Lãi suất giảm thấp khiến tỷ giá có thể giảm 2% vào cuối năm
Từ đầu năm đến giữa tháng 3, diễn biến trên thị trường ngoại hối khá ổn định, mức dao động tỷ giá chỉ khoảng 0,2-0,3%, nằm trong mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Nhưng kể từ đó, tỷ giá đã “nổi sóng”...
Hạ mặt bằng lãi suất, giảm sự hấp dẫn nắm giữ VND
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.235 đồng/USD.
Tại Sở giao dịch NHNN, tỷ giá mua vào - bán ra ở mức 23.175-23.650 đồng/USD. Tại các ngân hàng, Vietcombank niêm yết tỷ giá 2 chiều mua - bán ở mức 23.510 - 23.700 đồng/USD; BIDV là 23.560-23.720 đồng/USD; VietinBank là 23.548-23.708 đồng/USD; Techcombank là 23.570-23.710 đồng/USD.
Ða số các ngân hàng thương mại giảm mạnh giá niêm yết so với cuối giờ phiên liền trước, nhưng tỷ giá VND/USD đã có xu hướng tăng khá mạnh tại tất cả các kênh, với mức tăng 1,7-2% so với thời điểm đầu tháng 3/2020.
Trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, NHNN đã có động thái giảm mạnh các mức lãi suất điều hành.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh dẫn đến nhu cầu huy động vốn không cao, các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu hạ mặt bằng lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và dài.
Ðiều này góp phần làm giảm mức hấp dẫn của việc nắm giữ VND, từ đó làm tăng kỳ vọng hạ giá của VND trong thời gian tới, cho dù mức độ hạ lãi suất huy động không cao.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, với việc thị trường kỳ vọng mặt bằng lãi suất của Việt Nam sẽ giảm thêm trong thời gian tới thì áp lực đối với tỷ giá vẫn còn.
Sức ép lên VND từ khía cạnh này sẽ chỉ giảm khi Ngân hàng Trung ương Mỹ áp dụng biện pháp bơm tiền mạnh tay với các gói mua trái phiếu khối lượng không giới hạn, đẩy mặt bằng lãi suất tham chiếu của Mỹ xuống mức gần 0 và sẽ khiến lãi suất huy động tại Mỹ giảm mạnh.
Thực tế, thị trường ngoại hối bắt đầu có những quan ngại. Mặc dù NHNN đã mua được lượng ngoại tệ lớn từ năm 2012, nhất là năm 2019, nhưng các tháng đầu năm 2020 cung - cầu USD không còn được thuận lợi như các năm trước trước ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19.
Trong 2 tháng đầu năm nay, khu vực xuất khẩu của Việt Nam suy yếu, chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm mạnh so với mức tăng 7-8% tại các thời điểm bình thường.
Ðầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, nhưng mức tăng không cao. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng suy giảm khi các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường bán ra các tài sản tài chính của Việt Nam để quản trị rủi ro khi nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới đã tương đối rõ ràng.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 200 triệu USD cổ phiếu, làm đảo ngược hầu hết các giao dịch mua vào trong năm 2019 (xấp xỉ 300 triệu USD).
Từ đầu tuần trước, tỷ giá có xu hướng tăng khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh.
Dù vậy, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, từ đầu năm 2020 cho đến trước Tết Nguyên đán, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào và thị trường quốc tế thuận lợi, tỷ giá thị trường khá ổn định, NHNN tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Sau Tết, thị trường ngoại tệ chịu áp lực nhất định từ các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19, song tỷ giá biến động không quá lớn.
Tại một số ngày, tỷ giá trên thị trường giảm về sát tỷ giá mua của NHNN và các tổ chức tín dụng tiếp tục bán ngoại tệ cho NHNN.
“Trạng thái ngoại tệ vẫn đang ở mức dương. Thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn thông suốt. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ”, ông Hà chia sẻ.
Tỷ giá kỳ vọng giảm khoảng 2% tới cuối năm
Bà Yun Liu, chuyên gia Kinh tế thị trường Việt Nam của HSBC nhận định, thực tế là chính sách tiền tệ hiện nay vẫn ở mức ôn hòa - ngay cả khi lãi suất thực của tiền đồng đã thấp kéo dài - để bảo đảm cho một quan điểm thận trọng về tiền tệ.
Lãi suất chính sách hiện tại là 5%/năm, thấp hơn mức lạm phát trung bình 5,92% cho tới nay (tính đến tháng 2/2020).
Trong khi áp lực lạm phát có thể sẽ giảm bớt trong những tháng tới, lạm phát trung bình năm 2020 vẫn được dự đoán sẽ duy trì trên mức mục tiêu 4% và cao hơn mức trung bình 2,8% của năm 2019.
Cũng theo bà Yun Liu, xu hướng chính sách mâu thuẫn có thể ngăn cản dòng đầu tư và làm suy yếu tiền đồng.
Ðiều này dường như đã được thể hiện với các khoản đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong nước đang chậm lại trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2020 đã giảm 5%, xuống mức 2,5 tỷ USD. Với sự bất ổn toàn cầu hiện nay, dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể còn chậm hơn trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên từ từ. Năm 2019, NHNN đã bổ sung lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục trị giá 25 tỷ USD và các cơ quan chức năng sẽ sẵn sàng sử dụng những khoản này để dàn xếp biến động tỷ giá hối đoái, từ đó giảm bớt tác động lan truyền tiềm năng dẫn đến lạm phát.
Dù vậy, việc VND yếu hơn đáng kể sẽ mang lại tác động không tích cực, chẳng hạn có thể ngăn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam”, bà Yun Liu phân tích.
Theo chuyên gia này, tỷ giá cuối năm dự báo sẽ ở mức 23.450 đồng/USD, tức là tiền đồng sẽ mất giá 1,2% so với USD trong cả năm nay và đi kèm với giả thiết nhân dân tệ (CNY) được giữ ổn định.
Mức suy yếu khiêm tốn này cũng sẽ giúp đảo ngược sự sụt giảm của tỷ giá CNY/VND kể từ tháng 4/2019, mà chuyên gia HSBC cho rằng sẽ trở thành vấn đề với Việt Nam khi xét về khả năng cạnh tranh.
Theo quan điểm của MBSecurities, từ nay cho đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi.
Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể lên tới hơn 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm, mức độ giảm sẽ chỉ khoảng 2% do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD sẽ mất dần.