bằng lãi suất thấp hơn (dù vẫn cao so với trước đây sau 2 kỳ điều chỉnh lãi suất điều hành) = Tín hiệu tích cực và rất quan trọng của hệ thống ngân hàng: Tiền tệ tiếp tục mạch chảy ổn định với lãi suất không bị đẩy lên quá cao - Xóa nỗi lo về nguy cơ tái lập một phần tình trạng của 2008 khi lạm phát, lãi suất cùng đua phi mã.
Thực tế, không có cơ sở nào để đặt ra nỗi lo lạm phát và lãi suất có thể lặp lại kịch bản 2008. Nền kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng ổn định và kiểm soát lạm phát tốt, các đánh giá của IMF, ADB, HSBC, Maybank Group… về kinh tế Việt Nam đều rất tích cực.
IMF trong khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ, và xuất khẩu giảm do tình hình kinh tế tại các đối tác thương mại chính của khu vực này, trong đó có Mỹ, vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 đạt 7,0%, lạm phát 3,8%.
Chua Hak Bin và Brian Lee Shun Rong, kinh tế gia của Maybank Group thậm chí dự báo GDP của Việt nam năm 2022 sẽ + 8% phù hợp với ước tính mới nhất của chính phủ, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Nhóm chuyên gia này cho rằng việc NHNN tăng lãi suất mạnh mẽ (cho đến nay là + 200 điểm phần trăm, với mức + 50 điểm phần trăm khác dự kiến trong quý 1 năm 2023) gây rủi ro suy giảm nhu cầu trong nước, song Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi để hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy vậy, mặt bằng lãi suất được điều chỉnh thấp, kỳ vọng sẽ tạo khoảng trống trên cho biên độ lãi suất đầu ra không điều chỉnh quá cao. Kéo theo là dòng tiền không rời bỏ thị trường trái phiếu với đòi hỏi lãi suất danh nghĩa phải đẩy lên hấp dẫn hơn. Tất nhiên, sẽ có độ nén nhất đối với mặt bằng lãi suất mà hy vọng sẽ không bị các đợt tăng lãi suất mới Fed tới đây, nén hơi căng thêm.